“Púp lông” trong tiếng Pa Cô nghĩa là “phép thổi”, là phương pháp cổ tuyền chữa trị một số bệnh như gãy xương, đau khớp, bị rắn cắn... của người Pa Cô. Anh Hồ Văn Thăng (SN 1970, còn gọi là Ăm Hiếu) trú tại thôn Pa-giăng-xy (xã A Dơi, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) là một trong số ít người còn nắm giữ phương pháp chữa bệnh kì lạ này.
Ăm Hiếu thực hành phương pháp chữa trị bằng “Púp lông” |
Ăm Hiếu kể rằng từ năm lên 8 tuổi đã được bố truyền dạy cho bí quyết chữa bệnh bằng cách “thổi”, theo học liên tục khoảng 2 năm đã có thể hành nghề độc lập. Như vậy chỉ cần nhẩm tính thì Ăm Hiếu đã có hơn 30 năm hành nghề “thổi” bệnh. Nói là “hành nghề” có vẻ hơi quá bởi Ăm Hiếu chia sẻ anh học “thổi” nhằm đề phòng lúc đi rừng nếu bị trật khớp, nếu bị rắn cắn thì biết cách tự cứu mình.
“Người vùng cao mình ít khi dùng thuốc men như dưới xuôi lắm. Mình chỉ dùng lá rừng, rễ cây để thổi mỗi khi bị đau thôi. Lớn lên trẻ em cứng chân cứng cẳng đã phải vào rừng mưu sinh, ngày đấy ai cũng gắng học thổi bệnh phòng khi bất trắc”, Ăm Hiếu nói.
Theo lời “thầy lang” này, “phép thổi” hết sức đơn giản: Chỉ cần dùng một lá cây có tên Thủ bi xát nhẹ vào vết thương hoặc điểm gãy xương trên cơ thể bệnh nhân, vừa xát vừa bôi rượu đầu vòi, kết hợp với thủ thuật nắn bóp xương khớp trong vòng khoảng 2 phút. Tuỳ theo vết thương nặng nhẹ, độ tuổi của bệnh nhân mà quá trình “thổi” diễn ra nhanh hoặc chậm.
“Mỗi ngày thổi đều đặn hai lần vào sáng sớm và chiều tối. Đối với trẻ em, người nhỏ tuổi chỉ cần “thổi” chưa đến mười ngày sẽ khỏi. Còn với người lớn tuổi quá trình này dài hơn nhưng tối đa chưa đến một tháng sẽ hoàn toàn dứt bệnh”, “thầy thổi” Ăm Hiếu khẳng định.
Cây Thủ bi có lẽ là loại chỉ mọc trên đại ngàn Trường Sơn, từ “Thủ bi” là cách gọi của người Pa Cô. Lá có kích thước cỡ nửa bàn tay người lớn, màu xanh mướt, không có mùi đặc trưng, nhìn thoáng qua thì giống chiếc lá dâu ở miền xuôi.
Tuy nhiên theo giải thích của Ăm Hiếu thì công dụng từ chiếc lá Thủ bi chỉ đóng góp một phần giúp bệnh khỏi. Điều quan trọng hơn trong thuật “Púp lông” chính là những “câu niệm chú” mà “thầy thổi” nhẩm đọc trong lúc xát lá và rượu lên cơ thể người bệnh.
Gặng hỏi mãi, Ăm Hiếu mới tiết lộ đây là những bài niệm chú gia truyền tuyệt đối không thể nói chi tiết cho ai biết. Theo chàng trai này, chữa trị mỗi bệnh, người Pa Cô sẽ có một “bài niệm chú” khác nhau nhưng hầu hết đều rất ngắn, nhẩm đọc chưa tới 10 giây là xong.
Ăm Hiếu không quên “chú thích” tỉ mỉ rằng “phép thổi” chỉ chữa khỏi những chứng bệnh xác định rõ ràng nguyên nhân như bị tai nạn dẫn đến gãy xương, vẹo cột sống; trúng độc do bị rắn cắn hay bị bỏng da do nước sôi.
“Những bệnh khác tự phát sinh trong người thì mình không chữa được đâu”, anh thật thà xác nhận. Điều đáng lưu ý nữa là trong quá trình chữa trị bằng thuật “púp lông”, cả người bệnh lẫn “thầy thổi” phải tuyệt đối kiêng những thức ăn nhiều mỡ, đạm như thịt chó, mèo, thịt rắn... nếu phạm phải sẽ khiến “phép mất thiêng, bệnh không khỏi”.
Phương pháp chữa bệnh lạ có một kết thúc cũng rất “kì dị”. Sau khi kết thúc thời gian “thổi”, người nhà bệnh nhân phải làm lễ tạ ơn “thần linh”. Đây được xem là nghi thức rất quan trọng giúp “con bệnh” không tái phát bệnh, đồng thời thể hiện sự biết ơn với “đấng thần linh”.
Ăm Hiếu chỉ dẫn lễ vật trả ơn hết sức đơn giản gồm chai rượu nhỏ và con gà, nếu gia chủ có điều kiện kinh tế có thể dâng lễ thịnh soạn hơn nhưng “điều đó không quan trọng mà cốt nằm ở lòng thành người hành lễ. Người “thổi” không có quyền đòi hỏi người khỏi bệnh “đáp lễ” như thế nào” như lời anh nói.
Ăm Hiếu và chiếc lá Thủ bi |
Nguy cơ thất truyền bí kíp
Dù vẫn biết người vùng cao có nhiều mẹo vặt trong cuộc sống hàng ngày, nhưng bán tín bán nghi về cách chữa bệnh “không giống ai” này, phóng viên Pháp luật & Thời đại đã tìm đến chính quyền địa phương tìm lời giải đáp.
Bất ngờ là Phó chủ tịch UBND xã A Dơi, ông Hồ Văn Thăng (còn có tên là Ăm Dương) xác nhận: “Chuyện người Pa Cô tự chữa một số bệnh bằng mẹo “thổi” với lá câu Thủ bi là có thật từ nhiều đời nay. Ăm Hiếu là một trong số ít người còn biết cách chữa bệnh bằng mẹo, đã giúp nhiều dân bản chữa bệnh thành công. Dân bản quý mến Ăm Hiếu lắm, việc làm của anh ấy rất đáng được hoan nghênh”.
Hàng chục năm nay, trong xã hễ ai bị tai nạn nhẹ đều “qua tay” “thầy thổi” này. Bà Lê Thị Quyển, người dân tộc Kinh lên làm kinh tế mới tại A Dơi hồ hởi kể về chuyện lạ mà mình là người trong cuộc: “Hai năm trước tôi đang gom cỏ dại đốt lấy tro thì bất ngờ bị rắn lục xanh cắn vào chân. Toàn thân tôi tê dại, sợ hãi chỉ kịp hét lên tiếng kêu cứu.
Dân bản ngay lúc đó cõng tôi đến nhà Ăm Hiếu nhờ chữa trị. Ăm Hiếu bẻ ngọn lá rồi vuốt nhẹ liên tục vào chân phải bị rắn cắn. Một lúc sau máu độc từ vết thương thấm rỉ ra ngoài và tôi đi lại bình thường ngay. Với người khác không được chữa kịp thời, nếu gặp rắn lục cắn thì thường chết sau vài tiếng đồng hồ”. Hay trường hợp anh Hồ Rê cuối năm 2011 lớ ngớ leo lên xe máy rồ ga đi, bị tai nạn gãy xương chân tay mà Ăm Hiếu chỉ cần “thổi” trong vòng hai tuần lễ đã trả lại cho “con bệnh” thân thể bình thường, lành lặn như cũ.
“Nổi như cồn” trong vùng, nhưng Ăm Hiếu lại bộc bạch bản thân anh không thích “nổi tiếng” như vậy, hoàn toàn không kiếm tiền nhờ bí kíp này. “Ngày trước nhà mình nghèo lắm, nếu chẳng may bị ốm cũng không có tiền mua thuốc nên phải học cách tự chữa bệnh; chứ không phải học để làm nghề”, Ăm Hiếu trải lòng. Không giữ “phép thổi” làm “cần câu cơm”, Ăm Hiếu sẵn sàng đem tài lẻ của mình ra giúp đỡ xóm giềng không chút vụ lợi: “Mình sống với nhau phải biết giúp đỡ nhau chứ”.
Hơn 30 năm nay ngày nào cũng có người bệnh tìm đến nhà nhờ Ăm Hiếu giúp đỡ. Điều đáng nể là dù đã chữa trị khỏi bệnh cho hàng trăm trường hợp nhưng Ăm Hiếu chưa bao giờ nhận của ai đồng bạc nào, người bệnh nào nhiệt tình quá anh chỉ cầm gói thuốc, lạng trà uống chơi. Anh chia sẻ thêm: “Cái bụng tốt là điều kiện trước tiên để học “bí kíp”, cũng giống như ngày xưa bố đồng ý truyền nghề cho mình vậy. Ngoài ra người muốn học thuật “Púp lông” cần phải nhanh nhẹn, cần cù tập luyện mới nhanh chóng áp dụng vào thực tế được”.
Thủ thuật “Púp lông” chữa bệnh của người Pa Cô đến nay khoa học vẫn chưa vén màn bí mật. Công dụng thực sự của phương pháp này nằm ở chiếc lá Thủ bi, chén rượu hay những lời niệm chú? Những câu hỏi này rất cần những nhà nghiên cứu vào cuộc nghiên cứu, tìm hiểu; phát huy tác dụng những bài thuốc cổ truyền “made in Việt Nam” ở nơi thâm sơn cùng cốc. Se thật lãng phí nếu một mai những bí kíp kì lạ bị thất truyền mà người ta vẫn chưa thể lí giải cụ thể “Púp lông” là gì.
Văn Mai