Nhiều năm liền, anh Nguyễn Quốc Cường, ngụ tại ấp Long Thành, thị trấn Phước Long (Bạc Liêu) nằm mơ thấy một người đàn bà xõa tóc ngang lưng báo mộng về kho báu dưới lòng đất. Sau khi cũng hợp đồng tác chiến với hàng xóm, anh chọn một đêm khuya thanh vắng để cũng đào kho báu. Thay vì đào được vàng, "báu vật" ẩn sâu dưới lòng đất là một.... bộ hài cốt.
Hàng xóm bất hòa thành thân thiện vì hợp sức… tìm kho báu
Anh Nguyễn Quốc Cường, 33 tuổi, ngụ tại địa chỉ nêu trên là nhân vật chính trong câu chuyện đi tìm kho báu. Theo anh Cường, từ thời điểm đầu năm 2005, hàng đêm anh thường xuyên gặp đi gặp lại một giấc mộng rất kỳ lạ: Một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, mặc bộ đồ bà ba, tóc xõa dài ngang lưng đến bên giường thầm thì với anh: “Dưới gốc cây mít trước nhà con có rất nhiều vàng thỏi, con về đào đi”.
Anh Cường nói: “Tôi vốn là người cứng bóng vía nên cũng không hoảng hốt lắm. Thường khi giấc mơ đó đến, tôi chỉ giật mình tỉnh dậy rồi sau đó vài ngày là quên đi ngay”.
Bẵng đi khoảng 3 năm, đến năm 2008, anh Cường lại thường gặp lại giấc mộng có nội dung tương tự như vậy nhiều đêm. Anh kể lại, đến lúc này anh bắt đầu ngờ ngợ và đi xem “địa thế” mà người phụ nữ trong mộng đã chỉ.
Quả thật, cây mít trước nhà anh có những đặc điểm đúng như người đàn bà báo mộng đã chỉ: Gốc cây có những vết sẹo nào, có bao nhiêu cành cây… Phần đất mà theo người phụ nữ trong mộng miêu tả là có kho báu ở dưới cũng có những đặc điểm về màu đất giống y như trong thực tế.
Theo anh Cường: “Đến lúc ấy, tôi đã bắt đầu thấy tin”. Thế nhưng lúc này, anh lại rơi vào một tình thế oái oăm là muốn đào kho báu cũng không được, vì phần đất được báo mộng là có kho báu lại nằm trong diện tích đất giáp ranh với nhà bà hàng xóm (cũng là nhà dì ruột của anh), và hai nhà đã tranh chấp diện tích đất này từ nhiều năm nay chưa đi đến hồi kết.
Suy đi tính lại, anh nghĩ nếu bỏ không kho báu này thì uổng quá. Ngày qua ngày, anh càng quyết tâm: “Dù gì thì cũng phải đào một lần cho biết dưới đó có gì”.
Nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ đủ cách nhưng anh thấy không cách nào khả thi vì cây mít này nằm cặp ranh, lại trước mặt nhà hai bên. Nếu có đào ban đêm thì cũng bị phát hiện, khi đó rất khó ăn nói với bên kia. Cuối cùng, anh Cường quyết định mang chuyện mình nằm mộng thấy kho báu nói với ông Võ Hữu Phước, là một người có uy tín trong ấp và nhờ ông này sang thương lượng với bà dì để đào kho báu.
Tuy “tiết lộ” về chuyện kho báu nhưng anh Cường lại “ém” thông tin cụ thể, không cho biết chính xác địa điểm cụ thể của kho báu mà anh đã được báo mộng. Theo anh: “Nếu nói địa điểm cụ thể ở đâu, lỡ bên kia người ta đào trộm mất thì mình lại công toi”.
Cuối cùng, ba bên: anh Cường, bà dì hàng xóm và ông Phước thỏa thuận cùng “hợp tác” đào kho báu, nếu có vàng thì sẽ chia làm 3 phần bằng nhau cho 3 bên.
Đêm hãi hùng tìm kho báu, được... đầu lâu
Ba bên thống nhất thời gian đào kho báu sẽ là giữa đêm để tránh bị mọi người để ý. Cũng phải đến trước khi cả đội “xuất kích”, anh Cường mới phổ biến “tọa độ” chính xác.
Vào một đêm tối trời đầu tháng 3/2010, cả nhóm trên 10 người mang theo cuốc, giá, chĩa ba… khấp khởi mừng thầm trong bụng xuất hành đi tìm kho báu, chắc mẩm sau đêm nay mình sẽ giàu “kếch xù”.
Tại nơi được báo mộng, Cường lấy sơn vẽ một hình chữ nhật có cạnh dài 2 x 1,5m ngay gốc cây mít giáp ranh phần đất hai nhà và bảo mọi người đào. Công việc đào bới được tiến hành rất bí mật, đèn chiếu sáng được che lại để chỉ vừa đủ ánh sáng cho người đào đất nhìn thấy. Hì hục đào khoảng hai tiếng đồng hồ, “soi” kỹ từng vốc đất được đưa lên nhưng mọi người vẫn chưa phát hiện được “hơi vàng”.
Khi đào xuống độ sâu khoảng 1,8 m, lúc mọi người đã bắt đầu nản thì chiếc chĩa ba đâm thăm dò xuống chạm một vật cứng kêu “cạch”. Những người đi tìm kho báu khẽ bụm miệng ồ lên mừng rỡ vì đều nghĩ đã đào đến nắp của thùng vàng rồi.
Nhiều người nhanh chóng nhảy xuống hố để “tiếp sức”. Người đào, người bới, mớ đất xà bần dưới đáy hố nhanh chóng được chuyền tay nhau đưa lên. Khi vật cứng được đưa lên mặt đất, mọi người xác định đó là một miếng gỗ khá dày.
Bà Ánh thắp hương tại ngôi miếu |
Ở dưới hố, những người đào bới mò mẫm tìm thấy dưới khu vực có tấm gỗ là những vật cứng khác mà theo họ thì “cứng và có hình dạng giống như những thỏi vàng”. Ở phía trên, một số người được phân công mang những vật nghi vấn là vàng thỏi này đi rửa sạch sẽ.
Trong ánh tranh tối tranh sáng, người ta ngạc nhiên không hiểu đây là loại hợp chất gì vì nếu lấy tay bẻ, những thỏi này đều bị gãy từng khúc. Anh Cường kể lại: “Ma lực của kho báu quá lớn nên mọi người bỏ qua chuyện tranh cãi đây là chất gì, chỉ căng mắt nhìn xuống đáy hố xem có phát hiện gì mới không”.
Đêm truy tìm kho báu chấm dứt khi một người ở dưới chuyền lên phía trên một vật tròn tròn to hơn cái sọ dừa, nặng trịch. Một thanh niên hí hửng lau chùi và lăn đùng ra đất giãy đành đạch sợ hãi: “Á, cái đầu lâu bay ơi”.
Cả đám người thất kinh hồn vía, không ai hô một câu nào mà tự động bỏ chạy tán loạn trong đêm, người ở dưới hố nhảy lên chen đường người ở trên mặt đất tìm lối thoát thân. Có người ngã dúi dụi mà hai tay chắp lạy như tế sao.
Bà Phan Nguyệt Ánh nhớ lại: “Khi phát hiện không phải kho báu mà là xương người, người ta bỏ chạy ráo trọi. Lúc đó chỉ còn mình tôi cố trấn tĩnh trụ lại, gom góp tất cả lại bỏ vào một cái thau, để sáng mai tính tiếp”. Sáng hôm sau, một số người thu hết can đảm, tiếp tục xuống hố gom góp nắm xương tàn của người đã chết. Bà Ánh nói: “Người chết đã linh thiêng báo mộng nên mình phải làm cho tròn trách nhiệm”.
Thông tin có bộ xương người trong khu đất giáp ranh nhà anh Cường và nhà bà Ánh loan nhanh như chớp. Ngay buổi chiều cùng ngày, nghi ngờ đây có thể là một vụ án mạng, chôn xác phi tang nên công an huyện Phước Long đã tiến hành xuống hiện trường lập biên bản, xác minh sự việc, triệu tập những người có liên quan đến lấy lời khai.
Một điều tra viên nhớ lại: “Sau khi tiến hành xác minh và khám nghiệm tại hiện trường, chúng tôi xác định bộ hài cốt này đang trong quá trình phân hủy. Theo ước tính, người này đã chết cách đây khoảng trên 30 năm”.
Bà Ánh đã cho chôn lại bộ hài cốt và lập miếu để thờ. Hiện tại ngôi miếu này nằm ngay ranh đất, gần chỗ đào vàng trước đây. Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người mới “đoán già, đón non” cho rằng, vì cầu Xã Tá đang thi công, móng cầu lại “trúng” ngay phần mộ của người đã khuất nên người này mới về báo mộng, để mọi người mang đi nơi khác an táng?