Trong đời sống xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ phạm tội, trong đó có những người đang giữ thiên chức làm mẹ. Những đứa trẻ có mẹ phạm tội phải gánh chịu một bi kịch cuộc đời, hậu quả của tội lỗi do mẹ của chúng gây ra.
Những mảnh đời bất hạnh
Ngày 3-11, Công an quận Lê Chân triệt xóa tụ điểm mại dâm tại số 472, Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân. Sau khi triệt xóa tụ điểm này, Công an quận phải đưa một đứa trẻ về cơ quan công an. Cháy bé là V.Q.T, 8 tuổi, con của Trần Thị Hương, sinh năm 1983, ở Nam Định. Lý do Công an quận đưa cháu T. về cơ quan là khi tiến hành bắt giữ Hương về tội bán dâm, Hương đang nuôi cháu T. ngay tại địa điểm bán dâm. Ngoài Hương ra, cháu T. không có người thân nào để có thể nương tựa.
Cuộc đời của Trần Thị Hương cũng lắm gian truân. Bố mẹ mất khi mới 1 tuổi, năm 8 tuổi, Hương bỏ quê Nam Định đi phiêu bạt khắp nơi. Tới Hải Phòng “hành nghề”, Hương có con với một thanh niên, nhưng chẳng bao lâu sau bố đứa trẻ qua đời, Hương bế con đi “hành nghề” ở nhiều “động mại dâm”. Tới đâu, Hương cũng để cháu T. sống ngay tại nơi thị bán dâm.
Trung tá Cao Hùng, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an quận Lê Chân) cho biết: sau khi triệt xóa ổ mại dâm ở số 472, đường Nguyễn Văn Linh, Công an quận Lê Chân phải rất vất vả khi xác minh lý lịch của Trần Thị Hương và cháu V.Q.T, bởi cả Hương và cháu T. đều không có nơi đăng ký thường trú, không nơi đăng ký tạm trú… Vì cháu T. không có người thân, người giám hộ nào khác ngoài Hương, Công an quận phải chạy đôn, chạy đáo làm thủ tục xin cho cháu vào Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng”.
Có lần cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố) đi khám xét nhà của đối tượng nữ buôn bán ma túy tại phường Hồ
Thượng tá Phạm Ngọc Tươi, Giám thị Trại tạm giam Hải Phòng cho biết: Hiện tại, trại tạm giam Hải Phòng đang phải cử cán bộ, chiến sĩ vào bệnh viện để trông coi một can phạm vừa đẻ con. Bị khởi tố vì dính líu tới vụ án mạng tại một quán “thư giãn” trên đường Nguyễn Văn Linh, N.T.H bị bắt vào Trại tạm giam Hải Phòng từ mấy tháng trước. Khi bị bắt, H. đang có thai. Một cán bộ Trại tạm giam Hải Phòng chia sẻ: “Theo nguyên tắc, can phạm khi bị bệnh, đi sinh nở…ra ngoài áp dụng các biện pháp phòng ngừa tình trạng bỏ trốn. Là người canh giữ can phạm, bản thân tôi cũng thấy nhói lòng khi đứa bé sinh ra trong hoàn cảnh người mẹ phạm tội như vậy”.
Vết thương lòng
Hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội có tác động không nhỏ đến sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Có không ít đứa trẻ sinh ra trong các gia đình không toàn vẹn (bố, mẹ phạm tội) đã sớm sa ngã, phạm tội khi còn rất nhỏ.
Giữa năm 2010, Công an quận Lê Chân triệt xóa tụ điểm ma túy ở tổ 22, phường Dư Hàng Kênh. Trong quá trình bắt các “đại lý” ma túy ở đây, một đối tượng bị bắt là N.V.T, 11 tuổi, chuyên bán lẻ ma túy cho các con nghiện ở khu vực này. T. sinh ra trong một gia đình đặc biệt, cả bố, mẹ và chị của T. đều phạm tội buôn bán ma túy, hiện đang cải tạo tại các trại giam. Lớn lên, T. được bố mẹ dạy cho biết thế nào là “tép”, là sâu, “chỉ” ma túy. Sau khi bố mẹ đi tù, 8 tuổi, T đã biết “kiếm sống” bằng cách bán lẻ ma túy. Khi được hỏi vì sao bé thế mà em đã bán ma túy? Em có nhận thấy việc làm của mình là tội lỗi không khi hàng ngày góp phần gieo rắc “cái chết trắng” cho nhiều người? Ngước ánh mắt lạnh lùng nhìn tôi, T trả lời: “Anh rơi vào hoàn cảnh của em, anh có làm vậy không? Cả nhà đi tù, không có cái ăn thì phải đi bán “hàng trắng” thôi. Em chẳng thấy việc em làm là tội lỗi, đơn giản là em cần tiền để sống. “Ông bà bô” vào ăn cơm tù cả rồi, ở ngoài, em phải kiếm cơm để sống chứ”.
“Hãy giành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”, đó là thông điệp mà nhiều cấp, ngành hướng tới nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng những mầm non của đất nước. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn có những tâm hồn non nớt sớm chịu đựng những bi kịch cuộc đời do mẹ chúng gây ra. Không ai khác, chính người mẹ tội lỗi phải chịu trách nhiệm đối với vết thương lòng của con trẻ. Khi đã ở trong tù, những câu “giá mà mình không như thế thì con mình đỡ khổ”…. đều là quá muộn.
Số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy 71% số trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% số trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ.
|
Việt Hòa