Tương truyền ở Nam Bộ có hai ngôi mộ chôn đứng. Ngôi mộ thứ nhất của một người con bất hiếu bị "trời đánh chết đứng", không thể nằm xuống được nên người thân phải xây xung quanh thân xác.
Ngôi mộ thứ hai được chôn đứng theo lời trăng trối của người chết, "đại Việt gian" Trần Bá Lộc. Trần Bá Lộc khi sống quá tàn ác, giết hàng trăm, hàng ngàn người vô tội, bỏ trẻ con, người già vào cối đá cho lính dùng chày giã và bắt người thân nạn nhân chứng kiến cảnh hãi hùng ấy…
Lộc tàn sát, hành hạ người thân nghĩa quân để buộc họ đầu hàng, bắt hàng ngàn dân phu đào kinh ở vùng bùn lầy nước đọng làm hàng trăm người chết vì đói khát bệnh tật nên sợ khi nằm xuống sẽ bị báo thù. Và Lộc muốn chôn đứng thể hiện sự ngạo mạn khi về cõi âm...
Ngôi mộ chôn đứng của Trần Bá Lộc trong khuôn viên nhà thờ Cái Bè. |
Trong số những "đại Việt gian" theo Pháp giết hại nhân dân, đàn áp các phong trào khởi nghĩa ở Nam Bộ, thì Trần Bá Lộc là tay sai tàn ác nhất. Trần Bá Lộc là con Trần Bá Phước, người Quảng Bình, đỗ tú tài vào Nam dạy học tại Cái Nhum Rau Má (Vĩnh Long), sau đó đổi lên cù lao Giêng (Châu Đốc).
Lớn lên nhằm lúc triều đình cho thi hành một chính sách cấm đạo khắt khe, Lộc trót cưới vợ là một người có đạo Công giáo nên bị bắt bớ, đánh đập giam cầm, nhưng sau đó trốn thoát.
Khi Pháp xâm chiếm, Lộc đem gia đình lên Mỹ Tho, làm nghề bán cá cho Pháp, rồi nhờ một ông cố đạo gọi là cha Marc giới thiệu để xin vào làm lính mã tà.
Tàn ác với người Việt hơn giặc Pháp
Lộc lập nhiều thành tích nhờ do thám, chỉ điểm cho Pháp bắt các thân hào nhân sĩ ủng hộ nghĩa quân, nên được thăng cai, rồi lên đội rất nhanh. Mới 26 tuổi, Lộc được bổ làm tri huyện, tức chủ quận Cái Bè năm 1865, cũng là người Việt Nam đầu tiên được Pháp bổ làm chủ quận Nam Kỳ.
Hai năm sau, Lộc được thăng Đốc Phủ Sứ (ngạch công chức cao nhất dành cho người Việt Nam, với ngạch này có thể làm tới chức Phó chủ tỉnh).
Trên một tấm bia gắn trên mộ Lộc, chính quyền thuộc địa đã ghi nhận “công” của Lộc đã tham gia trong hầu hết những cuộc đàn áp nghĩa quân ở Nam Kỳ.
Lộc chém giết các nghĩa quân dã man hơn cả người Pháp rất nhiều, nên dân chúng oán hận. Để dẹp tan các cuộc khởi nghĩa và dụ hàng, Lộc bắt cha mẹ, vợ con các lãnh tụ phải chỉ chỗ họ ẩn nấp, kêu họ ra đầu thú. Nếu không đạt mục đích, Lộc sẵn sàng hạ sát họ.
Viên quan háo danh tự xưng Tổng đốc
Chính từ sự tàn ác của Lộc, năm 1886, Lộc được Pháp điều ra Bình Định để đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng. Nhà văn Sơn Nam phân tích: "Khi Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa, Trần Bá Lộc ở xứ Nam Kỳ lại hăng máu, xin đem quân ra đánh dẹp.
Việc này xúc phạm đến tự ái của quân đội Pháp, các công sứ Pháp và Nguyễn Thân, tay Việt gian đắc lực ở miền Trung. Tại sao dẹp một cuộc khởi loạn ở miền núi xứ An Nam, lại cần đến chi viện?.
Nhưng vài tên Pháp đầu sỏ đã ủng hộ việc ấy. Thế là Trần Bá Lộc huênh hoang, cho khắc con ấn với chữ Tổng đốc Thuận Khánh để sử dụng, đồng thời lại chiêu mộ hơn ngàn lính mã tà, đưa vào trại Ô Ma ở Sài Gòn để tập dượt”.
Với thủ đoạn từng áp dụng ở đảo Phú Quốc khi vây bắt nghĩa quân Nguyễn Trung Trực năm 1868, đàn áp cuộc khởi nghĩa Thủ Khoa Huân năm 1875 ở Mỹ Tho, Lộc bắt bớ rồi tra tấn thân nhân của nghĩa quân và của chính Mai Xuân Thưởng...
Nhiều quan chức người Pháp không ưa Lộc vì sự tàn ác đến man rợ, nhưng phải nhìn nhận rằng: "Lộc là người dùng phương tiện cẩu thả, nhưng đạt mục đích chắc chắn".
Tham Biện Mỹ Tho phê bình Lộc như sau: "Người ta có thể phàn nàn lão già này về hành động dã man lúc trước, nhưng tôi nghĩ trong hàng ngũ viên chức bản xứ hiện nay, khó tìm được người biết kính bề trên và tận tụy với quyền lợi của nước Pháp như hắn".
Đám tang 100 ngày, mộ chôn đứng
Toàn quyền Paul Doumer vào Nam lần nào cũng xuống nhà thăm Lộc. Để tưởng thưởng “công lao” của Lộc, năm 1899, Doumer cho Lộc làm thành viên của phái đoàn, tháp tùng Doumer viếng thăm Bangkok.
Ân huệ đó làm cho Lộc rất hãnh diện. Ngoài ra Doumer còn cất nhắc Lộc, trước khi chết được vào Hội đồng tối cao Đông Dương, có nhiệm vụ lo về an ninh lãnh thổ.
Cấp hàm, danh vị thì to lớn như vậy, nhưng thực quyền chức vụ của Lộc mãi đến chết vẫn chỉ làm chủ quận Cái Bè. Thiếu đất để dùng tài mà sức còn dư, Lộc không biết làm gì, bèn nghĩ cách khai phá quận Cái Bè, xin phép đào kinh trong Đồng Tháp, bắt dân các làng phải làm xâu trong công việc ấy.
Mới đầu, Lộc cho đào thử hai con kinh rộng 3 thước, dài 8 cây số. Năm 1896 tiếp tục cho dân đào thêm mười con kinh nhỏ nữa và một con kinh rộng 10 thước, dài 47 cây số. Năm sau, con kinh đó hoàn thành, tức kinh Tổng đốc Lộc, và tức thì nhiều gia đình tới đó làm ăn.
Chân dung Trần Bá Lộc. |
Công việc đào kinh ấy rất khó nhọc: Phải phát cỏ, đào tay, dùng xe trâu để tiếp tế nước và lương thực cho hàng trăm phu giữa đồng; nhiều người chết vì sốt rét và dịch tả.
Coi bản đồ những kinh của Lộc đào, người ta nhận thấy một mục đích rõ rệt là mở một đồn điền lớn ở phía Nam kinh Tổng đốc Lộc và dùng kinh đó để tháo nước trong đồng ra Tiền Giang cho đồn điền khỏi bị ngập.
Nhờ công trình này, Lộc được cấp cho 1.000 mẫu đất, trở thành là một trong những người giàu nhất Nam Kỳ. Trước khi chết, Lộc còn hơn hai ngàn mẫu ruộng và làm chủ cả cù lao Qưới Thiện, một phần đất của cù lao rồng.
Lộc chết năm 1899, trong sự lãnh đạm của người Pháp cũng như của triều đình.
Đám ma của Lộc quàn đủ 100 ngày để khách khứa xa gần viếng thăm. Mỗi ngày đều làm heo, bò đãi khách khứa rần rần. Lễ động quan có binh lính bồng súng chào và đưa tới huyệt. Lộc chết không ai tưởng nhớ, nhưng người Pháp cho lấy tên Lộc để đặt tên cho một con kinh từ Bà Bèo tới Rạch Ruộng do chính Lộc chỉ huy dân phu đào.
Vì sao phải chôn đứng?. Vì Lộc quá sức tàn ác, giết hàng trăm, hàng ngàn người vô tội, bỏ trẻ con, người già vào cối đá cho lính dùng chày giã, bắt người thân nạn nhân chứng kiến cảnh hãi hùng ấy…
Vì Lộc tàn sát, hành hạ người thân nghĩa quân để buộc họ đầu hàng, bắt hàng ngàn dân phu đào kinh ở vùng bùn lầy nước đọng làm hàng trăm người chết vì đói khát bệnh tật nên sợ khi nằm xuống sẽ bị báo thù? Và vì Lộc thể hiện sự ngạo mạn khi về cõi âm...
Sĩ phu Cái Bè có câu đối mai mỉa Trần Bá Lộc là: “Tả quân quốc ư lưỡng kỳ, Nam tảo Bắc trừ, thứ nhật niễu hùng nan dụng võ/ Bão lê dân ư Ngũ Hiệp, tư qui sinh ký, kiêm triêu chấp phất hận vô văn”.
Tạm dịch nghĩa: “Giúp việc cho Pháp và triều đình Huế; đánh phá trong Nam ngoài Bắc, ngày ấy niễu hùng này hết đường dùng võ/ Cai trị dân Ngũ Hiệp, sống ở chết về, muốn nhắc đến công nghiệp mà không có cái văn nào tả xiết”.
Cây đắng không thể sinh trái ngọt, đúng 10 năm sau, con trai Trần Bá Lộc cũng là một Việt gian tàn ác khét tiếng đã phá tan gia sản và tự sát thảm khốc.
Theo Xa lộ pháp luật