Một ngày người cha chia của, lấy phần lớn tài sản, dắt vợ hai và các con "dòng sau" bỏ đi lập mái ấm mới, để mặc vợ lớn và "dòng con đầu" bơ vơ. 28 năm sau, ông quay lại kiện con trai "dòng lớn" tranh chấp căn nhà cũ, gây tiếp một nỗi đau khác cho con trai mình.
5 năm chung chồng, chung nhà
Chuyện chẳng đặng đừng phải đưa việc nhà ra công khai, anh Nguyễn Văn Trung (ngụ liên gia 1, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk ) rất buồn lòng. Nhưng vì quá uất ức nên anh phải lên tiếng.
Cha của anh là ông Nguyễn Vy (SN 1930) có đời sống tình cảm khá đào hoa. Năm 1949, ông bắt đầu chung sống cùng mẹ anh. Cả đàn con 6 đứa lần lượt ra đời.
Bất ngờ ở tuổi 44, cha anh lại lấy thêm người vợ thứ hai. Cha mẹ anh mua một miếng đất 614 m2, trên đó có căn nhà tôn vách ván, nền xi măng. Sau khi mua nhà, cha anh đưa cả hai vợ và hai dòng con, cùng một người con nuôi về chung sống.
Trong thời gian sống cảnh chung chồng, chung nhà kỳ dị như vậy, người vợ sau tiếp tục sinh thêm mấy người con nữa.
5 năm sau, ông lão làm nhà trên đất rẫy 2ha của gia đình ở thôn khác rồi dẫn vợ sau và 6 người con dòng sau chuyển sang đó sinh sống, bỏ cả dòng con đầu và người vợ lớn.
Lúc đó anh Trung mới 13 tuổi. Theo anh Trung, lúc ra đi, cha anh mang theo khối tài sản lớn trong nhà gồm 50 con bò và một máy cày, còn nhà đất cũ thì ông thỏa thuận giao lại cho vợ đầu và các con của người vợ này.
Lúc anh Trung lấy vợ, cha anh đồng ý cho anh lô đất tại căn nhà cũ nhưng chỉ "nói miệng suông" chứ không viết giấy cho đất. Sau khi mẹ chết (năm 1985), vợ chồng anh Trung tiếp tục sinh sống tại đó và thực hiện đủ các nghĩa vụ với nhà nước. Năm 2006, vợ chồng anh được cấp giấy đỏ.
Cho con nhà đất rồi đòi lại
Một ngày bất ngờ, cha đâm đơn kiện anh ra tòa. Cảm giác ban đầu khi được tòa mời lên với vai trò bị đơn, anh Trung thật sự sốc.
Vụ kiện tưởng chừng chỉ liên quan đến nguyên đơn và bị đơn, nhưng rồi lại lôi nhiều người trong gia đình vào.
Phần di sản thừa kế của mẹ anh Trung là phân nửa nhà và đất cũng được tòa lật lại, dù đã hết thời hiệu kiện chia thừa kế di sản của bà đã lâu. Các nhân chứng ở gần nhà khai, họ biết anh Trung là người ở trên đất đó từ năm 1984 đến nay, còn việc cho đất giữa cha con như thế nào không rõ. Hai người chị ruột của bị đơn khai cha có hứa cho đất bằng miệng cho anh Trung, nhưng tòa lại không coi đây là chứng cứ.
TAND TP Buôn Ma Thuột tuyên buộc vợ chồng anh Trung phải trả lại 307 m2 đất cho cha. Rất may, những người anh chị em cùng mẹ của anh và người con nuôi đều không có tranh chấp về phần di sản của người mẹ để lại và đều nhường cho anh Trung.
Thấy án sơ thẩm xử thiệt thòi cho mình quá, anh Trung kháng cáo. Một sự cố khác lại xảy ra: Trong phiên tòa phúc thẩm, do không am hiểu luật, nghe lời khuyên của luật sư nên anh đã rút đơn kháng cáo, nên tòa đình chỉ xét xử, án sơ thẩm bắt đầu có hiệu lực pháp luật.
UBND TP. Buôn Ma Thuột ra quyết định hủy giá trị pháp lý giấy đỏ đã cấp cho vợ chồng anh Trung. Chi cục thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế đối với vợ chồng anh buộc giao đất cho ông Vy.
Trước ngày cưỡng chế, anh nộp đơn cho bên thi hành án trình bày bản án sơ thẩm đã bỏ sót không nói đến một số công trình và 60 cây mai cảnh do vợ chồng anh đầu tư trên phần đất phải giao cho cha nên không đồng ý giao tài sản. Kiểm tra nội dung trình bày đúng sự thật nên cơ quan thi hành án đã hoãn cưỡng chế thi hành án.
Ngày 7/6/2013, VKSND tỉnh ra thông báo đã nhận được đơn khiếu nại của vợ chồng anh và đang xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Đây là dấu hiệu đáng mừng, nhưng chưa biết kết quả sẽ đi đâu, về đâu.
Anh Trung giãi bày: “Nếu như từ năm 1995, cha tôi đòi lại lô đất trên thì tôi sẽ được hợp tác xã cấp lô đất khác để canh tác, sinh sống rồi... Tôi là con nên không dám cãi lại về đạo đức, nhưng thấy việc cha tôi đối xử với vợ và các con không được công bằng, tôi thiệt thòi về mọi mặt mà nay cha tôi còn đòi lại vài trăm mét đất”.
Theo Xa lộ pháp luật