Nếu những trào lưu mới trong thời trang, giải trí, phong cách sống của giới trẻ được cập nhật hàng ngày hay những gì “độc đáo, tuyệt chiêu” nổi lên như những hiện tượng, thì những lĩnh vực tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” như hiện tượng nói ngọng lại bị lu mờ.
"Ngọng líu ngọng lô” thanh liên phố cổ
Thực tế thì, dù không phải là giọng phát âm chuẩn xác nhất do còn không phân biệt được giữa tr-ch, s-x, d-r, nhưng giọng Hà Nội vẫn thường được coi là “giọng chuẩn quốc gia”.
Nhiều người nghĩ rằng dân ở thủ đô Hà Nội không nói ngọng, nhưng thời gian gần đây, không ít người nhận ra rằng tỷ lệ thanh niên Hà Nội nói ngọng khá cao. Nguyên nhân chính không phải do tỷ lệ người nhập cư vào Hà Nội hiện nay quá lớn, vì ngay cả những người Hà Nội gốc, Hà Nội lâu năm, đặc biệt là nhiều thanh niên sinh ra và lớn lên giữa phố cổ cũng “ngọng líu ngọng lô”.
Hiện tượng ngọng n thành l có lẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số người Hà Nội nói ngọng. Luân (28 tuổi) trai phố cổ chính hiệu nhưng không hiểu sao từ bé đã nói ngọng lẫn lộn l-n. Ngay từ thời đi học phổ thông Luân đã khiến các bạn cùng lớp cười phá lên với những câu tiếng Anh như “lâu am lót” (no I’m not), càng lớn thì mức độ ngọng càng tăng và không thể sửa được.
Giọng Hà Nội trong suy nghĩ của nhiều người là "giọng chuẩn quốc gia" |
Trong một lần đang đi cùng bạn bè trên đường Thuỵ Khê chi chít ổ gà, ổ voi, trước lời phàn nàn của bạn gái ngồi sau, Luân chống chế “đường ló thế lày biết làm thế lào” khiến cả hội cười nghiêng ngả suýt đổ cả xe.
Không chỉ 8X, hiện nay cũng rất nhiều bạn trẻ 9X thành phố cũng nói ngọng khiến không ít người “choáng váng”, mà chủ yếu vẫn là ngọng n thành l: nó thành ló, nếu thành lếu, nâu thành lâu, nóng thành lóng, Hà Nội thành Hà Lội… “Cái lơ màu lâu lày bao tiền hả chị?”, một 9X “xinh như mộng” cất tiếng nói khiến không ít người bụm miệng cười không thành tiếng.
Thiệt thòi khi nói ngọng
Nói ngọng tưởng chừng như không phải “vấn đề to tát” nhưng trên thực tế tật xấu này đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, đặc biệt là với những người trẻ khi trước mắt họ còn cả một thế giới giao tiếp.
Với những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường, nói ngọng sẽ dễ dàng dẫn đến việc viết sai chính tả “nói sao viết vậy”. Không chỉ dừng lại ở mức độ bị bạn bè trêu đùa, bị thầy cô giáo nhắc nhở thời đi học, nhiều bạn trẻ mắc tật nói ngọng sẽ trở nên rụt rè khi giao tiếp. “Bị bạn bè trêu mãi cũng thành quen nhưng bị trêu trước mặt người lạ thì công nhận cũng ngại thật, nhiều khi còn mặt đỏ tía tai”, Luân chia sẻ.
Nhiều nam thanh nữ tú ăn mặc sành điệu, “đẹp như tranh vẽ” nhưng khi cất tiếng nói đã khiến người đối diện “thất vọng tràn trề” chỉ vì họ nói ngọng. Hay thẳng thắn ra, nói ngọng cũng có thể khiến người khác mất thiện cảm với bạn.
Bình thường đã thấy vậy, nhưng có những bạn trẻ lại thật sự thiệt thòi khi chỉ vì tật nói ngọng mà tự mình để vuột mất những cơ hội trong các cuộc thi tài năng, cuộc thi tuyển dụng trong khi bản thân là người thực sự có tài. Phương (22 tuổi) đến giờ vẫn ấm ức về lời nhận xét của vị giám khảo dành cho mình trong một cuộc thi hát: “Em sở hữu một ngoại hình rất đẹp, một chất giọng trong sáng nhưng rất tiếc là từ trước đến nay chúng ta chưa thấy một ca sỹ nào hát ngọng xuất hiện trên truyền hình”.
Tật xấu cần sửa và có thể sửa
Nguyên nhân nào dẫn đến tật nói ngọng thì dường như chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để thống kê. Những nguyên nhân thường được nhắc tới chỉ bao gồm: ảnh hưởng của môi trường ngôn ngữ xung quanh, bắt chước rồi thành ngọng thật, gia đình có gốc người địa phương nói ngọng, nói ngọng bẩm sinh…
Nói ngọng chính là một tật xấu không ai phủ nhận, nhưng làm thế nào để có thể sửa chữa, thay đổi được tật xấu này thì chính người mắc tật phải tự mình khắc phục và sửa đổi. Khó không có nghĩa là không làm được. Với quyết tâm cao, nhiều bạn trẻ đã tự mình khắc phục được tật xấu trên khi họ nhận thấy “nói ngọng thật sự rất bất lợi”.
“Nhờ bạn bè, người thân nhắc nhở cũng chỉ là giải pháp tình thế, chủ yếu bạn phải tự mình chú ý khi phát âm. Nghe có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng vất vả vì có thể tốc độ nhả chữ của bạn bị chậm lại, như kiểu phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói. Nhưng theo mình nếu kiên trì luyện tập bạn sẽ thành công. Đôi khi sự trêu đùa của bạn bè, sự thiếu tự tin khi giao tiếp cũng sẽ khiến bạn tăng thêm quyết tâm sửa chữa tật xấu này”, Tuấn (25 tuổi) một bạn trẻ có hơn chục năm “thâm niên nói ngọng” chia sẻ bí quyết sau khi chữa ngọng thành công.
Theo Zing