Gãy chân gãy tay, bong gân trật khớp, va đập gì liên quan đến xương khớp cứ đến ông, nhẹ thì 5 phút, nặng thì vài tuần, uống vài thang thuốc giá 5 ngàn đồng là khỏi hẳn, thậm chí đang nằm bẹp cũng dậy đi cày được. Từ hàng chục năm nay, người miền Trung đã biết bài thuốc của ông Nguyễn Sỹ Nghị (SN 1947, ngụ xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), có tác dụng chữa bệnh xương khớp “nhanh như chớp”.
“Bệnh viện” tại gia đông bệnh nhân không kể đêm ngày |
Mẹo nắn xương tài tình
Hỏi đường về nhà ông Nghị từ cách cả chục km, người bên đường ai cũng biết, tận tình chỉ dẫn kèm câu thán phục “khuyến mãi”: “Đau gì đến đó là hết, bong gân trật khớp sờ cái là khỏi”.
Ngôi nhà ông Nghị lúc nào cũng chật kín người đến chữa bệnh. Ông lão 65 tuổi, tóc điểm bạc, khuôn mặt xương gầy, dáng vẻ nho nhã tiếp hết lượt khách này đến lượt khách khác. Ông lão phải luôn tay luôn chân bắt bệnh, giao thuốc rồi dặn dò hỏi han. Người dân khẳng định ông Nghị “khám nhanh, khỏi nhanh”.
Khám nhanh không có nghĩa là qua loa mà do ông chẩn bệnh rất nhanh và cực kỳ chính xác. Chỉ cần hỏi ai đau, đau chỗ nào rồi nhìn sơ qua dáng vẻ là ông đã biết được cái chân bị bong gân mấy ngày, cái tay bị bó lệch từ bao giờ… Bệnh nhân không phải trình bày nhiều, cứ tròn mắt nghe ông bắt bệnh như “đi guốc từ trong bụng” ra. Nhiều người bong gân trật khớp mếu máo tìm đến ông, chưa kịp kể lể đầu đuôi xuôi ngược đã thấy ông nắn nhẹ một cái, dễ chịu liền, uống vài thang thuốc nữa là khỏi hẳn.
Ông Nghị chữa bệnh bằng cả tay và… chân. Ông cười: “Bàn tay hay ngón chân của tôi chỉ cần sờ vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể người bị nạn là tôi biết bị gì ngay. Nếu các xương bị trệch khi va đập, lủng củng chỗ nào là tôi có thể đặt chúng về về đúng nơi quy định”.
Nhiều người đau nhức lưng đều rất “nghiện” khoản dẫm lưng của ông. Người bệnh nằm trên giường, ông Nghị dùng các ngón chân rà rà kiểm tra tình hình xương khớp sau đó ông đứng hẳn lên dẫm vài dẫm lên lưng người bệnh. Từ chỗ đau không đứng được, người bệnh có thể chạy bộ về nhà như chưa biết đau là gì. Riêng về mẹo chữa các bệnh xương khớp như gãy xương, bong gân, trầy khớp, rạn xương, lệch vị trí đĩa đệm… thì ông Nghị được dân phong tặng là “kỳ tài”.
Lão nông Nguyễn Sỹ Nghị |
Tính giá thuốc theo “chuẩn” giá bó chè xanh
Người trong khu vực từ mấy chục năm nay cứ có vấn đề gì về xương khớp là được ông nắn tay nắn chân, dẫm lưng, bó buộc. Bệnh nào chữa được ông chữa ngay, bệnh nào cần phẫu thuật ông băng bó sơ cứu rồi giới thiệu chuyển viện.
Theo ông Nghị, đối với người già bị gãy chân tay nghiêm trọng phải chữa trị gần hai tháng, uống khoảng 40 thang thuốc mới lành. Đối với tuổi dưới 35 thì chỉ một tháng, uống 15 thang thuốc là khỏi hẳn. Các trường hợp bị nhẹ thì chỉ một tuần, uống từ 3 – 5 thang.
Mỗi tháng cũng có vài ba bệnh nhân bị cơ sở y tế nào đó bó bột lệch xương, chân đi khập khiễng, chân tay sưng vù vì xương khớp không trùng nhau, ông Nghị phải dùng thủ thuật gia truyền đập vỡ xương để nắn và bó bột lại. Những trường hợp “làm lại” này phải điều trị khoảng 3 tháng, uống đến 50 thang.
Thuốc ông Nghị trị bệnh xương khớp đã trở thành “thương hiệu” nức tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, nổi tiếng vì hai lẽ, vừa nhanh trị khỏi bệnh, lại vừa rẻ bất ngờ. Mỗi thang thuốc lá chỉ tính giá 5000 đồng, cách đây vài năm còn có 3000 đồng. Theo lời ông Nghị, thang thuốc gia truyền này đã lưu hành được tới 6 đời (tính cả đời con trai ông). Đời nào cũng giữ nguyên lời dạy của cụ tổ: “Thuốc chữa bệnh cứu người, giá thuốc lấy giá bó chè xanh làm chuẩn”. Một thang thuốc 5000 đồng, nay còn rẻ hơn giá một bó chè xanh tại chợ.
Mỗi thang thuốc chữa xương của ông Nghị có trên 30 loại lá rừng. Ông kể: “Lá bàng này, lá lốt này, gừng tươi này cùng một số loại lá mọc cạnh bờ bụi…”. Có đến mấy chục hộ gia đình trên địa bàn xã có thêm một phần thu nhập nhờ đi thu hái lá trong các vùng sâu để về nhập cho ông Nghị. Mỗi người trước lúc lên rừng hái thuốc được học một lớp tập huấn khoảng 5 phút do “thần y” đứng lớp. Thuốc được ông nhập theo gánh, theo bao, tùy theo đồ chứa người nông dân mang theo.
Ba gian nhà ngói hoàn toàn được trưng dụng vào việc chứa thuốc, mỗi ngày có hàng trăm người bệnh đến khám và lấy hàng nghìn thang, ước tính lên đến cả tạ thuốc lá khô. Ông Nghị thường dặn dò bà con chỉ hái phần lá và cành nhỏ đang thời kỳ bánh tẻ để cành non và lá non bung ra mạnh hơn. Một năm, mỗi cây như thế cắt được hai lứa, đủ dùng quanh năm.
Sáu đời “thần y”
Nhà ông Nghị được mệnh danh là “bệnh viện” của dân nghèo, cần là có, gõ là mở. Ngôi nhà nườm nượp người từ sáng đến đêm, người bệnh ra vào trò chuyện rôm rả. Không có không khí căng thẳng, bệnh nhân ở đây rất lạc quan vì tin tưởng hoàn toàn vào tài năng thần kỳ của “bác sỹ”. Mỗi người đến khám đều được hỏi han thân tình như người nhà, vừa chữa bệnh, vừa trò chuyện lại được ngắm cảnh vườn cây xanh lá, tiền thuốc thì “rẻ như bèo”, không gian vì thế nhẹ nhàng như đi an dưỡng.
Trung bình mỗi ngày ông Nghị khám chữa cho vài trăm người, liên tục từ 6h sáng đến 9h đêm, không tính các trường hợp đặc biệt nửa đêm khênh đến. Những dẫn chứng được người dân kể trong lúc đợi đến lượt chữa bệnh càng củng cố niềm tin vài tài chữa bệnh kỳ lạ của “thần y”. Mới đây có anh thợ xây bị ngã từ giàn giáo xuống không cả cựa quậy, nhóm thợ hoảng hồn cho anh này lên cáng khênh đến ông Nghị. Sau khi được dẫm vài dẫm, anh này ngồi phắt dậy mặt mũi tươi cười trong khi những người đi cùng còn chưa kịp ráo mồ hôi chỉ biết nghệt mặt ngạc nhiên.
Trực tiếp khám chữa bệnh cùng ông Nguyễn Sỹ Nghị còn có anh con trai cả Nguyễn Sỹ Luận (SN 1974). Tính đến đời anh Luận thì gia đình ông đã có sáu đời làm việc nắn xương buộc nẹp với lịch sử trên 200 năm.
Gia đình ông đời nào cũng có nhiều con trai nhưng mỗi đời chỉ truyền lại được cho duy nhất một người. Ông Nghị có bảy người con, bốn trai, 3 gái và anh con trai cả được ông lựa chọn truyền nghề. Anh Luận đã túc trực bên cha suốt mấy chục năm để học nghề và khám chữa bệnh cho mọi người.
Theo ông Nghị thì người con trai đã có thể đảm nhiệm tới 9 phần công việc, còn một phần nhỏ thì sẽ thành thạo hơn khi ngoài 40 tuổi. Bản thân ông ngày xưa cũng phải đến 42 tuổi mới nức tiếng xa gần. Và từ đời này sang đời khác, gia đình “thần y” chữa xương này đều một lòng tận tâm chữa bệnh cứu người, không cầu danh lợi.
Do thuốc của ông Nghị quá “nổi tiếng” nên xuất hiện rất nhiều cơ sở quảng cáo thuốc trên khắp các tỉnh thành. Lão nông khẳng định thuốc chữa xương gia truyền của nhà ông chỉ được bán duy nhất tại nhà, tất cả các nơi quảng cáo “thuốc ông Nghị” nhan nhản khắp nơi đều là đồ “giả cầy”. |
Tuyết Lan