Không phải hiện tượng hiếm gặp
Những ngày qua, Việt Nam không ghi nhận những ca nhiễm mới trong cộng đồng. Người dân hiện nay đang hồi hộp, mong chờ không ghi nhận thêm ca mắc mới để có thể trở lại cuộc sống thường ngày sau thời gian giãn cách xã hội. Việc một số bệnh nhân dương tính trở lại sau khi công bố khỏi bệnh lại trở thành tâm điểm khiến nhiều người lo lắng.
Trước đó, chiều tối 18/4, UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội có công văn báo cáo về trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 (bệnh nhân 188, nữ, 44 tuổi, nhân viên Công ty Trường Sinh), sau 3 ngày điều trị khỏi trở về địa phương đã có triệu chứng ho, tức ngực… và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân 188 là nhân viên Công ty Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống tại Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 29/3 bà được ghi nhận dương tính, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Bà xét nghiệm âm tính lần hai ngày 14/4, hai ngày sau xuất viện về nhà tự cách ly. Ngày 17/4 bà bắt đầu có triệu chứng bệnh trở lại.
Ngày 18/4 xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để tiếp tục theo dõi. Hiện nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, có triệu chứng ho khan nhẹ.
Được biết, đây không phải trường hợp đầu tiên ở nước ta ghi nhận tình trạng tái dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó các ca bệnh 22 và 50 cũng diễn ra tình trạng trên. Cụ thể, trường hợp bệnh nhân thứ 22, 60 tuổi, mang quốc tịch Anh, được xác định mắc Covid-19 vào ngày 8/3. Người này là hành khách trên chuyến bay VN0054 từ London tới Nội Bài, cùng với trường hợp đầu tiên của giai đoạn 2 là bệnh nhân thứ 17.
Bệnh nhân thứ 22 được điều trị tại Đà Nẵng và đến ngày 27/3 được công bố khỏi bệnh sau 3 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân sau đó được tiếp tục cách ly trong một khách sạn tại Đà Nẵng. Đến ngày 10/4, người này bay từ Đà Nẵng vào TP HCM để chuẩn bị xuất cảnh về nước.
Qua lấy mẫu test nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất, phát hiện dương tính và tiếp tục chuyển thêm mẫu tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để làm xét nghiệm. Đến tối 12/4, kết quả khẳng định người này vẫn còn virus SARS-CoV-2 trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân đã xuất cảnh trở về Anh trước khi nhận kết quả chính thức.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết một bệnh nhân nữ thứ 50 (24 tuổi địa chỉ tại TP Hạ Long) có diễn biến phức tạp, khó lường. Bệnh nhân thứ 50 xét nghiệm phát hiện dương tính ngày 13/3, 18/3 và 23/3; đã có 2 lần xét nghiệm âm tính vào ngày 26 và 28/3 nhưng dương tính trở lại vào các ngày 30/3, 2/4 và 5/4. Sau thời gian cách ly, theo dõi điều trị tại bệnh viện thì bệnh nhân có sức khỏe ổn định. Tuy nhiên sau 2 lần âm tính thì bệnh nhân lại phát hiện dương tính.
Ở các nước trên thế giới, tình trạng dương tính trở lại sau khi công bố khỏi bệnh cũng xuất hiện khá phổ biến. Đến ngày 19/4, Hàn Quốc có 179 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi đã khỏi bệnh Covid-19.
Hiện tại vẫn chưa rõ lý do tại sao bệnh nhân có thể có kết quả xét nghiệm dương tính lại với virus SARS-CoV-2. Hầu hết các chuyên gia cho rằng ít có khả năng bệnh nhân bị tái nhiễm ngay sau khi hồi phục. Họ nghiêng về giả thiết, có thể có các vấn đề với bộ kit xét nghiệm - hoặc do sự thay đổi lượng RNA virus trong cơ thể, căn cứ cho ra kết quả xét nghiệm - có thể giải thích tại sao người bệnh dương tính trở lại sau khi đã có kết quả âm tính.
Một thông tin đáng lưu ý đó là trong số tất cả các trường hợp dương tính trở lại, bệnh nhân ở độ tuổi 20 chiếm số lượng cao nhất, với 41 trường hợp (22,9%), tiếp theo là bệnh nhân ở độ tuổi 50, với 32 trường hợp (17,9%) theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc.
Hầu hết các trường hợp trên đều cho kết quả dương tính lại sau khoảng thời gian trung bình 13 ngày tính từ khi ra khỏi khu vực cách ly Covid-19. Tương tự, báo chí Trung Quốc cho hay, cứ 10 bệnh nhân ở Vũ Hán được xác định khỏi bệnh và xuất viện thì có 3 người dương tính trở lại.
Những giả thiết khiến bệnh nhân tái nhiễm
Trước thông tin bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh, nhiều người dân tỏ ra lo lắng, thắc mắc, vì theo họ, nếu như những người nhiễm bệnh họ không thực sự sạch virus mà đã được ra viện, trở về nhà sinh sống thì rất nguy hiểm, nhiều khả năng lây nhiễm cho người khác.
Được biết, hiện trên thế giới có hai cách giải thích về khả năng dương tính trở lại của bệnh nhân Covid-19. Thứ nhất, là bệnh nhân có thể tái nhiễm do virus vẫn còn trong cơ thể, kháng thể đã sản sinh nhưng chưa đủ nhiều. Do đó, virus tồn dư có khả năng tiếp tục phát triển mà không bị tiêu diệt. Cách lý giải thứ hai là bệnh nhân bị tái nhiễm lại từ cộng đồng. Tuy nhiên, khả năng này khá thấp.
Theo các chuyên gia y tế, việc âm tính hay dương tính còn phụ thuộc vào lúc lấy mẫu xét nghiệm, xem lúc lấy mẫu có bị can thiệp gì không như có súc họng hay không, súc bằng các dung dịch kháng khuẩn hay không thì việc lấy mẫu sẽ không đạt chuẩn 100%.
Đến thời điểm này, tại Việt Nam cũng như ở các nước chưa có thông tin gì về việc có cần phải thay đổi phác đồ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 hay không, nếu như có nhiều bệnh nhân dương tính trở lại. Tuy nhiên, dù có dương tính trở lại hay không thì tất cả các trường hợp cũng không thay đổi phương pháp phòng ngừa tối ưu hiện nay là tránh tập trung, hạn chế tiếp xúc, mang khẩu trang và màng che giọt bắn. Các địa phương cần có thời gian quản lý các trường hợp sau khi điều trị cần cách ly thêm 14 ngày.
Những người đã từng mắc Covid-19 cũng cần biết rằng mình vẫn có nguy cơ nên cần chủ động bảo vệ người xung quanh, đặc biệt là trong gia đình; tiếp tục đeo khẩu trang trong thời gian dài nhất có thể, vệ sinh cá nhân thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người lớn tuổi và người có nguy cơ cao.
Ở góc độ chuyên môn, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, ca bệnh 188 có thể không phải tái nhiễm, tuy nhiên không loại trừ bệnh nhân có kết quả âm tính giả do thời điểm lấy mẫu virus yếu. Với những trường hợp như trên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác cũng không cao.
Còn theo TS. Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì những bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe. Bởi vẫn có những trường hợp có triệu chứng ho hoặc sốt, những trường hợp này sẽ được làm xét nghiệm lại. Tuy nhiên, việc vẫn còn những trường hợp đã âm tính 2 - 3 lần nhưng sau đó lại dương tính.
Thông tin y học cho thấy, thụ thể yêu thích của SARS-CoV-2 là ở phổi chứ không nhiều ở trên vùng hầu họng. Do đó, khi có triệu chứng là virus đã tấn công xuống đến phổi. Khi đã điều trị 6 - 7 ngày đến hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được virus.
Đến khi 2 lần âm tính (sau khi hết triệu chứng và thêm 6 ngày chờ lấy mẫu) khả năng xét nghiệm âm tính là chính nhưng không loại trừ các trường hợp có tổn thương ở phổi, các tế bào nhiễm virus vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus. Mặc dù không gây bệnh nhưng virus vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi, lúc này việc xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính.