Chiếc xe 81, tay ga đã được đổi sang trái. Người cầm lái là thương binh Lê Văn Trung, phía sau chất hàng tạ thức ăn gia súc, một mình ngược phố lên vùng rừng núi Khương Mỹ, Hòa Phong-Hòa Vang, nơi anh đang theo đuổi mô hình phát triển kinh tế VAC từ mấy năm nay.
Một tay gây dựng VAC
Với chiếc xe máy đã đổi tay ga, anh Trung vẫn ngược xuôi chở thức ăn cho gia súc. |
Bám theo anh một cách vất vả trên con đường ngoằn ngoèo lên đèo xuống dốc, tôi, một người lành lặn, lại bị bỏ rơi một quãng khá xa.
Ở chiến trường, Lê Văn Trung còn có biệt danh là “Trung khỏe”, bởi anh đã từng cõng hàng trăm lít nước vượt cổng trời trên dãy Đăng Rếch một cách nhẹ nhàng trong mùa chiến dịch. Quê anh ở Phù Cát-Bình Định, sinh năm 1957, nhập ngũ năm 1977 thuộc Tiểu đoàn Thông tin, Sư đoàn 307. Những năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, anh từng tham gia nhiều chiến dịch như đồi 547, Ngã ba Biên giới đến chốt giữ ở đền Prết Vi-hia. Năm 1987, anh bị thương ở cánh tay phải, do hoàn cảnh chiến trường, vết thương bị hoại tử. Khi về nước đành phải cắt bỏ cánh tay ở Bệnh viện Quân y 17, và cũng tại đây anh đã nên duyên cùng cô y tá Nguyễn Thị An, quê ở Tiền Hải-Thái Bình. Mảnh đất phía sau Bệnh viện Quân y 17 mà vợ chồng anh được cấp, hồi đó còn hoang hóa, từng là nơi anh tăng gia sản xuất để trang trải cuộc sống. Hôm nay, nơi đó đã có con đường mới mang tên Thi Sách chạy qua. Đất hẹp người đông. Năm 2007, anh quyết định lên rừng mua 40ha đất bên cạnh hồ Hốc Khế ở thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, Hòa Vang để gây dựng trang trại.
Ngược xuôi như cơm bữa, chở cả hàng thùng thức ăn thừa do vợ dồn góp ở dưới phố để đưa lên trang trại chăn nuôi. Mới vài năm, nhìn cơ ngơi của người thương binh, ai cũng thầm thán phục. Vừa nuôi heo, vừa vịt, gà, ngan, ngỗng, ếch giống, trăn, và đầu tư vào ao cá. Góc trang trại tràn đầy sức sống.
Hồ Hốc Khế mùa này khô cạn, ao cá của anh Trung cũng chỉ còn xâm xấp chừng nửa mét nước. Bầy cá diêu hồng tụ kín mép hồ để tránh nóng. Chỉ buông câu vài phút, đã có mấy ký cá vừa trắm vừa trê to bằng cẳng tay. “Cá ở đây nhờ nguồn nước ở hồ Hốc Khế mà thịt vừa thơm ngọt lại mềm”. Anh Trung quảng cáo như thế rồi xắn tay chiên cá, nấu cháo và đãi khách bằng chai rượu tự nấu.
Ở lại với anh một đêm, mới biết anh còn nhiều điều trăn trở. Những dự định như bạt đồi trồng rau sạch, dựng trại nuôi gà công nghiệp, mọi việc được chuẩn bị nhưng anh chưa dễ thực hiện. Nhân lực quá yếu vì chỉ có mình anh và một người bạn giúp việc quê ở Duy Xuyên - Quảng Nam, việc lấy ngắn nuôi dài cũng khá phiêu lưu vì nếu nắng nóng cứ kéo dài, ao hồ khô cạn thì việc nuôi cá cũng khó thành công. Tuổi ngày một cao, sức khỏe giảm sút, con cái đang tuổi đi học, ai có thể thay anh thực hiện những dự định mà anh ấp ủ?
Một ngày mới bắt đầu, nhìn dáng anh liêu xiêu, thập thũng giữa vùng đồi đá sỏi, dưới nắng trưa gay gắt, với bao toan tính cho khối lượng công việc của ngày mai, chợt nhận ra ở anh tiềm ẩn một nghị lực phi thường của người lính trở về sau chiến trận.
Người bạn già tình nghĩa
Một trong những người bạn thường lui tới trang trại của anh, gắn bó, chia sẻ cùng anh những vui buồn suốt mấy năm nay là ông Phan Văn Đông, 73 tuổi, con của một gia đình có công với cách mạng ở thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong.
Lứa heo sắp xuất chuồng trong trang trại của anh Lê Văn Trung. |
Cha của ông Đông là cụ Phan Văn Ngô, tham gia kháng chiến chống Pháp đã mất vì già yếu. Mẹ ông là Bà mẹ VNAH Lê Thị Xử, từng đào hầm nuôi giấu cán bộ trong những năm chống Mỹ; chị và em gái là những cựu tù Côn Đảo và khám Chí Hòa. Ba anh trai là liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ Mậu Thân 1968. Ông Đông từng công tác ở bộ phận hành chính quản trị ở Trường Nguyễn Ái Quốc 4 từ năm 1975 đến năm 1981, sau đó ông chuyển qua Công ty Du lịch tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Năm 1993 ông xin nghỉ việc để về quê chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già, sau khi mẹ mất, ông ở lại quê chăm sóc ngôi nhà và hương khói cho Bà mẹ VNAH và các liệt sĩ bằng đồng tiền mà con cái dành dụm gửi về.
Mảnh vườn có căn hầm bí mật khi xưa giờ cỏ mọc dầy. Căn nhà treo dày những tấm bằng công trạng sẽ trở thành hoang phế nếu không có bàn tay ông Đông chăm sóc. Ông đã dành tất cả công sức tuổi già và tình cảm thiêng liêng của mình cho những người đã khuất, những người có công với nước, với dân mà nhiều thế hệ trong gia đình ông đã góp một phần xương máu cho nền độc lập, tự do hôm nay. Sớm hôm trong căn nhà thờ, anh Trung là người bạn tình nghĩa, thường xuyên gần gũi ông trong mỗi chuyện buồn vui.
Những câu chuyện bên hồ Hốc Khế về việc làm kinh tế của anh thương binh Lê Văn Trung và hình ảnh người bạn già Phan Văn Đông thật bình dị. Trong cuộc sống sôi động của ngày hôm nay, luôn có những con người lặng lẽ ẩn mình nơi đồng sâu, xóm vắng. Họ như một biểu hiện của sự chiến thắng thương tật, vượt qua nỗi đau, lao động quên mình và biết san sẻ với nhau bằng mối thâm tình chân thật. Ở họ luôn có niềm tin và hy vọng.
LÊ GIA THỤY