Đúng 75 năm đã trôi qua, và câu chuyện về “sứ mệnh hòa bình” mà người đàn ông kì lạ này đã được kể chi tiết trong một cuốn sách của cựu phóng viên tờ Daily Express James Leasor vừa được tái bản.
Cú hạ cánh của kẻ lạ mặt
Chính xác là lúc 10h45 phút tối, David MacLean, một nông dân ở làng Waterfoot đã nghe âm thanh một phi cơ trên mái nhà tranh của mình. Máy bay quá thấp đến nỗi các vật dụng trong nhà dường như rung lên theo tiếng phát ra từ động cơ. Tiếng ồn giảm dần nhưng sau đó lại rú lên to hơn khi phi công cho máy bay quay trở lại trước khi tiếng động cơ đột ngột biến mất hẳn.
“Rõ ràng đã có điều gì đó không ổn”, MacLean nghĩ. Anh ta chăm chú nhìn ra bóng tối và dưới ánh sáng mờ ảo của ánh trăng và rồi nhìn thấy thứ gì đó trăng trắng trên bầu trời.
Đó là một cái dù đang hạ xuống. Là người hàng tháng trời phải nghe tiếng máy bay RAF bay trên trên đầu, MacLean đột nhiên nhận ra rằng, tiếng kêu của động cơ nghe có vẻ không quen tai kia chỉ có thể chứng minh một điều: người đang đáp dù xuống mặt đất có thể là một người Đức.
Lúc đó, MacLean đã đến cánh đồng phía cạnh nhà, nơi người phi công vừa hạ cánh. “Tôi là Hauptmann Alfred Horn," người đàn ông cao lớn, nói bằng tiếng Anh. "Tôi muốn đến Dungavel House. Tôi có một lời nhắn quan trọng cho Công tước Hamilton”, anh ta nói tiếp.
Bộ đồ bay bằng len, đôi giày bằng da thú được làm thủ công, chiếc đồng hồ vàng mà người này mang chứng tỏ anh ta không phải một phi công tầm thường.
Thực tế, hắn ta chính là Rudolf Hess - cánh tay phải của Adolf Hitler. Sự xuất hiện của Hess trên đất Scotland trong một sứ mệnh tự mô tả “vì hòa bình” chỉ vài tuần trước khi Hitler sẽ khởi động cuộc chiến với Liên Xô, là một trong những chi tiết lạ lùng nhất của cuộc chiến tranh thế giới thứ II.
Phi vụ bất thành
Rudolf Hess, một tín đồ tận tâm của chủ nghĩa quốc xã ngay từ những ngày đầu, đã tham gia trong “cuộc đảo chính nhà hàng bia” thất bại của Hitler năm 1923. Hắn trốn chạy sang Áo nhưng lại tình nguyện trở về Đức để hầu cận Hitler trong nhà tù Landsberg.
Sau 10 năm, lòng trung thành của Hess đã mang về cho hắn danh hiệu Phó Quốc trưởng, người chỉ đứng sau Hitler trong Đức quốc xã. Độ tàn bạo và “máu lạnh” của Hess được miêu tả không thua kém gì với “kẻ cầm đầu”.
Nhưng sau một thời gian, Hitler mất lòng tin vào khả năng lãnh đạo của Hess nên y ngày càng bị đối xử “thiệt thòi”. Nhiều nhiệm vụ quan trọng vốn thuộc về Hess đã được giao cho Martin Bormann – một người bạn và giờ là đối thủ của Hess trong chính quyền phát xít.
Điều này là mối bận tâm không nhỏ của hắn. Vào lúc đó, khả năng phát xít Đức mở một mặt trận thứ hai với Liên Xô thông qua Chiến dịch Barbarossa vào mùa xuân năm 1941 choán tâm trí Hess. Hắn nghĩ, việc “cầu hòa” với Anh trước khi tấn công Nga sẽ tốt hơn nhiều và có thể là chiến công ghi điểm với Quốc trưởng Hitler. Và thế là Hess lên kế hoạch cho riêng mình.
Ngay từ tháng 9 năm 1940, hắn dò la những người bạn của mình trong giới ngoại giao nhằm tìm ra một quan chức cấp cao người Anh có thể thương lượng. Albrecht Haushofer, một nhà địa lý và ngoại giao đã từng đi đây đó đã gợi ý với Hess một nhân vật khá trung lập, đó là Công tước của Hamilton, người có thể tiếp cận mọi lúc với tất cả những người quan trọng ở London, ngay cả với Thủ tướng Churchill hay hoàng gia Anh.
Hess thích ý tưởng về một cuộc gặp mặt với một ngài công tước quý tộc. Sau khi xem xét kỹ lưỡng các thông tin thời tiết, địa hình, Hess leo lên chiếc máy bay Messerschmitt Bf 110 đời đầu có gắn một thùng nhiên liệu đủ để đưa y vượt qua 800 dặm đến Scotland.
Rudolf Hess (bên phải) là cánh tay phải của Hitler. |
Lúc đó khoảng 6h30 ngày 10/5/1941. Máy bay bay qua sông Rhine, qua biển Bắc. Bằng kinh nghiệm của một phi công trong Thế chiến I, cộng với tấm bản đồ và la bàn Hess xuyên qua đêm tối sương mù, với địa hình không hề quen thuộc…. tất cả chỉ để tránh để bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không Anh.
Lúc 10 giờ 30 phút đêm đó, Hess đã đến Scotland nhưng máy bay hết nhiên liệu, và buộc phải nhảy dù xuống nơi chỉ còn cách đích đến 12 dặm.
Không như kế hoạch, cú đáp xuống địa phận Scotland đã đặt dấu chấm hết cho ý định làm “sứ giả hòa bình” với Anh của Hess.
Ngay trong đêm 10/5/1941, sự có mặt của một người lạ tại ngôi làng Waterfoot đã dấy lên những nghi vấn. Người nông dân David MacLean đã bắt “kẻ từ trên trời rơi xuống” và dẫn đến nhà một viên bảo vệ an ninh vùng.
Ngay hôm sau, Hess bị dẫn giải đến cảnh sát Anh. Rất tức giận khi bị đối xử như một tù nhân thay vì một sứ giả hòa bình, Hess đề nghị được gặp Công tước Hamilton. Nhưng lời của Hess hoàn toàn bị bỏ ngoài tai. Tệ hại hơn, Hamilton cho rằng nếu Hitler biết kế hoạch này thì đây rõ ràng là hành động không tôn trọng ngoại giao với nước Anh.
Cuối cùng, một viên chức của Bộ Ngoại giao Anh bất đắc dĩ đành phải ngồi nghe Hess trình bày các quan điểm của y. Và Hess đã nhân danh Hitler tuyên bố rằng, nước Đức Quốc xã muốn ký hòa ước với nước Anh, ngừng chiến sự và cùng nhau hợp lực để chiến đấu tiêu diệt nước Nga. Tất nhiên, người Anh không tin lời Hess và hắn vẫn bị giam giữ.
Vài ngày sau đó, Hess đã cố gắng tự tử bằng cách nhảy qua lan can cầu thang trong tòa nhà nơi y bị giữ. Hess không chết và phải nhận bản án 4 năm tù sau nhiều vòng thẩm vấn. Khi chiến tranh kết thúc, chính Hess cũng phải ra trước Tòa án Nuremberg và phải nhận bản án tù chung thân cùng với một số tay chân khác của Hitler.
Đến năm 1966, hầu hết những tên này đều đã được ân xá và trả tự do. Chỉ riêng một mình Hess vẫn bị giam giữ và trở thành tù nhân (theo đánh số là tù nhân số 7) duy nhất của Trại giam Spandau. Hess đã chết trong nhà tù Spandau năm 1987, khi ở tuổi 93. Nguyên nhân chính thức được cho là tự tử.
Nhiều bí ẩn chưa được giải mã
Nhưng cái chết của Hess đã không kết thúc mọi câu hỏi xung quanh “sứ mệnh” đặc biệt của y cũng như những phút cuối đời. Liệu hắn có đến Anh một mình? Ai đã sai hắn làm việc đó? Theo cuốn sách của James Leasor, tin tức về chuyến bay của Hess đến Anh là một “quả bom” ở Berlin, và chính quyền phát xít nhanh chóng loại Hess khỏi chế độ.
Công chúng Đức đồn rằng Hess bị tâm thần và ảo giác. Nhưng đó là một chiến thuật của những tuyên truyền viên Đức Quốc xã nhằm “chặn” trước nguy cơ người Anh có thể sử dụng Hess nhằm lung lạc tinh thần người Đức.
Kể từ đó, vai trò và tầm ảnh hưởng của Hess trong bộ máy của Hitler gần như về con số không vì vậy càng củng cố niềm tin cho rằng y muốn thực hiện sứ mệnh ngầm với Anh nhằm tạo một chiến công với Đức Quốc trưởng. Nhưng tất cả đã thất bại.
Tuy vậy, một giả thuyết khác cũng nổi lên đó là kế hoạch của Hess được thực hiện theo lệnh của Hitler để Đức – đang dự tính xâm lược Liên Xô - sẽ không phải chiến đấu trên cả hai mặt trận.
Trong năm 2011, Viện Lịch sử Đức ở Moscow (Nga) đã tìm được một số bằng chứng cho giả thuyết này. Đó là việc viên sĩ quan phụ tá của Hess, Karlheinz Pintsch, đã trao Hitler một lá thư “giải thích” của Hess vào buổi sáng sau chuyến bay. Pintsch tiết lộ, Hitler đón nhận thông tin trên lá thư đó một cách bình tĩnh.
Điều đó có nghĩa chuyến bay của Hess đã được “sắp đặt trước với người Anh”. Pintsch cũng cho biết thêm rằng Hess được giao nhiệm vụ để đạt được thỏa thuận “liên minh quân sự Đức – Anh nhằm chống lại Nga” hoặc ít nhất là phải thuyết phục nước Anh có thái độ trung lập.
Những đồn đoán về chuyến đến Anh của Hess vẫn chưa dừng lại khi nhà sử học người Anh Peter Padfield viết trong cuốn sách “Hess, Hitler và Churchill” khẳng định chính tình báo Anh đã “chơi khăm” Hess.
Theo nhà sử học này, tình báo Anh ở Berlin khi ấy đã thiết lập được mối liên hệ với Hess và với sự giúp đỡ của y, đã tìm được đường tới Hitler. Hess đã được các điệp viên Anh ở Berlin thông báo rằng, nếu nước Đức tuyên chiến với Liên Xô thì London sẽ ngưng chiến. Tin vào điều này, Hess với vị trí thân cận của mình đã thuyết phục được Hitler tin theo.
Tình báo Anh đã làm giả giấy mời Hess sang Anh với chữ ký giả của Churchill rồi gửi cho y. Và đó là động cơ Hess thực hiện chuyến bay đến Anh, nhưng rồi hắn đã bị chính những điệp viên Anh bắt giữ và tống vào tù.
Cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu chính thức nào được công bố để giải mã bí ẩn lớn liên quan đến chuyến đến Anh cầu hòa của con người từng có quyền lực trong bộ máy phát xít.
Mới đây, con trai của Công tước Hamilton, James Douglas-Hamilton, kêu gọi chính quyền Anh công khai những tài liệu mật liên quan đến mối quan hệ với Đức quốc xã để biết sự thật về một trong những điều bí ẩn của Thế chiến II.