Bí ẩn 'Vụ thảm sát 28/2' ở Đài Loan: 'Hai mặt' của Trần Nghi

Bia tưởng niệm đầu tiên được khánh thành ở Gia Nghĩa năm 1989
Bia tưởng niệm đầu tiên được khánh thành ở Gia Nghĩa năm 1989
(PLO) -Trước khi xảy ra “Sự kiện 28/2”, ở Đài Loan có lực lượng quân đội đồn trú hơn 5000 người và hơn 1000 giáo viên, học sinh Trường cảnh sát trung ương. Kha Viễn Phần, Tham mưu trưởng BTL cảnh vệ cũng điều khẩn cấp lực lượng quân đội ở Cao Hùng, Cơ Long lên Đài Bắc, nhưng lực lượng “Bắc tiến” này bị chặn lại ở Tân Trúc.

Thủ đoạn hai mặt của Trần Nghi

 Khi đồng ý cho lập Ủy ban xử lý “Sự kiện 28/2”, Trần Nghi và Kha Viễn Phần đều có ý đồ xấu: Ngoài việc cài cắm nhân viên tình báo quân sự để phân hóa tổ chức, còn ra mật lệnh cho các cơ quan “thận trọng xử lý”.

Ngày 2/3, Trần Nghi công bố “4 biện pháp xử trí”, cam kết xử lý khoan hồng những người nổi dậy; nhưng một mặt điện cho Chính phủ Quốc dân yêu cầu cử Sư đoàn 21 và trung đoàn hiến binh tới Đài Loan.

Ngày 3/3, Bộ Tổng tư lệnh cảnh vệ ban hành “Thư gửi nhân dân toàn thành”, đồng ý đề nghị cấm điều thêm lực lượng tăng viện như yêu cầu của Ủy ban; nhưng sau khi được rút về doanh trại, binh lính lập tức cởi quân phục, mặc trang phục hiến binh để đi tuần tra.

Sau đó miền Trung và Nam Đài Loan xảy ra các vụ dân chúng tiếp quản vũ khí, thành lập các đội vũ trang, cục diện vượt ra ngoài dự đoán của Trần Nghi, ông ta yêu cầu Tưởng Giới Thạch cử quân đội tới để đàn áp.

Tiếp đó, Trần Nghi một mặt tiếp tục hiệp thương với Ủy ban xử lý, chấp thuận các yêu cầu của họ, tuyên bố sẽ cải tổ chính quyền và tổ chức bầu cử dân chủ huyện, thị trưởng; mặt khác sử dụng đặc vụ tạo cớ để đàn áp, bắt bớ dân chúng “phản loạn”; Bộ tư lệnh cảnh vệ cũng triển khai cấp trang bị quân sự và bố trí nhân viên. Viện hành chính bí mật hoạch định Đài Bắc và Cơ Long là khu giới nghiêm; Tân Trúc và Đài Trung là khu phòng vệ.

Ngày 6/3, Trần Nghi báo cáo với Tưởng Giới Thạch: binh lực ở Đài Loan không đủ, yêu cầu tăng viện thêm 2 sư đoàn và đề đạt cử quan chức đến Đài Loan nắm tình hình sau khi triển khai quân tới Đài Loan.

Ngày 6/3, một bức điện nhân danh “Toàn thể tham chính viên (cố vấn) tỉnh Đài Loan” được gửi khẩn cấp cho Tưởng Giới Thạch, nhấn mạnh: từ sau khi khôi phục Đài Loan đến nay, Viện hành chính mất hiệu lực nghiêm trọng, tích thành dân chúng oán hận dẫn đến bùng phát “Sự kiện 28/2”, yêu cầu cải cách triệt để chính trị Đài Loan, kêu gọi nhanh chóng cử quan chức đến giúp sức xử lý, “không sử dụng vũ khí đàn áp để tránh sự việc mở rộng”.

Ông Tưởng Vị Xuyên, một nhân sĩ người Đài Loan, thành viên Ủy ban xử lý nhiều lần đến Viện hành chính hội đàm với Trần Nghi về biện pháp giải quyết nên biết được tin Trần Nghi đã đề nghị trung ương đưa quân đến Đài Loan đàn áp; vội khẩn cấp lấy danh nghĩa “Hiệp hội xây dựng chính trị tỉnh Đài Loan” gửi điện, với hy vọng được “chủ tịch Tưởng Trung Chính” (Tưởng Giới Thạch) tin tưởng, ông nhờ lãnh sự quán Mỹ ở Đài Bắc thông qua Đại sứ quán Mỹ ở Nam Kinh chuyển tới tay Tưởng Giới Thạch bức điện: “Khẩn thiết mong Tưởng chủ tịch đừng cử quân tới Đài Loan kẻo kích động dân chúng”.

Ngày 7/3, bức điện đã được Đại sứ Mỹ John Leighton Stuart trao tận tay Tưởng Giới Thạch; nhưng Tưởng Giới Thạch điện cho Trần Nghi: “Tôi nhận được điện của Hội xúc tiến xây dựng chính trị Đài Loan chuyển qua sứ quán nước ngoài, trong đó có yêu cầu đừng gửi quân tới, nếu không tình hình sẽ rất nghiêm trọng. Tôi thấy không hiểu. Đó tất là hành động của phần tử phản động dưới sự đe dọa của lãnh sự quán nước ngoài”.

Nghị sĩ Vương Thiêm Đinh bị binh lính bắt và thiêu chết
Nghị sĩ Vương Thiêm Đinh bị binh lính bắt và thiêu chết

Sau khi nhận được báo cáo của cơ quan “Quân thống cục” (Cục tình báo quân sự) và “Trung thống cục” (Cục tình báo trung ương) tại Đài Bắc, Tưởng Giới Thạch lựa chọn chấp nhận đề nghị của Trần Nghi, coi “Sự kiện 28/2” là cuộc phản loạn do các tổ chức dân chúng gây ra và quyết định phái sư đoàn 21, trung đoàn hiến binh số 4 và các đơn vị trực thuộc tới Đài Loan.

Trưa ngày 6/3, sư đoàn 21 xuất phát từ Thượng Hải, trung đoàn hiến binh số 4 cũng xuất phát từ Phúc Châu tới Đài Loan bằng đường biển. Ngày 7/3, Sư trưởng sư đoàn 21 Lưu Vũ Khanh từ Nam Kinh bay sang Đài Loan gặp Trần Nghi để truyền đạt ý chỉ của Tưởng Giới Thạch.

Cho đến ngày 13/3, Tưởng Giới Thạch mới gửi điện cho Trần Nghi yêu cầu “nhân viên quân chính không được hành động trả thù”, thì ngày 14/3 trên trang nhất “Nhật báo kiến thiết” đã đăng các bài với các tiêu đề: “Sử dụng quân tăng viện để trả thù bằng vũ lực”, “Trần Nghi dùng quân đội cai quản Đài Loan”, “Thực thi chính sách khủng bố  thảm sát người vô tội”…

Đàn áp và thảm sát điên cuồng

Đến 2h chiều ngày 8/3, 7000 quân của sư đoàn 21 và trung đoàn 4 lần lượt đổ bộ lên cảng Cơ Long, 3000 người khác đổ bộ lên Cao Hùng, chưa lên bờ đã xả súng bắn giết những người tụ tập trên bờ. Tối hôm đó, Cơ Long tuyên bố giới nghiêm. Sau khi lên bờ, quân đội lùng sục khắp nơi để bắt người; lực lượng chủ lực tiến về Đài Bắc, dọc đường hễ thấy đông người tập trung là bắn; hàng trăm người bị hành quyết bằng cách trói xâu tay nhau bằng dây thép hoặc nhét từng người vào bao tải rồi đẩy xuống biển. 

10h30’ đêm 8/3, Viện hành chính hạ lệnh Tổng công kích, hơn 200 thanh niên học sinh làm việc trong các bộ phận thuộc Ủy ban xử lý “Sự kiện 28/2” ở Trung Sơn Đường bị giết hại, những người dự họp đều bị bắt hoặc bắn chết. Sáng sớm hôm sau khi đơn vị đầu tiên của sư đoàn 21 tới Đài Bắc, Trần Nghi liền tuyên bố “Luật giới nghiêm” toàn diện đối với Đài Bắc và Cơ Long.

Quân đội tiến vào khu Viên Sơn, Bộ tổng tư lệnh cảnh vệ, trụ sở Viện hành chính, Ngân hàng Đài Loan và nổ súng bắn chết nhiều người; hơn 100 học sinh chưa đầy 20 tuổi tham gia  các đội duy trì trị an bị bắt đưa đến Quảng trường Viên Sơn xử bắn. Sau đó, theo kế hoạch, quân đội củng cố Cơ Long, Đài Bắc và Tân Trúc, chia Đài Loan thành 5 khu vực an ninh (“thỏa tĩnh”) rồi tiến hành càn quét theo hai hướng từ miền Nam lên và miền Bắc xuống.

Ngày 10/3, Trần Nghi ra lệnh giải tán Ủy ban xử lý “Sự kiện 28/2” và các “tổ chức phi pháp” khác, các thành viên bị đưa vào danh sách đen; niêm phong tòa soạn các tờ “Dân báo”, “Nhân dân đạo báo”, “Đại minh báo”, “Trung ngoại nhật báo”; thẩm tra viên chức các trường, tịch thu các ấn phẩm phản động, cấm tụ tập đông người, kiểm soát việc đưa tin.

Viện hành chính còn cho quân cảnh bắt giữ và ám sát các Ủy viên và các cán bộ các bộ phận của Ủy ban xử lý “Sự kiện 28/2”, các đại biểu đại hội quốc dân, các thân sĩ địa phương và tinh anh trong xã hội, chỉ một số ít người như Lâm Hiến Đường, Trần Dật Tùng, Lưu Minh…thoát tội.

Trong suốt tháng 3, các cuộc bắt bớ, giết chóc trả thù diễn ra khắp tỉnh Đài Loan. Tại Cơ Long, các đơn vị tại chỗ phối hợp với tiểu đoàn 2/trung đoàn 438/sư đoàn 21 bắt đầu mở đợt càn quét từ ngày 10/3, đoàn xe quân sự chạy vào xã Kim Sơn xả đạn bắn dân ven đường gây nên “Sự kiện Kim Sơn” nổi tiếng.

Ngày 10/3, một loạt các nhân sĩ Đài Loan như Lâm Liên Tông (đại biểu Đại hội quốc dân), Lý Thụ Hán (Hôi trưởng Luật sư) và em trai Lý Thụy Phong bị bắt đưa đi mất tích. Ngày 11/3, Vương Thiên Đăng (nghị sĩ) bị lính dùng xăng thiêu chết; một loạt lãnh đạo các báo như “Dân Sinh”, “Nhân dân đạo báo”, “Đài Loan tân sinh báo”…đều bị bắt đưa đi mất tích….

Ở miền Trung, ngày 9/3 quân đội tăng viện đến Gia Nghĩa tổ chức cuộc càn quét đầu tiên giết chết 13 người. Ngày 11/3 4 vị đại biểu Ủy ban xử lý “Sự kiện 28/2” phân hội Gia Nghĩa bị bắt. Sau đó là một loạt hoạt động bắt bớ, xử tử, thủ tiêu những người bản địa đã tham gia nổi dậy trước đó.

Trần Nghi, người bị coi là thủ phạm gây ra vụ thảm sát
Trần Nghi, người bị coi là thủ phạm gây ra vụ thảm sát

Ngày 13/3, một đơn vị của sư 21 tiến vào Đài Trung triển khai trấn áp lực lượng chống đối trong nội thị. Tại khu vực hồ Nhật Nguyệt đã xảy ra  xung đột lớn giữa lực lượng du kích của Trần Thoán với quân chính phủ khiến hai bên thiệt hại lớn…

Sau gần nửa tháng tồn tại, cuộc nổi dậy của người Đài Loan đã bị dìm trong biển máu và thất bại, Ủy ban xử lý “Sự kiện 28/2” bị xóa bỏ vì bị coi là tổ chức bất hợp pháp. Đến ngày 25/3/1947. Chính phủ Quốc Dân Đảng ra tuyên bố đã giải quyết xong “Sự kiện 28/2”, cấm báo chí viết về sự kiện này. Ngày 24/4, chính phủ Quốc Dân Đảng bãi bỏ Viện hành chính trưởng quan, lập “chính phủ tỉnh Đài Loan”. Trần Nghi bị bãi chức, Ngụy Đạo Minh được bổ nhiệm làm Chủ tịch chính phủ tỉnh Đài Loan.

Về số người chết và bị thương trong các cuộc tàn sát trả thù của quân đội đến nay vẫn chưa thống nhất được số liệu, mức độ chênh lệch rất lớn: Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Bạch Sùng Hi đưa ra con số “thương vong tổng cộng 1.860 người”; BTL Cảnh bị Đài Loan: “3.200 người chết”; ông Tưởng Vị Xuyên: “chết khoảng 17 – 18 ngàn người”; Tổ điều tra chuyên án “Sự kiện 28/2” của Viện hành chính: “chết từ 18 đến 28 ngàn người”; Dương Dật Châu, Ủy viên Bộ Nội chính đương thời: “chất 20 ngàn, bị thương 30 ngàn người”; Triệu Dục Lân, Trưởng phòng của Cục Tình báo trung ương đương thời: “chết 30 ngàn người”…

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.