Cho đất hay cho ở nhờ trên đất?
Hai gia đình tranh chấp quyền sử dụng đất. Cả ba phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đều buộc bị đơn Huỳnh Trọng Ngọc (SN 1958) phải dỡ nhà đi chỗ khác, trả lại đất cho nguyên đơn Lê Phiên (SN 1921, đều ngụ thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ông Ngọc kể, vào năm 1980, vợ chồng ông đang chuẩn bị làm nhà tại chợ Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) thì gặp ông Phiên đi qua. Ông Phiên bảo gia đình có miếng đất bỏ hoang, muốn cho ông Ngọc dựng nhà để ở.
Thời đó, đất đai cằn cỗi, toàn bỏ hoang, chứ chẳng đắt đỏ như bây giờ. Nghe có người cho đất, vợ chồng ông Ngọc Liền đồng ý. Việc cho đất chỉ nói bằng miệng, không có giấy tờ gì.
Quá trình ở từ đó đến nay, ông Ngọc đã hai lần dựng nhà kiên cố sau khi căn nhà tạm bợ đầu tiên bị bão giật đổ. Là người cùng làng, mỗi lần ông Ngọc dựng nhà mới, gia đình ông Phiên đều biết nhưng chẳng có ý kiến gì. Sau này, con cháu lớn khôn, lập gia đình nhưng không có chỗ ở, ông Ngọc chuyển nhượng cho con cháu làm nhà trong khuôn viên thửa đất.
Hơn 30 năm ở trên thửa đất hơn 600m2 này, ông Ngọc là người đứng tên kê khai đất khi nhà nước tiến hành đo đạc vào năm 1996, và làm nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho nhà nước từ trước đến nay. Vào năm 2004, nhà nước mở đường đi qua miếng đất ông Ngọc đang ở, “ngốn” gần 500m2, ông cũng là người kê khai và nhận tiền đền bù, được 17 triệu đồng.
“Chúng tôi nhận tiền đền bù, đâu phải gia đình ông Phiên không biết, nhưng chẳng ai “đả động” chi. Bỗng dưng gần chục năm sau, ông Phiên thưa kiện đòi số tiền 17 triệu nhà nước đền bù, đòi luôn thửa đất đã cho năm xưa”, ông Ngọc ấm ức.
Vợ ông Ngọc kể, sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống ở quê vô cùng khó khăn, nghèo khổ, dân trong vùng toàn bỏ đi tứ xứ mưu sinh, nên đất đai bỏ hoang nhiều. “Chiến tranh xong, cực lắm. Đất đai bạc màu, khô cằn chẳng làm chi được.
Trồng sắn thì sắn đắng ngắt, trồng khoai thì khoai chẳng cho củ, đến mấy dây bầu dây bí cũng khô quắt queo, nên đất đai chẳng có giá trị gì, chỉ bỏ hoang chứ chẳng biết làm chi. Năm đó ông Phiên cho vợ chồng tui đám đất đó để làm nhà, cũng là đất trồng trọt bỏ hoang lâu lắm rồi”, vợ ông Ngọc chia sẻ.
Bà kể, nhà đông con, suốt ngày cắm mặt trên đồng ruộng nhưng chẳng đủ cái ăn, vợ chồng bà phải vào tận rừng sâu chặt củi, đốt than để kiếm thêm cái ăn, cái mặc.
“Ngày đó, để đóng thuế cho nhà nước, vợ chồng tui phải đong từng ký thóc ít ỏi trong nhà, nếu không có thóc thì chặt củi, đốt than đổi tiền đóng thuế. Bao nhiêu năm họ chẳng ngó ngàng chi, giờ bỗng dưng “trở cờ” đòi đất, gia đình tui biết phải làm răng?”, người phụ nữ than thở.
Bà còn hối tiếc bảo, ngày đó, gia đình nào chưa có đất làm nhà, đều được nhà nước cấp đất. Bà được ông Phiên cho đất làm nhà, nên nhà nước không cấp đất. Giờ đất bị đòi lại, gia đình bà thành ra trắng tay.
Trong khi đó, theo đơn khởi kiện của ông Phiên, vào năm 1936, mẹ ông tạo lập một thửa đất có diện tích trên 600m2, tọa lạc tại thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau ngày mẹ ông qua đời, thửa đất này do ông sử dụng. Năm 1968, do chiến tranh loạn lạc, gia đình ông dọn nhà đi ở chỗ khác, thửa đất này từ đó bỏ hoang.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông sử dụng đất này trồng hoa màu. Năm 1982, ông Ngọc đến gặp ông mượn thửa đất này để làm nhà ở, cam kết khi nào chủ đất có nhu cầu lấy lại đất thì trả. Ông Phiên cũng khẳng định việc cho mượn chỉ thực hiện bằng miệng, không có giấy tờ gì.
Theo nguyên đơn, từ năm 1987 đến nay, ông đã nhiều lần đòi đất, vì ông Ngọc không chịu trả nên tháng 12/2010 ông quyết định làm đơn khởi kiện ra tòa. Ngoài ra, quá trình ông Ngọc sử dụng đất, năm 2004 UBND huyện Phú Lộc đã thu hồi gần 500m2 đất để mở đường, đền bù hơn 17 triệu đồng. Việc ông Ngọc kê khai và nhận tiền đền bù, ông Phiên hoàn toàn không biết.
Không đi vay, vẫn trả lãi
Sau hai lần bị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, đến phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba do TAND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) xét xử, ông Ngọc “chết đứng” vì kết quả bản án cũng tương đương như hai lần trước, chưa kể còn có phần “khắc nghiệt” hơn.
Tòa tuyên ông Ngọc và ba gia đình con, cháu của ông phải dỡ bỏ nhà để trả lại cho những người thừa kế của nguyên đơn (vì ông Phiên đã chết trước đó).
Tòa cũng tuyên ông Ngọc phải trả lại số tiền được nhà nước đền bù về việc thu hồi đất năm 2004 là 17 triệu đồng cùng với khoản lãi suất của số tiền này từ đó đến thời điểm mở phiên tòa sơ thẩm (tháng 4/2015) là 21 triệu đồng.
Ông Ngọc bày tỏ, mình chỉ là nông dân, nhưng khi nông nhàn thì “xách” xe chạy xe ôm, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Học hành không nhiều, chữ nghĩa cũng ít, nhưng bởi bao nhiêu năm theo đuổi vụ kiện, ông đã bỏ không ít thời gian tìm hiểu về luật đất đai, nên cũng có biết ít nhiều.
“Tui đọc thấy Khoản 1 Điều 4 Nghị định 181 năm 2004 của Chính phủ ghi rõ ràng: “Việc giải quyết các khiếu nại, tranh chấp về đất đai phải căn cứ vào pháp luật về đất đai tại thời điểm xảy ra các quan hệ đất đai dẫn tới khiếu nại, tranh chấp, bao gồm các văn bản có liên quan”.
Năm 1982, nhà nước chưa ban hành luật đất đai năm 1987, 1993 và luật đất đai năm 2003, thì những tranh chấp đất đai vào thời điểm này, tòa phải căn cứ vào Hiến pháp năm 1980 và các văn bản liên quan để giải quyết mới phù hợp và đúng pháp luật.
Việc tòa án áp dụng luật đất đai năm 2003 để giải quyết tranh chấp về đất đai xảy ra từ những năm 80, đã gây thiệt hại rất lớn cho gia đình tui”, ông Ngọc bức xúc.
Theo Hiến pháp năm 1980, cụ thể điều 19, 20 quy định: “Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật”.
Quyết định 201CP/ 1980 về quản lý ruộng đất cũng nêu rõ: “Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch”…
“Người sử dụng đất phải khai báo chính xác, đăng ký các loại ruộng đất mình đang sử dụng vào sổ địa chính, phải nộp thuế, giao nộp hoặc bán sản phẩm cho nhà nước theo chế độ nhà nước quy định”.
“Nếu đất không sử dụng hoặc không sử dụng hết thì người sử dụng đất phải trả lại phần đất không sử dụng cho nhà nước. Đối với đất trước kia thuộc sở hữu của cá thể hợp pháp, khi người chủ đất không sử dụng nữa (hoặc không có người thừa kế sử dụng) thì UBND huyện quyết định việc sử dụng theo đề nghị của UBND xã”.
Theo bị đơn, đối chiếu các quy định với thực tế thửa đất, ông Phiên đã bỏ hoang từ năm 1968, trong khi ông Ngọc sử dụng liên tục hơn 30 năm, làm nghĩa vụ kê khai, đóng thuế với nhà nước.
Nếu nhà nước chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngọc, thì thửa đất này vẫn thuộc tài sản của nhà nước, chứ không phải của ông Phiên, do đó ông Phiên không có quyền kiện đòi đất, và tòa án lẽ ra bác đơn kiện mới đúng.
Bị đơn trong vụ kiện trên tức tối về một phán quyết khác của tòa: “Chúng tôi nhận tiền từ hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND huyện Phú Lộc, tôi không nhận tiền từ ông Phiên, không vay mượn gì của ông này cả, mà tòa án bắt tôi phải trả cả tiền gốc lẫn lãi thì quá oan ức”.
Theo ông Ngọc, đây là quan hệ hành chính giữa gia đình ông và UBND huyện. Ông Phiên ấm ức vì không được bồi thường, lẽ ra phải gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện mới đúng. Nếu tòa án thụ lý vấn đề liên quan đến việc chi trả bồi thường của ủy ban huyện, lẽ ra có đại diện của UBND huyện tham gia tố tụng mới đúng quy định pháp luật.
“Quá trình thụ lý và xét xử, tòa án huyện Phú Lộc đã lẫn lộn giữa thủ tục hành chính với thủ tục tố tụng dân sự, rồi buộc tôi trả lại tiền bồi thường cho nguyên đơn là không đúng”, ông Ngọc cho hay.
Cũng theo ông, do nhận bản án muộn, lại gặp lúc nghĩ lễ kéo dài, nên đơn kháng cáo của ông không được chấp nhận vì bị trễ so với quy định của pháp luật. Hiện ông đang gửi đơn lên tòa án tối cao, đề nghị được giám đốc thẩm bản án.
“Thời gian qua, gia đình chúng tôi như ngồi trên đống lửa, vì cơ quan thi hành án đã ban hành quyết định thi hành án, luôn đe dọa cưỡng chế, phá dỡ nhà của chúng tôi để trả lại đất cho nguyên đơn. Mong rằng Tòa án tối cao sẽ xem xét lại bản án, để không gây thiệt hại cho gia đình chúng tôi”, bị đơn trong vụ án ảo não.