Khi xem TVC thương hiệu “Bạn thân” của Viettel, người xem không nhìn thấy hình ảnh về hàng hoá hay dịch vụ mà công ty này cung cấp. Họ được chứng kiến một câu chuyện cảm động về tình cha con, khi ông bố cố gắng hiểu và chia sẻ với con gái bằng việc trở thành “bạn thân” của con mình trên mạng xã hội với nick Yuna.
Trong khi cô con gái vẫn âu sầu và nghĩ, bố không hiểu mình do khác biệt thế hệ dẫn tới việc không cùng quan điểm sống, những mối quan tâm thì người cha âm thầm hành động. Cao trào của clip là vào ngày sinh nhật, khi cô gái buồn bực thì “bạn thân” luôn dõi theo và đến chia sẻ nỗi niềm với cô vào đúng lúc cơn mưa lớn ập tới.
Cô gái bật khóc khi gặp mặt Yuna và hiểu rằng bố đã lặng lẽ dõi theo để hiểu và có thể trở thành “bạn thân” của mình.
Vào đầu tháng 3 khi clip này được phát sóng trên truyền hình và được đưa lên Youtube, câu chuyện “Bạn thân” được rất nhiều người chia sẻ trên facebook. Trong số đó, Khởi My – nghệ sĩ có số lượng người theo dõi trên facebook lớn nhất Việt Nam (gần 8 triệu) viết: “Bận rộn cả tuần, hôm nay đầu tuần ngồi giải lao xí xao lướt web. Vô tình xem được clip này của Viettel, tự nhiên tốn hết hộp khăn giấy, huhu”.
Giải thích về lý do “tốn hết hộp khăn giấy”, cô ca sĩ này cho biết: “Xem xong rồi nghĩ lại mình, đôi lần tự cho rằng rào cản thế hệ là 1 điều gì đó rất khó khăn để vượt qua.
Nhưng đó chỉ là do mình nghĩ vậy, còn bố mẹ thì lại phá bỏ rào cản ấy để được hiểu mình hơn. Vì họ yêu mình hơn hết nên họ đã thay đổi để giữ mãi những điều không bao giờ đổi thay”.
Ngoài Khởi My, nhiều nghệ sĩ khác như Trấn Thành, Chipu… cũng có những status cảm động về “Bạn thân” khi họ xem TVC này trên mạng và truyền hình.
Câu chuyện cảm động của “Bạn thân” ban đầu được thiết kế dành riêng cho nội bộ Viettel. |
Bí mật của “Bạn thân”
Trong hàng triệu người xem TVC thương hiệu của Viettel cảm thấy xúc động về câu chuyện giữa cha và con, rất ít người biết về nguồn gốc của “Bạn thân”. Ông Đỗ Minh Phương, Tổng Giám đốc Viettel Telecom tiết lộ: “Chúng tôi làm TVC là để dành cho nội bộ người Viettel”.
Vị lãnh đạo này giải thích thêm, Viettel đang trong quá trình chuyển dịch từ một công ty viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ kết hợp viễn thông và các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ đời sống.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thay đổi từ một hãng viễn thông cung cấp băng rộng cố định sang siêu băng rộng, từ di động thành di động băng rộng, trở thành công ty đa quốc gia vào năm 2020…. Những thay đổi lớn này cần được toàn bộ nhân viên hiểu rõ thông qua một câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc và cảm động”, ông Phương chia sẻ về nguồn gốc của “Bạn thân”.
Sau khi xem clip, rất nhiều người thích câu cuối cùng “Thay đổi cho những điều không bao giờ đổi thay”. Ở đây, người xem đều có thể cảm nhận rõ ràng, điều không bao giờ có thể đổi thay là tình cảm cha con. Còn điều thay đổi chính là phương thức để chia sẻ tình cảm, kết nối giữa cha và con trong thời đại số.
Đoạn cuối cùng trong TVC “Bạn thân” thực ra có nguồn gốc từ một câu nói rất nổi tiếng tại Viettel - “Thứ duy nhất không thay đổi là sự thay đổi”, ông Đỗ Minh Phương cho biết. Tuy nhiên, khi tập đoàn đang trải qua một bước chuyển dịch lớn, câu nói này cần được thể hiện dưới hình thức khác để mọi người có thể cảm nhận rõ hơn về sự thay đổi trong kỷ nguyên số.
Ông Lê Tấn Đạt, Giám đốc NEO Communications (TP HCM) nhận xét: “Khi mọi người nghĩ đến Viettel, họ có thể hình dung về một công ty quân đội mạnh mẽ với những mệnh lệnh và thông điệp cứng nhắc. Nhưng khi xem ‘Bạn thân’, công chúng có thể thấy một góc nhìn mới mẻ, đầy tính nhân văn và mềm mại của Viettel trong thời đại của smartphone”.
Chuyên gia truyền thông từng quản lý thương hiệu cho Pepsi và Dutch Lady Việt Nam bổ sung, công chúng có thể không rõ về tác động thực sự của câu chuyện này với người Viettel ra sao (do câu chuyện ban đầu làm cho nội bộ). Thế nhưng, thông điệp về sự thay đổi tràn đầy tính nhân văn với cộng đồng nói chung, đặc biệt là cư dân mạng thì có thể nhìn thấy được.