Kết nối toàn quốc
Hiện nay, BHXH Việt Nam vẫn đang chỉ đạo các địa phương thực hiện ba hình thức giao dịch với NLĐ và đơn vị SDLĐ gồm: Giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH; giao dịch qua dịch vụ bưu chính và giao dịch trực tuyến thông qua phần mềm giao dịch điện tử.
Các dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính của BHXH các địa phương qua ba kênh giao dịch trên vẫn đang được Vụ Pháp chế thống kê, tổng hợp theo hình thức thủ công. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, TTHC.
Ông Lương Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam cho biết): Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Trung tâm CNTT thực hiện “Đề án triển khai mô hình một cửa điện tử tập trung tại BHXH Việt Nam” nhằm quản lý, chỉ đạo, theo dõi công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC tại BHXH các tỉnh, thành phố. Sau quá trình thử nghiệm, đến nay, các BHXH địa phương đã thực hiện kết nối dữ liệu phần mềm quản lý tiếp nhận hồ sơ 2.0. Tại BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện xong việc lắp đặt thiết bị hạ tầng CNTT tại Vụ Pháp chế.
Theo Vụ Pháp chế, Hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử tập trung” sẽ giúp theo dõi công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của ngành BHXH trong phạm vi cả nước. Hệ thống sẽ cung cấp công cụ theo dõi đường đi của hồ sơ; kiểm soát được tiến độ giải quyết hồ sơ của các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh và BHXH các quận, huyện. Qua đó, đảm bảo việc thực hiện TTHC tại các địa phương được công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, đáp ứng mục tiêu cải cách TTHC mà Ngành đề ra.
Trong thời gian tới, Vụ Pháp chế sẽ tiếp nhận trực tuyến các báo cáo, thống kê, tổng hợp kết quả tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC, thay vì các địa phương phải gửi báo cáo qua đường Bưu điện hoặc qua thư điện tử như hiện nay.
Nhiều tiện ích
Về tiện ích của phần mềm, đại diện Vụ Pháp chế cho biết: Với hệ thống này, các phòng, bộ phận “Một cửa” của BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện sẽ quản lý được toàn bộ quy trình nghiệp vụ từ việc tiếp nhận hồ sơ đến chuyển hồ sơ dữ liệu, thụ lý giải quyết, trả kết quả, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết TTHC. Trong đó, quản lý chi tiết đến ngày, giờ giải quyết hồ sơ, cán bộ thụ lý hồ sơ; cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn.
Cơ quan BHXH địa phương cũng quản lý được lượng hồ sơ cần giải quyết, tiến độ giải quyết, tình trạng hồ sơ để có phương án xử lý kịp thời. Qua theo dõi quy trình trên phần mềm, lãnh đạo BHXH địa phương cập nhật được thông tin về tình hình, kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC tại các phòng, bộ phận nghiệp vụ; kiểm soát, đôn đốc các phòng, bộ phận giải quyết kịp thời, tránh tình trạng tồn đọng hồ sơ.
Về phía Vụ Pháp chế, thông qua phần mềm sẽ định kỳ, đột xuất thực hiện tổng hợp, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại cơ quan BHXH các địa phương. Đồng thời, thống kê, tổng hợp báo cáo kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế “Một cửa” trong toàn Ngành và từng địa phương.
Sẽ giám sát, kiểm tra, đôn đốc
Tại buổi kiểm tra trước khi chính thức vận hành hệ thống, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Vụ Pháp chế và Trung tâm Công nghệ thông tin trong việc triển khai xây dựng Hệ thống.
Tổng Giám đốc cũng yêu cầu Vụ Pháp chế và Trung tâm CNTT lưu ý bổ sung tiện ích của hệ thống nhắc nhở, cảnh báo khi cơ quan BHXH giải quyết chậm, để nhiều hồ sơ quá hạn. Đối với số TTHC quá hạn chưa giải quyết, BHXH địa phương sẽ phải có giải trình nguyên nhân cụ thể và Vụ Pháp chế sẽ đưa ra những đánh giá về tiến độ xử lý công việc, kiểm soát được hồ sơ chậm, muộn để báo cáo lãnh đạo Ngành chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc.
Tổng Giám đốc cũng chỉ đạo Vụ Pháp chế cần phân công cán bộ theo dõi việc vận hành hệ thống của cơ quan BHXH các địa phương để có cơ sở đánh giá, làm căn cứ bình xét thi đua; góp phần nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ BHXH khi giao dịch với các đơn vị, doanh nghiệp, người dân, người lao động.
Cùng với các nỗ lực cải cách trong thời gian qua, mô hình “Một cửa điện tử tập trung” sẽ là một trong những ứng dụng CNTT hữu ích, nhằm tạo thuận lợi cho ngành BHXH trong việc giám sát chặt chẽ các TTHC và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ BHXH. Đồng thời, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ và TTHC, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho NLĐ và các đơn vị SDLĐ khi giao dịch với cơ quan BHXH.