Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bình Thuận được đưa vào sử dụng năm 2005, được trang bị nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại để tăng cường cho các khoa… nhất là khi bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Quang lên giữ chức Giám đốc từ năm 2007 cho đến nay.
Mục đích trang bị máy móc công nghệ hiện đại cho Bệnh viện là giúp cho đội ngũ y, bác sĩ nâng cao chất lượng chuyên môn của mình, phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không ít máy móc được trang bị hàng tỷ đồng, nhưng chỉ để “làm đẹp đội hình” còn thực tế thì “ hữu danh vô thực”.
Máy hiện đại… có cũng như không
Năm 2009, xét thấy Bình Thuận là một trong những tỉnh, thành phố có số lượng bệnh nhân ngày càng tăng và có số lượng BS chuyên khoa hô hấp được đào tạo, cho nên Hội hô hấp TP HCM đã trao tặng cho BVĐK Bình Thuận máy hô hấp ký để quản lý bệnh hen và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) nhằm hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Nhưng sau 3 năm đưa máy về, không tổ chức khám hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại khu khám Đa khoa như đã thỏa thuận, do đó PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội hô hấp TP HCM - đã có công văn số 033, ngày 8/10/2012, gửi Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc Sở Y tế và Ban Giám đốc BVĐK Bình Thuận nhắc nhở nếu không tổ chức thực hiện sẽ thu hồi máy để trang bị cho tỉnh khác.
Còn có nhiều loại máy móc ở BVĐK tỉnh đang bị bỏ phí. Máy chụp toàn cảnh răng và máy chụp nhũ ảnh (phục vụ khám các bệnh về vú), được nhận qua nguồn viện trợ từ năm 2004. Suốt gần chục năm, máy chụp toàn cảnh răng chỉ sử dụng cho hơn 60 ca, đến nay đã trở thành phế liệu và gần đây đã đem bán “ve chai” giá 5,5 triệu đồng, tương đương một chiếc TV loại thường.
Vào BVĐK tỉnh, người am hiểu chuyên môn phải “nể” trước giàn máy móc hiện đại và đắt tiền như: Kính vi phẫu thuật và máy sinh học phân tử, mua năm 2010; máy X-quang C.ARM, mua năm 2012. Một bệnh viện tỉnh nhưng đầu tư thiết bị “khủng” như vậy quả là "xài sang".
Cũng chỉ để “trưng bày”, chỉ riêng máy X quang C.ARM đã mua hơn 3 tỷ đồng nhưng không có người được đào tạo chuyên môn sử dụng cho nên máy bị “thất nghiệp” dài dài. Máy sinh học phân tử trong suốt quý I năm 2013 chỉ làm duy nhất được một ca.
Đáng lo ngại cho “số phận” máy X- quang C.ARM, do không chuẩn bị phòng đặt đúng quy cách đã mua máy, nên người điều khiển đã bị nhiễm phóng xạ, đồng thời đưa máy vào sử dụng trong nhiều tháng, nhưng không khai báo với Sở KH-CN, do vậy tháng 10/2012, bị Chánh Thanh tra Sở KH-CN xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng. Từ đó đến nay, chiếc máy hàng tỷ bạc chỉ phục vụ cho 6 ca mổ đành phải đứng yên.
Chiếc máy đã qua sử dụng, nếu kéo dài thời gian ngưng hoạt động thì hậu quả của nó sẽ ra sao là điều có thể biết trước… Người có trách nhiệm ở BVĐK dù có thể biện luận bằng nhiều nguyên cớ, nhưng thực trạng nhiều loại máy đang bị “treo” là điều có thật, trong khi chiếc xe chuyên dụng có máy hỗ trợ thở phục vụ cho cấp cứu thì không được trang bị, để khi có bệnh nhân chuyển tuyến trên phải thuê xe từ TP HCM ra Phan Thiết chở vào TP HCM, thêm tốn kém không ít cho người bệnh và có khi chậm trễ, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, vụ việc này cũng đã từng xảy ra như Báo PLVN từng phản ảnh về cái chết bất thường của một sản phụ… cách nay không lâu.
Người phải lên tiếng
BS Chuyên Khoa 1- Nguyễn Văn Tường, công tác tại Khoa Tai – Mũi - Họng (TMH) trăn trở: “Không biết chất lượng khám, chữa bệnh ở BVĐK bao giờ sẽ được nâng lên khi những năm gần đây có hàng chục BS đã ra đi, và không ít máy móc trang bị kém hiệu quả, đồng thời chưa lúc nào ở BVĐK tỉnh có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo như hiện nay”.
BS Nguyễn Văn Tường là người kiên trì gần suốt năm qua gửi đơn tới các cơ quan chức năng của tỉnh phản ánh việc mua sắm máy móc kém chất lượng ở BVĐK gây lãng phí lớn tiền của nhà nước, ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh. Cụ thể, máy nội soi, hiệu Medicon cùng với bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi mũi, xoang được mua cuối năm 2007, nhưng đầu năm 2008 khi Khoa Tai - Mũi - Họng (TMH) đưa vào sử dụng đã thể hiện điều không bình thường về chất lượng như: hình ảnh mờ, không trung thực nên không thể tiến hành các ca phẩu thuật.
Theo đơn thư phản ánh của BS Nguyễn Văn Tường, từ năm 2008 đến nay, Thanh tra Sở Y tế và Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã 3 lần vào cuộc. Trong một lần Đoàn Thanh tra họp với toàn thể cán bộ và nhân viên Khoa TMH thì ông Nguyễn Hữu Quang – Giám đốc Bệnh viện - chỉ đạo cho BS Võ Thanh Hà - Phó Trưởng Khoa, phụ trách Khoa TMH - sắp xếp cho BS Tường khám bệnh để không dự họp; khi cuộc họp diễn ra vẫn có mặt của BS Tường nhưng đã bị mời ra.
Điều bất thường nữa là trong lúc đang tiến hành thanh tra về chất lượng máy Medicon vào tháng 9/2012, lẽ ra phải giữ nguyên hiện trạng máy để đảm bảo tính khách quan cho việc đánh giá thì Giám đốc Nguyễn Hữu Quang đã “phản ứng nhanh”, cho tiến hành sửa máy vào thời điểm nhạy cảm này. Hậu quả này phải chăng do nguyên nhân từ “việc đề xuất mua máy chỉ một cá nhân tham khảo; việc khảo sát máy móc, thiết bị chưa có kỹ thuật chuyên môn nên đánh giá cấu hình máy không thỏa mãn được nhu cầu sử dụng”.
Cũng chính vì vậy nên “từ khi mua về (tháng 10/2007) cho đến thời điểm thanh tra (tháng 9/2012) máy Medicon chưa thực hiện được ca mổ nào cho bệnh nhân…Tổng thể về hiệu quả của máy chưa đạt yêu cầu đối với chức năng được BVĐK đặt ra”. Đó là một phần kết luận được nêu tại văn bản số 93/UBND-NCPC ngày 08/1/2013, của UBND tỉnh trả lời đơn của ông Nguyễn Văn Tường. Và hiện nay, máy Medicon được sắm hơn nửa tỷ đồng vẫn trong tình trạng “án binh bất động”.
Duy Ngọc