Với tổng chiều dài khoảng 50km, nhưng đoạn quốc lộ 1A đi qua địa bàn thành phố thường xảy ra TNGT. Nguyên nhân lâu nay được nhận diện là do tuyến đường này có quá nhiều ô-tô và mô-tô cùng lưu thông, lại đi qua những khu dân cư đông đúc. Tuy nhiên, có một tồn tại nữa cũng “góp phần” dẫn đến những vụ TNGT là biển hiệu giao thông trên các tuyến đường này vừa thừa, vừa thiếu và cũng rất lộn xộn.
Theo phản ánh của các tài xế, việc đặt thùng biến áp tại ngã tư Tôn Đức Thắng-Nguyễn Như Hạnh (ảnh) đã cản trở tầm quan sát của lái xe. |
Để giải quyết bài toán quá tải cho quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn thành phố, bao gồm các đường Nguyễn Lương Bằng-Tôn Đức Thắng-Trường Chinh, ngày 19-4-2008, tuyến đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan đã được đưa vào sử dụng. Theo thiết kế, tuyến đường tránh này sẽ rút ngắn được đoạn đường 10 km so với trục đường đi vào thành phố, mỗi ngày sẽ “gánh” bớt cho tuyến đường Nguyễn Lương Bằng-Tôn Đức Thắng-Trường Chinh từ 6-7 ngàn lượt ô-tô.
Thế nhưng cho đến nay, số lượt ô-tô đi vào con đường tránh này vẫn rất thấp, khoảng dưới một ngàn lượt xe/ngày đêm. Về vấn đề này, theo lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải, một phần do nhiều ô-tô có nhu cầu đi vào thành phố để lên-xuống hàng hóa cũng như đón-trả hành khách, còn lại một lý do rất quan trọng là đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa cắm biển cấm ô-tô không có nhu cầu vào thành phố đi vào đường Nguyễn Lương Bằng, mà chỉ được đi vào đường tránh.
Đáng lo ngại là trên tuyến đường tránh này có rất nhiều đường ngang mở trái phép đấu nối vào đường chính, và cũng không có biển báo cho các phương tiện khác biết. Điều này dẫn đến tình trạng tài xế chạy xe trên đường tránh chủ quan, đến khi phát hiện có xe từ đường ngang chạy cắt mặt thì không xử lý kịp. Thực tế sau gần hai năm đưa vào khai thác, trên trục đường này đã xảy ra gần 10 vụ TNGT, hầu hết đều rất nghiêm trọng.
Trên trục đường Nguyễn Lương Bằng-Tôn Đức Thắng thiếu trầm trọng các biển hiệu giao thông hoặc có nhưng đã quá cũ kỹ, không còn giá trị thông tin, số khác thì trong tình trạng bị cây xanh che khuất. Đặc biệt là trên trục đường này thời gian gần đây đã có thêm một số tuyến đường đấu nối vào, đa số vẫn chưa được gắn biển báo đường giao nhau cho các tài xế biết. Trái ngược với hai tuyến đường trên, tại đường Trường Chinh lại khá dư thừa biển báo các loại, nhất là phía tiếp giáp với đường sắt Bắc – Nam và vị trí đặt các biển hiệu lại rất khó hiểu. Trên suốt đoạn đường này, gần như tất cả biển báo hiệu “trẻ em” đều được đặt ở những vị trí không thể có… trẻ em, vì không ở gần trường học, không gần khu công viên, thậm chí gần chợ cũng không.
Biển báo hiệu “trẻ em” lại được đặt tại vị trí này? |
Đã vậy, tại các vị trí này cũng không có vạch kẻ ngang dành cho người đi bộ qua đường. Trên tuyến đường sắt tại những vị trí này cũng không có lối mở dành cho người đi bộ đi qua. Trong khi đó, những cột thông báo về km đặt trên dải phân cách, hầu hết bị cây xanh che khuất. Mặc dù gần đây, cơ quan chức năng đã nhiều lần cắt hạ độ cao của cây xanh trên dải phân cách ở các tuyến đường này, tuy nhiên đây là cách làm không lâu dài vì chỉ vài tháng sau, cây xanh đã mọc trở lại và tiếp tục che lấp các cột km. Đáng lo ngại hơn, tình trạng này đã khiến cho các tài xế bị che khuất tầm nhìn mỗi khi có người đi bộ từ bên này qua bên kia đường.
Những tồn tại này đã có từ lâu, và đã được nêu lên tại rất nhiều hội nghị về công tác giao thông vận tải và ATGT. Tuy nhiên đến nay, việc khắc phục diễn ra rất chậm và không đồng bộ. Đây là điều đáng lo ngại cho việc bảo đảm ATGT, nhất là trong những ngày cuối năm này.
Bài và ảnh: Thanh Vân