Trong trường hợp bị can phạm tội khi đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự, bị can sẽ được tại ngoại để điều tra. Tuy nhiên, thực tế các bị can khó được “hưởng” những quy định này, thậm chí thay đổi biện pháp ngăn chặn cũng rất hiếm…
gì, hình phạt nặng hay nhẹ đều có thể cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù (ảnh minh họa) |
Gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày
Bà Nguyễn Thị Hoàng L. (trú tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị lực lượng công an tạm giữ vì đã có hành vi vi phạm pháp luật (gây rối trật tự). Vào thời điểm phạm tội, bà L. đang có con nhỏ 11 tháng tuổi. Sau khi bị công an bắt giữ về hành vi gây rối trật tự, dù đã hơn 10 ngày trôi qua, nhưng chồng và người thân của bà L. vẫn không được gặp mặt, tiếp xúc và thăm nom.
Bức xúc vì không được biết thông tin về vợ, cũng như Cơ quan Công an không giải thích và trả lời rõ về những quy định của pháp luật đối với người có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi bị tạm giữ, chồng bà L. đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Ông cho rằng, theo quy định của pháp luật thì vợ của ông không thể bị tạm giữ lâu như vậy và nếu có bị giam giữ đi chăng nữa thì Cơ quan Công an phải thông báo cho người thân bị can biết lý do bị tạm giữ.
Nói về thời hạn tạm giữ, Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Tại Khoản 1 và 2 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, “thời hạn tạm giữ không được quá 3 ngày, kể từ khi Cơ quan Điều tra nhận người bị bắt.
Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá 3 ngày; trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 3 ngày. Theo đó, mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn”.
Theo Luật sư Cường, trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện Kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Tại khoản 4 Điều luật trên quy định: Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.
Riêng đối với người có con còn nhỏ, theo Khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:
Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử; Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Được tại ngoại vì phải nuôi con nhỏ
Mới đây, ông Nguyễn Đình Hùng (SN 1982), trú tại xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai “gõ cửa” báo Pháp Luật Việt Nam trình bày: Vào chiều ngày 16/8/2013, Điều tra viên thuộc Đội Cảnh sát Điều tra Công an huyện Định Quán – Nguyễn Văn Tiến đã tiến hành bắt vợ của ông là bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, xã Phú Cường để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Sau khi hay tin vợ bị bắt giữ, ông Hùng và người thân trong gia đình đến Cơ quan Điều tra liên lạc để đưa vật dụng cá nhân nhưng không được. Sáng hôm sau, Công an huyện Định Quán tống đạt thông báo về việc tạm giữ bà Trinh và không cho gia đình thăm hỏi.
Khi ông Hùng yêu cầu được biết về thời gian tạm giữ vợ ông vì hôm đó đã bước sang ngày thứ 4 mà vẫn chưa được Cơ quan Điều tra thông báo gì. Phía công an cho biết đã gia hạn thêm thời gian tạm giữ. Nghe vậy, ông Hùng và gia đình yêu cầu Cơ quan Điều tra phải có thông báo gia hạn tạm giam.
Tuy nhiên, phía công an trả lời rằng, ông Hùng không có quyền được biết, chỉ biết hiện vợ của ông bị công an huyện tạm giữ là được rồi; còn thời gian giữ như thế nào Cơ quan Điều tra Công an huyện sẽ thông báo trực tiếp cho vợ ông Hùng, còn gia đình cũng không có quyền được biết(?!).
Luật sư Lê Quang Y, phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, trong sự việc này, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị được gặp, tiếp xúc và làm việc với bị can Trinh theo qui định của pháp luật. Tuy nhiên, Điều tra viên Nguyễn Văn Tiến (Đội trưởng - cán bộ điều tra trực tiếp vụ án) đã từ chối không cho Luật sư tiếp xúc, làm việc với bị can Trinh.
Ông Tiến cho rằng, khi nào Cơ quan Điều tra xét thấy cần thiết thì sẽ cho Luật sư tham gia hỏi cung. Đồng thời, Luật sư cũng đề nghị Điều tra viên cho xem các quyết định tố tụng liên quan đến bị can Trinh như quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can, quyết định tạm giữ, tạm giam,… nhưng ông Tiến từ chối và không đưa ra lý do.
Việc từ chối không cho Luật sư tiếp xúc, làm việc với bị can, không cho Luật sư xem các văn bản tố tụng liên quan đến bị can Trinh mà không đưa ra lý do của Điều tra viên là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, cản trở Luật sư tham gia hoạt động tố tụng và không đúng pháp luật Tố tụng Hình sự.
Bởi theo quy định tại Điểm a, e Khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can”; “Gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam”; và khoản 1 Điều 10 thông tư Số: 70/2011/TT-BCA quy định:
“Khi người bào chữa có văn bản đề nghị Cơ quan Điều tra cho gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì Cơ quan Điều tra làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam; nếu từ chối cho gặp thì phải thông báo cho người bào chữa biết bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối”.
Từ những quy định của pháp luật mà không được cơ quan tiến hành tố tụng thực thi, Luật sư Y đã có văn bản đề nghị Viện Kiểm sát huyện Định Quán kiểm sát hoạt động tố tụng của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Định Quán. Văn bản cũng yêu cầu cơ quan này thực hiện đúng và đảm bảo cho bị can và Luật sư được thực hiện các quyền theo quy định pháp luật Tố tụng Hình sự.
Luật sư Y cho rằng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cần hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can Nguyễn Thi Tuyết Trinh và cho bị can Trinh được tại ngoại điều tra vì đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 88 BLTTHS. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là mọi yêu cầu, kiến nghị của Luật sư không được xem xét.
Tính nhân đạo của pháp luật
Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi (Điểm b Khoản 1 Điều 61 BLHS). Khi người đang chấp hành hình phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 62 BLHS).
Tuy nhiên, theo Luật sư Cường, cần hiểu đúng luật định: Bởi không phải phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là đương nhiên được hoãn chấp hành hình phạt tù. Về nguyên tắc chung thì khi họ bị kết án phạt tù lần thứ nhất mà họ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì không phân biệt họ bị kết án về tội gì, hình phạt nặng hay nhẹ đều có thể cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù.
Trong trường hợp họ được hoãn chấp hành hình phạt tù mà lại phạm tội mới hoặc có những hành vi chống đối việc chấp hành hình phạt tù, thì Toà án cần ra quyết định bắt họ đi chấp hành hình phạt tù. Có thể khẳng định rằng, BLHS không quy định cụ thể, nhưng khi xét xử bị cáo là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi cũng có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự - Luật sư Cường cho hay.
Lê Hiển – Đăng Nghĩa