Trong nỗ lực thoát khỏi giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đã chứng tỏ họ có sức đề kháng rất mạnh để vượt qua và phát triển mạnh mẽ. Sức mạnh kinh tế đang có dấu hiệu dịch chuyển từ Tây sang Đông.
Giá công nhân rẻ đã giúp Trung Quốc không chịu cảnh thất nghiệp, thậm chí là có rất nhiều việc làm. |
Mỹ là nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, có lượng xe hơi nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Khái niệm đó đã tồn tại từ rất lâu rồi nhưng nay đang đứng trước nguy cơ bị phá bỏ. Đối trọng có khả năng phá bỏ khái niệm đó không ai khác là Trung Quốc. Tờ New York Times của Mỹ cho biết, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ để trở thành thị trường ô-tô lớn nhất thế giới. Trung Quốc chỉ mới dừng lại ở mức độ số lượng (bán được 14 triệu chiếc các loại) nhưng vẫn chưa thể vượt qua về chất lượng, tức là tổng số doanh thu của thị trường ô-tô.
Trung Quốc cũng đã vượt qua Đức để trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hóa công nghiệp lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người đạt tới cột mốc 4 nghìn USD khi kết thúc năm 2009, tăng 10% so với năm ngoái. Từ những số liệu thống kê đó, Ngân hàng Thế giới nhận định chỉ cần một thời gian ngắn nữa thôi, Trung Quốc sẽ soán lên vị trí nền kinh tế mạnh thứ nhì thế giới của Nhật Bản..
Trung Quốc vẫn phát triển bất chấp những dự báo buồn bã của các nhà kinh tế về nền kinh tế toàn cầu. Gói kích thích kinh tế của chính quyền Bắc Kinh lên tới 400 tỷ euro được đánh giá là kịp thời và đủ lớn để tạo ra sự lạc quan cho giới kinh doanh và cả người tiêu dùng. Ngay trong thời kỳ cả thế giới khủng hoảng, Trung Quốc vẫn bình thản nâng cấp hệ thống giao thông cho cả đường bộ, đường sắt và hàng không; đồng thời, hạ thuế suất để kích thích người dân mua sắm ô-tô. Các “ông lớn” xuất khẩu đã táo bạo “đánh” hàng sang châu Âu và Mỹ đúng vào thời điểm khó khăn nhất. Chính sự táo bạo đó đã đưa đến thành công và giúp Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu sang hai thị trường lớn này.
Người Trung Quốc mua ô-tô nhờ Chính phủ giảm thuế. |
Về mặt lý thuyết, sự phát triển mạnh mẽ và là mạnh nhất thế giới của Trung Quốc đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho tất cả mọi người bởi có thể tạo ra việc làm và công việc ở bất cứ nơi đâu. Scott Kennedy, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại trường Đại học Indiana cho biết: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng là điều không có gì phải bàn cãi.
Sự lớn mạnh đó sẽ thúc đẩy các nền kinh tế khác, trong đó có Mỹ hoạt động hiệu quả hơn nữa”. Ông đưa ra ví dụ là thiết bị nghe nhạc iPod mở công ty sản xuất ở Thượng Hải đã đưa giá thành sản phẩm khi trở lại Mỹ thấp hơn nhờ giá nhân công rẻ ở Trung Quốc. Chính nhờ giá nhân công rẻ, nên dù các nước châu Âu và Mỹ có lúc đã chạm tới mức 10% thất nghiệp, nhưng Trung Quốc vẫn có đầy đủ việc làm.
Mặc dù Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu nhưng đất nước đông dân nhất thế giới này cũng đứng trước không ít những thử thách chông gai. Liệu sự phát triển đó có bền vững hay không, có hòa hợp với thế giới bên ngoài hay không bởi nỗ lực phát triển một nền kinh tế không đơn giản như việc xây một… ngôi nhà.
Các nhà kinh tế Trung Quốc và phương Tây có nhận định tương đối giống nhau là trong năm 2010, vấn đề gai góc để xác định mức độ phát triển đó có bền vững hay không là đối diện với tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ với các đồng tiền USD và Euro. Hình ảnh có tính phô trương như quá nhiều nhà máy thép, quá nhiều cao ốc văn phòng liệu có bền vững không bởi nó đã đẩy giá nhà tăng lên gấp đôi…
ANH THƯ