Chết đi sống lại
Chị Natasa Voska, giảng viên trường Đại học Rostop, Nga không thể tin một ngày đẹp trời có thể tự thấy mình lơ lửng trên trần nhà ngó xuống thân thể đang được giải phẫu của mình. “Điều đó thật lạ lùng, tôi thấy rõ ràng mọi thứ diễn ra sống động trước mắt”, chị nói.
Natasa có một khối u nhỏ ở não, bác sỹ buộc phải mở hộp sọ để cắt bỏ khối u đó đi. Chị bị gây mê trong một thời gian dài, và tim cũng ngừng đập khoảng 1 tiếng đồng hồ. Trước khi lên bàn mổ, Natasa tỏ ra rất bi quan về mạng sống của mình, nhưng các bác sỹ đã an ủi chị với một niềm tin tốt đẹp. Khi mặt nạ gây mê ụp nhẹ vào mũi, Natasa thiếp đi nhanh chóng.
Chị không còn khái niệm của bóng tối và ban ngày, không còn biết mình đang ở đâu và bị làm gì. Chỉ có tiếng lách cách của dao mổ, máy trợ giúp bơm máu và những tiếng trao đổi nho nhỏ của bác sỹ. Bỗng dưng, chị thấy mình “bật” dậy, nhẹ như một làn gió thoảng. Natasa thấy mình đang lơ lửng trên trần nhà, chị đếm được có khoảng 3 bác sỹ đang chăm chú làm việc và 4 y tá nữ phụ giúp.
Lúc này, thân thể chị bên dưới đã được trùm kín, chỉ hở phần đầu. Natasa buồn bã thấy máy đo nhịp tim báo hiệu những dòng thẳng băng, chị đã chết đúng nghĩa. “Tôi muốn thức cơ thể tôi dậy nhưng hoàn toàn bất lực, vị bác sỹ mổ chính còn yêu cầu cô y tá mắt xanh tiếp thêm cho tôi 200ml máu”, chị nhớ lại. Sau khi hồi phục, Natasa có hỏi ekip mổ về những điều chị thấy. Mọi người đều ngỡ ngàng vì những lời chị nói chính xác đến từng chi tiết. Chị được bơm thêm 200ml máu và trong 7 người đứng mổ chỉ có một nữ y tá có màu mắt xanh biếc.
Ảnh minh họa |
Một trường hợp khác ở Úc, cô Valerie, 28 tuổi, làm quản lý quán bar ở Sydney, trên đường đi làm buổi tối về đã gặp tai nạn giao thông. Chiếc xe hơi của cô bị một xe hơi khác đụng trực diện. Valerie thậm chí không thấy sự đau đớn đến với mình vì mọi việc xảy ra quá nhanh. Hai phút sau cô “thấy” cơ thể mình đầy máu đang nằm bất động, cánh tay phải bị kẹp rúm ró, hai mắt nhắm nghiền.
Một người đàn ông tóc vàng mặc áo sơ mi kẻ ca rô, đi đôi giày bata dính bùn đỏ nhanh chóng gạt đám đông đưa cô ra khỏi chiếc xe. Anh thì thầm vào tai cô: “Bạn ơi, cố lên, phải sống nhé”, rồi chuồi cô vào băng ca cứu thương. Chiếc xe lao vút đến bệnh viện. Ở đó, cô thấy bác sỹ chạy ra khẩn cấp... Rồi Valerie nhận thấy mình đang trôi vào một đường hầm sâu hun hút, tối đen. Cô sợ hãi không biết nó là cái gì, một lúc sau, cô nghe tiếng gọi từ rất xa, sâu thẳm, và Valerie lao về tiếng gọi đó. Một vùng sáng tấp vào mắt cô. Valerie giật mình tỉnh dậy.
Đã 3 ngày mê man trôi qua, cô vừa từ cõi chết trở về. Sau biến cố đó, Valerie tìm mọi cách để gặp người đàn ông cứu mình. Trong đầu cô luôn văng vẳng tiếng thì thầm tha thiết ấy. Sáu tháng sau, họ gặp nhau khi Jones, tên người đàn ông, đọc thấy mẩu tin nhắn của Valerie trên báo. Jones vô cùng ngạc nhiên khi nghe Valerie thuật lại những gì cô thấy về anh hôm ấy. Quả nhiên, đôi giày của Jones có dính bùn đỏ vì anh vừa ở công trường về. Và tiếng thì thầm khẩn cấp mà anh bật ra phản xạ dành cho cô chỉ có 2 người biết… Gần 10 năm trôi qua, đôi vợ chồng Jones - Valeire không thể quên được thời khắc nhiệm mầu ấy. Riêng Valerie, cô hoàn toàn không giải thích nổi những gì mình đã trải qua.
Một người phụ nữ ở Tây Tạng cũng thấy mình đi loanh quanh khắp căn phòng trong khi các bác sỹ cho rằng cô đã chết vì bị băng huyết khi sinh con. Cô đi theo người đàn ông đẩy băng ca khắc số 24 chở xác mình, miệng ông gắn chiếc răng giả màu vàng và khi ông xoa bóp chân cho cô, vốn là một hành động nghĩa hiệp với người quá cố, cô thấy bàn tay trái của ông có một vết sẹo nhỏ chạy dài. Những điều này được cô tường thuật lại rất rõ sau đó khiến mọi người phải kinh ngạc về các chi tiết đúng đến…..nổi da gà. Nhờ động tác xoa bóp chân vô tình ấy mà người phụ nữ đã tỉnh dậy, nhưng cô cho rằng đã có một lực đẩy rất mạnh nào đó kéo cô trở về với thực tại sau khi cô rơi vào khoảng không đen tối vụt qua rất nhanh.
Bí mật vùng tối và ánh sáng
Sau khi nghiên cứu về những trường hợp từ cõi chết trở về, một nhóm nhà khoa học người Pháp đã đưa ra kết luận: Có khoảng 23% trong số 120 nhân chứng cảm thấy họ rơi vào một khoảng không sâu hun hút, tối đen để rồi tiếp nhận nhanh chóng một vùng sáng chói mắt. 40% thấy hồn mình lơ lửng và chứng kiến được mọi chuyện, và chỉ có 16% cảm thấy tâm hồn thoải mái như đang bồng bềnh ở chốn viễn lai.
Một số người khác khi chạm ngưỡng thế giới bên kia còn gặp được người thân quá cố, được bước qua cây cầu đầy sương khói, diện kiến với những nàng tiên có đôi cánh lung linh tuyệt đẹp….
Vậy những điều mà người từ cõi chết trở về kể lại mang bao nhiêu phần trăm yếu tố sự thật? Không ai giải đáp được câu hỏi đau đầu này!
Điều đầu tiên mà các nhà khoa học đưa ra là một trong số họ có thể được xem là chết lâm sàng, một dạng chết ở tim, hoàn toàn ngưng thở, nhưng não vẫn sống thoi thóp, dù rất mờ nhạt. Họ giải thích rằng, những hiện tượng đó chỉ là do ảo giác gây ra, hình thành do các thay đổi trong não khi sắp chết. Tuy nhiên, cách giải thích đó chưa thỏa đáng, nhiều người cho rằng những ảo giác như vậy chỉ xảy ra khi não còn có một chức năng nào đó. Trong trường hợp não đã chết hẳn, nó giống như máy tính bị tách nguồn khỏi mạch điện, không thể gợi bất cứ ảo giác nào khác.
Có một mẫu số chung là những người chết khi trải qua cơn giải phẫu, phần lớn hình ảnh được thu nạp là họ chìm vào vùng đen tối, mon men trong đường hầm nhỏ rồi tiếp diện với những tia sáng lạ lùng. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng chính đường hầm đen tối bí ẩn kia là đường biên giới bước vào cõi chết, còn thứ ánh sáng mạnh đó sẽ dẫn dắt người chết bắt đầu bước vào thế giới bên kia. Nhưng cũng có ý kiến phản bác lại, hiện tượng “ánh sáng cuối đường hầm” chỉ là do vùng vỏ não bị thiếu oxy, máu không bơm lên não được nên mới phát tán hình ảnh ấy.
Cách đây 10 năm, các nhà nghiên cứu Thụy Sỹ tuyên bố họ đã khám phá nguyên nhân hồn treo lơ lửng trong khi xác đã chết. Họ cho rằng, một nếp cuộn trong vùng não bên phải gây ra cảm giác đó. Nếp cuộn não thu thập thông tin từ các phần khác nhau của não để hình thành ý tưởng về vị trí của thân xác. Khi tín hiệu thần kinh đi lệch đường, não vẽ lên bức tranh méo mó khiến bệnh nhân “thấy” chính họ như thể bay ra ngoài cơ thể mình.
Với chuyện các bệnh nhân thấy người quá cố khi chạm đến cái chết, các nhà khoa học cũng cho rằng, sự chết bắt đầu với các cấu trúc mới hơn của não và kết thúc với các cấu trúc cũ hơn. Sự hồi sinh của não là một tiến trình đảo ngược mà chính những phần cũ hơn trong vỏ não sẽ hồi sinh đầu tiên.
Một phát hiện mới đây về ý thức vỏ não của nhóm nhà nghiên cứu người Anh cũng gây xôn xao dư luận. Họ tin rằng, ý thức vẫn tồn tại khi não không hoạt động. “Não như một cái ti vi, chương trình ti vi không có ở trong ti vi”, họ khẳng định. Vậy ý thức ở đâu? Phải chăng nó ở trong mỗi tế bào cơ thể. Mỗi ngày cơ thể con người thải ra 50 tỷ tế bào chết và được thay thế bằng một số lượng tế bào mới tương ứng, chúng ta không nhận thức được sự thay đổi này. Có một dạng truyền thông giữa cơ thể con người, không chỉ là tế bào não mà còn ở trong hàng tỷ tế bào bắp thịt, xương, ruột, da máu. Các tế bào truyền thông vẫn sống khi não đã chết, chúng liên kết ý thức để cảm nhận những sự kiện xung quanh mà khoa học chưa thể giải thích được.
Dù thế nào thì ngay cả các nhà khoa học duy vật nhất vẫn phải tin rằng, có một điều gì đó “sống” sau khi chúng ta chết. Nhưng nó mang hình hài gì thì đó lại là câu chuyện của khoa học trong tương lai.
Tuyết Tùng