Số đông người Việt nghĩ rằng, lập gia đình, sinh con cũng là để tuổi già có nơi chốn cậy nhờ, “trẻ cậy cha, già cậy con”. Để rồi cũng chính họ khi những năm tháng cuối cùng của cuộc đời ập đến, lại đau đớn nhận ra rằng mình đã “đầu tư” nhầm…
Cơ hội để… bất hiếu
Trong khi nhiều cha mẹ ở các quốc gia khác nghĩ và đồng thuận với một lối tư duy gần như khuôn mẫu rằng, chỉ nuôi con cái đến hết 18 tuổi, sau đó để cho con tự lập, tự lo cuộc sống riêng, sướng khổ tự chịu, thì rất nhiều ông bố bà mẹ ở Việt Nam lại sẵn sàng gánh vác, nhường nhịn cho con hết cả, thậm chí là cho đến ngày nào mình còn hơi thở thì còn phục vụ con, vì con. Yêu thương một cách không điều kiện, thế nhưng cũng chính họ lại khốn khổ bởi tình yêu đó.
Cách đây không lâu, những người đi chợ Ngọc Khánh, Hà Nội, thường thấy có một cụ bà đi bán tăm dạo. Bà đã ngoài 80, hình thể ốm yếu, mỗi bước đi lại mỗi bước chống gậy. Nhiều người thương xót, dừng lại mua tăm rồi hỏi: “Con bà đâu mà bà lại phải xông pha ra chợ ở tuổi này?”.
Lạ ở chỗ là ngay lập tức nét mặt bà tươi lên ngay, bà kể: “Trời chỉ có tôi một đứa con trai thôi. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau nên người. Giờ cháu đã đi làm và lấy vợ rồi, nhưng vẫn có hiếu, thương mẹ lắm. Có bao nhiêu của nả, nhà cửa gì tôi cho con hết. Tôi bán thế này để lấy tiền tiêu vặt lúc tuổi già, cũng là đỡ mang tiếng nhờ con”. “Bà cho hết thế, thế lỡ nó bất hiếu hất bà ra đường thì sao?”, có người lại cắc cớ hỏi tiếp. “Làm gì có chuyện đó, con tôi mà, tôi tin nó không bất hiếu đâu”.
Đúng như lời bà lão nói, anh con trai bà không bất hiếu. Anh đã chết bất ngờ vì tai nạn giao thông. Nhưng cô con dâu thì khi chồng chết chưa xanh cỏ đã trở mặt đối xử tệ bạc với mẹ chồng. Đau lòng quá, bà bỏ nhà đi lang thang, ngày bán tăm dạo, tối vạ vật nhà trọ.
Bất hiếu là trọng tội
Xưa kia, theo Bộ luật Hồng Đức, tội ác nghịch (mưu giết hay đánh ông bà cha mẹ) và tội bất hiếu (cáo giác hay chửi rủa ông bà cha mẹ) đều được liệt vào nhóm tội thập ác có nghĩa là những trọng tội nguy hiểm nhất và đi kèm với đó là những hình phạt nghiêm khắc và tàn bạo nhất mà không được chế độ đặc xá, đại xá. Nhưng, trong pháp luật hiện hành, tội bất hiếu cũng có thể là một tội hình sự, tuy nhiên phải với một số điều kiện nhất định.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nêu rõ rằng con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, ốm đau. Nghiêm cấm ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông bà, cha mẹ... Như vậy về nguyên tắc, hiện tượng đánh đập, mắng chửi, đày đọa, ngược đãi ông bà, cha mẹ là hành vi trái pháp luật. Nhưng nếu người vi phạm nghĩa vụ nói trên, mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, trước hết có thể bị xử phạt hành chính để giúp cá nhân vi phạm nhận thức được sai phạm của mình, tự nguyện sửa chữa.
Còn ở những trường hợp nghiêm trọng hơn như hành vi đâm, chém, đấm, đá, đánh đập ông bà, cha mẹ có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tình tiết tăng nặng do người bị đánh đập là ông, bà, cha, mẹ.
Hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ. Nhưng cũng cần lưu ý rằng những hành vi này hoặc chỉ bị khởi tố nếu có yêu cầu của người bị hại hoặc phải gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã từng bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính rồi mà còn vi phạm...
Nếu so sánh với cổ luật thì rõ ràng pháp luật hiện hành quá ư nhẹ nhàng, thế những cũng cần phải hiểu thâm ý của người làm luật rằng bảo tồn chữ Hiếu bằng chính sự từ tâm của cha mẹ, đạo đức của con cháu, tình đoàn kết, thương yêu trong nội bộ gia đình mới là quan trọng nhất, thay vì những phiên tòa ngập nước mắt người ruột thịt. Và, từ xưa tới nay, ở Việt Nam, hành vi bất hiếu đã mặc nhiên bị xã hội lên án kịch liệt trong bề dày của phong tục, tập quán. Người phạm vào hành vi đó tuyệt đối không bao giờ được “bia miệng” của xã hội dung thứ. Đó mới là điều đáng sợ.
Cá chuối đừng đắm đuối vì con
Hẳn nhiều người sẽ phản bác quan điểm này vì đã làm cha mẹ lại phải đề phòng, giữ miếng với con, thì còn ra nỗi gì. Nhưng đó là sự thực. Nếu như những ông bố bà mẹ ở những vùng đất đai được quy hoạch, đang lủi thủi căn lều nơi góc vườn, hay vạ vật nơi góc đường xó chợ kia, mà tỉnh táo ngay từ đầu giữ lại phần nhà cửa đất đai cho bản thân mình, không chia hết cho con, đẩy chính mình vào tình thế phụ thuộc vào con cái thì mọi chuyện đã không ra nông nỗi này.
Có người đã chua cay nhận xét rằng: “Con cái là cái nợ đồng lần, mình nuôi được đứa con có hiếu là mình được trả nợ, còn "vớ" phải đứa bất hiếu thì coi như mình trả nợ cho nó. Đừng hy vọng quá nhiều rằng con cái sẽ là chỗ dựa lúc mình về già. Nó lớn lên rồi cũng có gia đình riêng, rồi cũng lại vất vả với cơm áo gạo tiền”. Nghe có vẻ chua xót nhưng cũng đáng để nghĩ đấy.
Sư thầy Thích Đàm Lan trụ trì chùa Bồ Đề - Gia Lâm:
Hiếu nghĩa là do ý thức quyết định
Tôi đã đi ra nước ngoài và thấy ở đó do điều kiện sống mà chữ Hiếu cũng phần nào phai nhạt. Còn ở Việt Nam mình, tuy chưa đến mức vậy nhưng cũng có nhiều lúc, nhiều nơi chữ Hiếu khó có cơ hội thể hiện. Ví dụ đơn giản như con cái đi làm về mệt, nhìn mâm cơm đạm bạc do bố mẹ ở nhà chuẩn bị thấy nặng nề, khó chịu thế là buông lời trách móc mà không biết đó cũng là việc làm phạm vào hiếu hạnh… Thế nên tôi nghĩ để dung hòa chữ Hiếu với đời sống hiện tại, để khơi thông bế tắc thì tự thân mỗi người phải biết điều chỉnh mình bằng nhiều cách. Như khi đi làm về đến nhà là bỏ hết bực phiền ở ngoài cửa để định tâm đối đãi với mẹ cha, hay hãy thường xuyên nhắc nhở mình rằng phút giây được sống với mẹ cha sẽ không kéo dài để biết trân trọng, yêu thương vì đối với các bậc làm cha, làm mẹ, tiền không phải là tất cả, tinh thần mới là điều quan trọng. Tóm lại hiếu nghĩa vẫn là nét đẹp của đạo lý làm người, nó không phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện sống mà do ý thức quyết định. Một lưu ý nhỏ nữa là hiện nay tôi theo dõi thấy có rất nhiều vụ án mà thủ phạm là đứa con bất hiếu. Nhưng nguồn cơn đưa đẩy đến sự bất hiếu này lại xuất phát từ chính những người làm cha làm mẹ. Họ hành xử vì quyền lợi cá nhân hay vì những suy nghĩ ích kỷ nhất thời mà không hiểu rằng, chữ Hiếu về bản chất phải xuất phát từ tình cảm của con người, mà trước hết, phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quan tâm, trách nhiệm và cách giáo dục của bố mẹ đối với con cái. Nói như ca dao xưa “nếu mình hiếu với mẹ cha/ chắc con cũng hiếu với ta khác gì/ nếu mình ăn ở vô nghì/đừng mong con hiếu làm gì hoài công”. |
Xuân Hoa