Theo ông Nghị, việc thực hiện thay thế cây xanh đã làm nóng dư luận trong suốt 10 ngày vừa qua, và gần đây dư luận có dịu xuống.
Ông chia sẻ: “Đây là vấn đề dư luận phản ứng và bức xúc, và để nói một lúc cũng không dễ làm mọi người hiểu ngay. Nhưng nói ngắn gọn thì chúng ta phải tự phê bình, tự kiểm điểm và khẩn trương khắc phục về việc làm quá giản đơn, đã làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của thủ đô”.
Cách làm nóng vội, quá giản đơn
Theo ông Nghị, khi dư luận lên tiếng, Thường trực Thành ủy đã có đánh giá, nhìn nhận bản chất của vụ việc vì sao một chủ trương đúng mà các đơn vị thực hiện lại sai.
“Chúng ta phải làm để cho thấy sự cầu thị, lắng nghe, nghiêm túc, thậm chí là nghiêm khắc với việc làm của các đơn vị. Đúng là việc triển khai thay thế cây xanh vừa qua có phần nóng vội, nếu xử lý mà tiếp tục nóng vội nữa thì hai cái vội cộng lại sẽ thành một lần sai nữa” - ông Nghị nói.
Theo ông Nghị, việc thay thế cây xanh là chủ trương đúng và được làm thường xuyên. Mục đích của chủ trương là thay cây cũ để trồng cây mới, thay cây xấu để trồng cây đẹp, thay cây sâu mọt để đảm bảo an toàn.
"Thường trực thành ủy đã phân tích, đánh giá việc này rất nghiêm túc khẩn trương. Các đơn vị thực hiện đã không đo lường hết được vấn đề liên quan đến cuộc sống, xử lý vấn đề nghiêng về kinh tế, kỹ thuật, tức là lấy cây thay cây mặc dù có mong muốn tốt là trồng cây sau đẹp hơn cây trước” - ông Nghị nhấn mạnh.
Theo ông Nghị, ngay việc thay cây cũng có thiếu sót khi thực hiện vấn đề nhạy cảm nhưng chưa làm đầy đủ các khâu tuyên truyền, chưa lấy ý kiến các ngành, các giới, dù là quy trình lâu nay không phải lấy ý kiến.
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết các đơn vị đã thực hiện sai chủ trương thay thế cây xanh, thực hiện nóng vội và không giải thích cặn kẽ với người dân. |
“Trước chúng ta thay cây ít, bây giờ làm nhiều. Thời điểm thay cây cũng có lý do khách quan là đang mùa xuân, có nhiều nhà tài trợ giúp cho. Nhưng ngay việc thay cây ban đêm cũng không được giải thích kỹ. Việc thay cây đêm để ít ảnh hưởng đến giao thông, cây to thế hạ ban đêm sẽ an toàn hơn, nhưng vì không giải thích để cho nhiều người hiểu là có khuất tất” - ông Nghị chia sẻ.
Không quanh co, né tránh trách nhiệm
Thẳng thắn đánh giá những thiếu sót của việc thay thế cây xanh vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc thay thế cây xanh vừa qua không đúng với chủ trương, quá nghiêng về kinh tế, kỹ thuật, mà không xem xét kỹ về tâm tư, tình cảm của người dân với số phận những cây xanh mà họ gắn bó trong cuộc sống.
“Với vị trí lãnh đạo, qua vụ việc này thì lãnh đạo rút ra bài học gì? Tôi cho rằng chúng ta phải tự kiểm điểm, phê bình về những việc làm giản đơn, nóng vội.
Bài học sâu sắc mà chúng ta phải nhìn ra, đó là việc tổ chức các vấn đề nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của dân, đó là bài học lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Và quan trọng là cần phải nhìn nhận cây chưa trồng là cây của chúng ta, nhưng cây đã trồng rồi thì đó là cây thuộc về xã hội, thuộc về người dân, thuộc về quản lý chung của thủ đô” - ông Nghị nhấn mạnh.
Ông Nghị cũng bộc bạch: “Giá như vừa rồi các đơn vị cứ đưa ra thảo luận về đề án thay cây, nghe ý kiến của các nhà khoa học, nghe ý kiến của nhân dân, nếu chưa đồng thuận thì chưa làm, như vậy sẽ thuyết phục hơn.
Còn bây giờ, việc mọi người đang chờ đợi là việc thanh tra. Việc thanh tra phải chỉ rõ đúng thế nào, sai thế nào, sai ở đâu, và kết luận cho minh bạch. Từ đó, trong thẩm quyền phải xử lý trách nhiệm, xử lý khách quan, đúng mức, không làm oan sai, không quanh co, né tránh”./.