Mắt đã mù vẫn… chữa trị
Sau sự việc, anh Đoàn Văn Nam (40 tuổi) và chị Huỳnh Thị Thảo (34 tuổi) là bố mẹ cháu bé có đơn tố cáo BV Mắt Huế tắc trách trong quá trình khám chữa bệnh.
Cha mẹ cháu bé nêu, cuối năm 2017, trường mầm non nơi cháu theo học tổ chức khám sức khỏe; tại đây cháu được chẩn đoán bị lé (hay còn gọi là lác), bác sĩ khuyên gia đình đưa cháu đến cơ sở y tế khám. Vì vậy, ngày 5/2/2018 họ đưa con đến BV Mắt Huế.
Tại đây, các bác sĩ khám rồi chẩn đoán bên trong mắt phải của cháu xuất hiện một lớp màng. Sau đó, bác sĩ Phan Thị Thanh Thanh giải thích cho người nhà bệnh nhân về triệu chứng này như sau: “Đây là lớp màng có nguy cơ dày lên rồi sẽ bị vôi hóa ảnh hưởng đến thị lực. Khuyên gia đình cho cháu mổ để lấy lớp màng này ra, rồi mắt sẽ sáng lên”.
Một tháng sau, cháu đi tái khám và được chẩn đoán mắt phải bị lé, nhược thị (đây là một thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng thị lực của một bên mắt giảm do hoạt động không ăn khớp với não - PV). Đến ngày 14/5, cháu được các bác sĩ BV Mắt Huế phối hợp cùng các y, bác sĩ Nhật Bản phẫu thuật. Tưởng rằng sau khi mổ, thị lực của cháu sẽ tốt lên. Thế nhưng, thời gian ngắn sau, mắt phải của cháu có dấu hiệu giảm thị lực, mờ dần.
Anh Nam bức xúc: “Gia đình hai bên nội ngoại không ai có bệnh gì về mắt. Con trai tôi trước đây mắt bình thường, cháu cũng vui đùa như những đứa trẻ khác. Khi nghe bác sĩ nói đi khám thì tôi đưa đi thôi. Bác sĩ bảo mổ rồi sẽ sáng mắt hơn, gia đình vui vẻ và không hề nghĩ có điều gì bất trắc xảy ra. Cháu mổ chừng hai tiếng, sau đó ăn uống bình thường, nằm theo dõi một tuần rồi được xuất viện”.
Sau ba tháng, mắt phải của cháu có dấu hiệu đỏ, cháu kêu có cảm giác đau rát, vì thế gia đình lại đưa cháu vào nhập viện, lần này các bác sĩ chẩn đoán bị “viêm màng bồ đào”. Cháu nằm ở đây điều trị tám ngày rồi xuất viện.
Từ đó, hàng tháng cháu liên tục được tái khám, bác sĩ kê thuốc về nhà uống. Chị Thảo bức xúc nói: “Ngày 10/1, con trai tôi nói đau mắt, không muốn rửa mặt, ngồi viết bài thì mắt nhìn một bên, con mắt phải bị teo lại, vì thế gia đình lại đưa cháu lên BV Mắt Huế để khám. Ở đây, bác sĩ Phan Thị Thanh Thanh vẫn chẩn đoán cháu bị “viêm màng bồ đào” rồi kê đơn thuốc để cháu về nhà điều trị. Họ không hề đề cập đến việc con trai tôi đã mù không chữa trị được nữa”.
Không còn tin tưởng BV Mắt Huế, hai ngày sau gia đình quyết định đưa cháu lên BV TW Huế để khám, các bác sĩ nơi đây cho rằng Hiếu đã bị mất thị lực hoàn toàn mắt phải.
Đến ngày 15/1, cháu lại được đưa lên BV Mắt Huế, bác sĩ ở đây tiếp tục kê đơn thuốc khiến gia đình càng bức xúc hơn. “Con trai tôi có lẽ đã mù từ mấy tháng rồi nhưng vì cháu còn nhỏ nên không tự nói ra được, còn bác sĩ nơi đây không hiểu sao lại vẫn cho điều trị, không hề cho gia đình tôi biết bệnh tình nặng như vậy”, mẹ cháu nói.
BV Mắt Huế nói gì?
Bé trai là con trai út trong gia đình 3 chị em (hai gái). Mẹ em mù chữ, hàng ngày đi buôn cá, còn bố chỉ học hết cấp một, làm thợ xây. Sau khi biết chuyện em bị mù mắt phải, hàng xóm, cô thầy đến nhà rất đông động viên nhưng bố mẹ của cháu vẫn bị sốc nặng, khóc cả ngày, không thể đi làm được.
Trả lời PLVN, một bác sĩ khám cho cháu ở BV TW Huế chia sẻ: “Khi tôi tiếp nhận bệnh nhân Đoàn Huỳnh Ngọc, ghi nhận mắt phải của em bị teo nhãn cầu, “viêm màng bồ đào”. Cháu đã bị ánh sáng âm như đã mù. Còn mù từ bao giờ thì tôi không biết, nhưng chắc cũng được cả tháng rồi. Tôi cũng đã khuyên gia đình, ra Tết đem em lên đây để phẫu thuật cắt bỏ con mắt đã bị mù thay mắt giả vào, nhằm tránh ảnh hưởng con mắt còn lại”.
Ths. BS Hồ Hoàng Phương Thảo (Trưởng khoa Nhãn Nhi BV Mắt Huế) cho biết, khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhưng trường hợp cháu bé này vì tái khám rất nhiều lần nên bác sĩ này nhớ. Lúc mới khám, cháu được xác định bị lé, thị lực kém, mắt mờ chỉ nhìn được vật gần dưới 1m, bệnh của cháu đã bị từ hai năm trước.
“Cháu có thể đã “viêm bồ đào” từ trước mới gây ra dịch kính đục, co kéo võng mạc nên thị lực giảm rồi mới bị lé. Khi phẫu thuật là giải quyết hậu quả của bệnh mà thôi. Tôi cùng BS Thanh đã từng nhiều lần nói với bố của cháu là bệnh cháu nặng nhưng “tránh” không nói đến từ mù. Bố cháu ít hỏi về bệnh của con nên giữa bác sĩ với người nhà bệnh nhân chưa hiểu rõ ý lẫn nhau. Từ trước đến nay, chúng tôi luôn sẵn sàng trả lời những thắc mắc của người nhà bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi”.
Còn việc mắt cháu đã mù, sao bệnh viện vẫn cho thuốc, tiếp tục điều trị, BS. Thảo cho rằng “phải dùng thuốc để cháu đỡ đau cũng như giữ con mắt còn lại”.
BS CK II Phạm Minh Trường (Giám đốc BV Mắt Huế) cho rằng: “Bệnh của cháu rất nặng, chúng tôi phải đợi chuyên gia hàng đầu thế giới về mắt sang mới gọi điện cho người nhà đem cháu tới mổ miễn phí. Hàng năm, chuyên gia người Nhật này qua BV Mắt Huế chỉ 3-4 lần.
Vì bệnh của cháu nặng nên khi phẫu thuật chỉ với tinh thần “còn nước còn tát”, không hi vọng nhiều. Hiện tại, cháu đã bị mù, tôi rất lấy làm tiếc, còn những việc khác có lẽ giữa bác sĩ với người nhà bệnh nhân chưa hiểu rõ ý lẫn nhau mà thôi. Một ngày gần đây giữa tôi và người nhà sẽ có cuộc trao đổi thẳn thắng với nhau”.
Ông Trường cho biết thêm, “viêm màng bồ đào” thường người lớn mới bị, điều trị nhẹ nhàng nhưng với trẻ con thì rất nguy hiểm. Bệnh này thường chỉ bị một mắt nhưng nếu mắt còn lại có dấu hiệu lạ hãy lên ngay bệnh viện để theo dõi.
Không đồng ý với cách giải thích trên, cha mẹ cháu nói: “Nếu không đưa cháu lên BV TW Huế để kiểm tra thì không biết họ sẽ tiếp tục “điều trị” đến khi nào? Tại sao trước khi phẫu thuật bác sĩ không nói cháu bị bệnh “viêm màng bồ đào” mà chỉ chẩn đoán là lé và có lớp màng bên trong mắt, sau phẫu thuật một thời gian lại nói bị “viêm màng bồ đào”. Mong các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu sự việc”.
PLVN sẽ tiếp tục tìm hiểu làm rõ sự việc.
(Tên cháu bé trong bài đã được thay đổi)