Bí ẩn vụ chìm tàu hạt nhân Scorpion của Mỹ

Scorpion trong một chuyến làm nhiệm vụ hồi tháng 4/1968.
Scorpion trong một chuyến làm nhiệm vụ hồi tháng 4/1968.
(PLO) -Tháng 5/1968, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Scorpion của Hải quân Mỹ được điều động đi thực hiện một nhiệm vụ hết sức quan trọng: do thám năng lực của Hải quân Liên Xô tại vùng biển phụ cận của quần đảo Canary. Thế nhưng, USS Scorpion đã “một đi không trở lại”, để lại một bí ẩn lớn chưa có lời giải trong lịch sử quân sự Mỹ. 

Điều mà người ta có thể khẳng định đến thời điểm này đã USS Scorpion đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và mất tích trên đường trở về cùng toàn bộ 99 thủy thủ, ở vị trí cách đảo Azores, nằm ở Tây Nam Bồ Đào Nha 643 km.

“Bọ Cạp” nhiều khiếm khuyết

USS Scorpion là loại tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Skipjack – được coi là “niềm tự hào của Hải quân Mỹ” những năm 1960. Scorpion là một trong những chiếc tàu hạt nhân đầu tiên của Mỹ có vỏ tàu hình dáng giọt nước, khác với những vỏ tàu có hình dạng khối vuông từ thời Thế chiến II và những biến thể sau này. USS Scorpion được hạ thủy vào tháng 8/1958 và đưa vào hoạt động từ tháng 7/1960. 

Tàu ngầm USS Scorpion tương đối nhỏ so với tàu ngầm hạt nhân hiện nay, với độ giãn nước là 3.075 tấn, dài 77m, rộng 9,5m. Tàu mang theo đội thủy thủ gồm 99 người, trong đó có 12 sĩ quan và 87 binh sĩ. Đây là loại tàu ngầm đầu tiên sử dụng lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S5W, có tốc độ 15 hải lý/giờ trên mặt nước và 33 hải lý/giờ khi lặn hoàn toàn.

Vũ khí chính trên tàu ngầm Skipjack là ngư lôi Mk-37  có gắn hệ thống radar dẫn đường. Ngư lôi Mk-27 có tốc độ 26 hải lý/giờ, trang bị đầu đạn 150kg chứa đầy thuốc nổ HBX-3. 

Khi mất tích, USS Scorpion mới hoạt động được 8 năm và còn khá mới so với tiêu chuẩn hiện đại. Dù vậy, thủy thủ đoàn trên tàu đã có một số lần phàn nàn về việc tàu ngầm gặp trục trặc.

Theo một báo cáo được lưu tại Viện Hải quân Mỹ, Scorpion có tới 109 lỗi trong lần điều động cuối cùng, trong đó có những “vấn đề mãn tính” về hệ thống thủy lực, hệ thống còi khẩn cấp và hệ thống van đóng khẩn cấp. Khi bắt đầu hành trình cuối cùng, 1.500 gallons dầu còn bị rò rỉ từ tháp chỉ huy. 

Hai tháng trước khi mất tích, thuyền trưởng Francis Atwood Slattery từng soạn thảo một yêu cầu khẩn đề nghị nâng cấp thân tàu - theo mô tả của ông là “đang ở trong tình trạng tồi tệ, cần bảo dưỡng gấp”.

Ông cũng bày tỏ quan ngại về hệ thống van bị rò rỉ khiến con tàu chỉ có thể lặn xuống độ sâu 90m – chưa bằng một nửa so với độ sâu thử nghiệm. USS Scorpion – Bọ Cạp có nhiều trục trặc đến nỗi một số người còn gọi nó là USS Scrapiron – Phế Liệu. 

Vị trí tàu Scorpion mất tích ở vùng biển Azores của Bồ Đào Nha
Vị trí tàu Scorpion mất tích ở vùng biển Azores của Bồ Đào Nha

Chuyến đi định mệnh

Tháng 5/1968, chỉ huy hạm đội tàu ngầm Đại Tây Dương thuộc Hải quân Mỹ đã điều động Scorpion thực hiện nhiệm vụ tìm hiểu một đội tàu của Liên Xô đang hoạt động tại vùng biển phụ cận của quần đảo Canary. Lực lượng đặc nhiệm Liên Xô gồm có một tàu ngầm lớp Echo-II, một tàu cứu hộ tàu ngầm, hai tàu khảo sát thủy văn, một tàu khu trục và một tàu tiếp tế nhiên liệu được cho là đang tiến hành hoạt động đo đạc và theo dõi các tàu chiến và tàu ngầm của NATO. 

Nửa đêm ngày 22/5, Scorpion báo cáo đang ở vị trí cách vùng biển Azores 400 dặm, dự kiến sẽ về đến căn cứ Norfolk vào ngày 27/5. Bản báo cáo không cho thấy điều gì bất thường. Nhưng đó là lần cuối cùng Sở chỉ huy Hạm đội Đại Tây Dương nhận được tin tức của Scorpion.

Sau rất nhiều lần gửi tín hiệu liên lạc mà không được hồi đáp, ngày 28/5, Hải quân Mỹ xác nhận Scorpion đã bị phá hủy. Hệ thống do thám dưới nước SOSUS của Mỹ - vốn được thiết kế để phát hiện tàu ngầm của Liên Xô - đã ghi nhận tiếng nổ của Scorpion ở dưới biển.

Đến ngày 28/10, tàu nghiên cứu đại dương USNS Mizar đã tìm thấy Scorpion ở độ sâu 3.000 m, cho thấy Scorpion bị nổ thành 3 phần lớn.  Các dấu hiệu điều tra cho thấy con tàu đã bị ngập nước vào bên trong và liên tục phải điều chỉnh áp lực so với bên ngoài khi bị chìm. Hai trong số các cửa chớp của khoang chứa ngư lôi ở trong tình trạng mở hoặc khép hờ. 

Điều gì đã xảy ra với Scorpion? Báo cáo của Hải quân Mỹ về tai nạn này không đưa ra được kết luận chính xác. Giả thuyết được nhóm chuyên gia tư vấn kỹ thuật do Hải quân Mỹ triệu tập cho là có khả năng nhất, đó là Scorpion đã trở thành nạn nhân của chính ngư lôi Mk-37 - quả ngư lôi có thể đã chẳng may phát nổ khi chưa ra khỏi bệ phóng.

Không giống như các loại ngư lôi khác được phóng ra bằng khí gas, Mk-37 là loại kích hoạt bằng nhiệt và chỉ “trôi” ra khỏi ống phóng một cách nhẹ nhàng, tránh bị đối phương phát hiện. Giả thuyết này được củng cố bởi những báo cáo cho thấy tàu ngầm đang di chuyển theo hướng ngược với hướng đi của nó khi bị phát nổ - một giải pháp thường thấy đối với các loại ngư lôi kích hoạt bằng nhiệt là quay ngược 180 độ để kích hoạt chế độ an toàn và làm nguội ngư lôi trong ống phóng. 

Một giả thuyết khác là thiết bị xả thải TDU mắc lỗi vận hành khiến tàu bị ngập, nước biển tràn vào hệ thống điện nặng 69 tấn gây nổ. Trên thực tế, Scorpion cũng đang chờ được thay mới hệ thống TDU vì hệ thống này từng khiến nước ngập vào tàu ngầm trong quá khứ. 

Giải thuyết kỹ thuật cuối cùng là Scorpion đã phải hứng chịu một vụ nổ hydro trong lúc sạc điện. Vào thời điểm vụ nổ diễn ra, Scorpion đã ở độ sâu kính tiềm vọng đang ở chế độ hoạt động "Baker", có nghĩa đã đóng kín để nước không vào được. Đây là một sự cố ít ai ngờ, xảy ra vào giai đoạn khi năng lượng hạt nhân mới được ứng dụng, con người có ít kinh nghiệm, nên việc đóng kín có thể gây ra sự cố tích tụ khí hydro gây nổ.

Có sự “dính dáng”?

Bên cạnh các giả thuyết về kỹ thuật, còn có một giả thuyết khác hướng sự chú ý vào Liên Xô, theo đó Scorpion trở thành nạn nhân trong vòng xoáy đụng độ giữa các cường quốc thời Chiến tranh Lạnh. Đáng chú ý, năm 1968 chứng kiến số lượng lớn bất thường các tàu ngầm bị chìm, như tàu Dakar của Israel, tàu Minerve của Pháp và tàu K-129 của Liên Xô – minh chứng cho thấy Chiến tranh Lạnh đã tạo nên một cục diện vô cùng “nóng” dưới đáy biển sâu. 

Scorpion trong lễ hạ thủy ngày 29/12/1959
Scorpion trong lễ hạ thủy ngày 29/12/1959

Theo giả thuyết này, khi đang trên đường trở về, Scorpion phát hiện thấy mình đang bị chiếc tàu ngầm lớp Echo II của Liên Xô “bám đuôi”. Scorpion đã không thoát khỏi sự truy đuổi của Echo II và đã báo cáo tình hình tới chỉ huy lực lượng hỗ trợ. Echo II bị cáo buộc đã phóng ngư lôi vào Scorpion vào ngày 22/5 ở độ sâu 400 dặm, ở phía tây nam vùng biển Azores.

Ngư lôi nổ ngay cạnh khoang điều khiển của Scorpion, làm chìm toàn bộ con tàu. Vụ việc được cho là đòn trả đũa của Liên Xô vì vụ chìm tàu ngầm lớp Gold II K-129 - nghi bị tàu USS Swordfish (SNN-579) đánh chìm trong một vụ chạm trán ở phía bắc quần đảo Hawai vào tháng 3/1968. Trong cuốn sách “Scorpion: bị đánh chìm bởi Liên Xô và chôn vùi bởi Lầu Năm Góc”, tác giả Ed Offley cũng đưa ra một so sánh rằng: giống như vụ tấn công 9/11/2001, vụ chìm tàu Scorpion cùng toàn bộ 99 thủy thủ trên tàu là hậu quả của chính sách can thiệp bên ngoài của Mỹ, dẫn đến các đòn trả đũa của đối phương.

Dù vậy, cũng giống như các giả thuyết khác, thuyết âm mưu về sự can dự của Liên Xô trong vụ chìm tàu Scorpion chưa bao giờ có bằng chứng xác đáng. Bởi vậy, USS Scorpion đến nay vẫn nằm trong danh sách những con tàu mất tích bí ẩn, và tranh cãi xung quanh nó vẫn kéo dài cho đến tận bây giờ. 

Dù chưa ai có thể tìm được đáp án chính xác về số phận của USS Scorpion, nhưng có lẽ nhờ có Scorpion, Hải quân Mỹ đã rút ra được quá nhiều bài học. Kể từ sau Scorpion, Mỹ đã không tổn thất thêm bất cứ một chiếc tàu ngầm nào nữa, giúp hàng chục nghìn lượt thủy thủ đều có thể về nhà sau những chuyến thực thi nhiệm vụ dài ngày dưới đáy biển sâu.../. 

Đọc thêm

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
(PLVN) - Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...