“Tây” cũng phải trầm trồ
Vòng chung kết, có rất nhiều người nước ngoài đến xem vòng chung kết, trong đó nhóm phóng viên đến từ đài truyền hình của Hung-ga-ri rất “tranh thủ” quay những thước phim hay về toàn cảnh lễ hội, người xem và đặc biệt là các trận đấu hấp dẫn. Các bạn trầm trồ thích thú và rất ngạc nhiên về lễ hội độc đáo này. Đây là nhóm phóng viên về tác nghiệp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và được giới thiệu về dự Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2010.
Bán cả… lịch thi đấu
Rất nhiều người dân Đồ Sơn “nhạy” với các dịch vụ của lễ hội, từ mũ che nắng, quạt, nước giải khát đến gia vị phục vụ những người mua thịt trâu chọi như khế, rau muống Đồ Sơn… Nhưng “nhạy” nhất có lẽ thuộc về những người bán … lịch thi đấu. Với giá 2000 đồng/chiếc, hàng trăm tờ lịch thi đấu được bán cho người xem để tiện theo dõi, thậm chí tiện cho cả việc “cá độ” trên sân. Có lẽ đây cũng là nét mới của Lễ hội chọi trâu năm 2010./.
Tóm nhiều “phe” vé
Mặc dù triển khai lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Quân sự quận nhưng các “phe” vé vẫn lén lút hoạt động. Lượng vé và giấy mời giả không ít. Chiều hôm trước lễ hội, dân “phe” tranh thủ làm ăn và bán với giá “cắt cổ” từ 500 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/ cặp. Tuy nhiên, Công an quận Đồ Sơn cũng kịp thời “tóm” 3 đối tượng từ tỉnh khác đến “phe”, thu hồi gần 100 vé và giấy mời giả, kịp thời xử lý góp phần hạn chế tối đa dân “phe” hoạt động bên ngoài lễ hội.
3 trận có trâu “gục” trên sân
Đó là 31 của ông Nguyễn Ngọc Chưng trong trận tứ kết gặp trâu số 20 của ông Lê Đình Cò; trâu số 21 của ông Đinh Đình Ngọc trong trận bán kết gặp trâu số 05 của ông Nguyễn Văn Trọng; trâu số 20 của ông Lê Đình Cò trong trận chung kết gặp trâu số 05 của ông Nguyễn Văn Trọng. Người xem ví trâu số 05 vô địch lễ hội là “sát thủ” khi hạ “nốc ao” hai đối thủ ở vòng bán kết và chung kết.
Đây là lễ hội có nhiều trâu “gục” nhất từ trước đến nay, thể hiện sự kích thích và trình độ luyện trâu chọi ngày càng cao.