Cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa rồi, cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có số ca bệnh tay chân miệng gia tăng.
Chỉ tính riêng tuần vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận 65 ca mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị, đưa tổng số ca bệnh ở đây lên gần 540 trường hợp từ đầu năm 2016 đến nay.
Còn ở Hà Nội, tính đến ngày 13/3, toàn thành phố ghi nhận 176 trường hợp bị tay chân miệng. Tháng 1 có 52 ca, tháng 2 ghi nhận 47 ca, tháng 3 số ca bệnh tăng cao với 73 ca, trong đó có 2 ca dương tính với virus EV71.
Điều may mắn là mặc dù số ca bệnh gia tăng, nhưng không có bệnh nhân nào tử vong.
Để chủ động phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trạm y tế các quận, huyện, thị xã phát hiện sớm ca bệnh, khống chế không để dịch lây lan; phối hợp với phòng giáo dục tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.
Sở Y tế cũng khuyến cáo phụ huynh khi có trẻ mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly kịp thời. Các trường học cũng được hướng dẫn cách phòng bệnh như vệ sinh lớp (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi...) bằng xà phòng hoặc chloramin B...
Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Có nhiều tuýp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau. Trong đó, EV71 là một chủng virus gây bệnh tay chân miệng nguy hiểm vì dễ biến chứng nặng. Thông thường, nếu biết chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày.
Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, không cần uống thuốc kháng sinh. Nếu trẻ sốt cao thì hạ sốt bằng paracetamol, cho ăn nhiều bữa, ăn lỏng, uống nhiều nước, Các nốt ở ngoài chân tay thì không cần thiết bôi thuốc, chỉ rửa bằng sạch xà phòng là vài ngày tự biến mất.
Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho bé có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với trẻ khác./.