Sau hơn chục năm rũ bỏ giọt máu rơi, nay người cha trở về nhận con gái. Muốn bù đắp cho con tất cả nhưng lại bị con khước từ, anh đau đớn, bẽ bàng. Anh biết, mình phải kiên trì đợi thêm một thời gian nữa để con gái nhận ra anh là người yêu thương nó hơn tất cả, bởi lẽ chỉ những gì xuất phát từ trái tim mới đến được với trái tim!
Năm 2008, tôi gặp mẹ con chị Hà Thị Ngọc Lan (SN 1972, quê Hà Giang) trong một vụ án “Xác định cha cho con” của TAND TP.Hà Nội. Đằng sau vụ án này là câu chuyện tình sinh viên với những hệ lụy đau lòng. Đang học năm cuối trường sư phạm, Lan bị anh Tấn (người tình cũ, cũng là nguyên đơn trong vụ án) bỏ rơi vì cái bụng bầu. Đây là điểm khởi nguồn cho chuỗi bi kịch của cuộc đời cô nữ sinh vốn là hoa khôi phố núi.
Chỉ những gì xuất phát từ trái tim mới đến được với trái tim |
Một mình giữa chốn thị thành, Lan phải làm đủ thứ nghề để kiếm đồng tiền trong sạch nuôi sống bản thân và con gái Thiên Hương. Trên đường mưu sinh vất vả, chị chấp nhận lấy anh Đức - một nhân viên bảo vệ trường mẫu giáo, góa vợ và tốt bụng, người đã cưu mang, yêu thương bé Thiên Hương như con đẻ.
Nhờ anh Đức, Lan xin được chân cấp dưỡng trong trường mẫu giáo. Khi bé Thiên Hương 6 tuổi, chị sinh cho chồng một cặp sinh đôi một gái một trai. Cuộc sống đạm bạc nhưng ấm áp bên anh Đức và đàn con khiến Lan những tưởng hoàn toàn quên đi người đàn ông tên Tấn và quá khứ đau buồn. Không ngờ, năm con gái Thiên Hương 10 tuổi thì anh Tấn tìm đến nhận con...
Tại Tòa, lúc đầu chị Lan không chấp nhận cho anh Tấn được nhận bé Thiên Hương. Bà Thẩm phán kiên trì giải thích: “Con chị có quyền có cha như mọi đứa trẻ. Những chuyện cay đắng đã qua, thôi chị hãy bỏ qua tất cả vì con; nếu vẫn chưa nguôi mối hận thì hãy nghĩ đến chút nghĩa cũ mà tha thứ”. Người phụ nữ dấm dứt khóc...
Có những nỗi đau không nói được bằng lời! Đành rằng đau đớn tủi nhục chị phải ngậm đắng nuốt cay một mình, nhưng ngay cả niềm hạnh phúc thấy con khôn lớn từng ngày, chị cũng không biết san sẻ với ai! Có mặt tại phiên tòa hôm ấy, anh Đức cũng thuyết phục vợ: “Mình hãy vì con mà bỏ qua tất cả. Thiên Hương là con gái, việc truy nhận cha vô cùng quan trọng vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như hạnh phúc tương lai của con sau này”.
Hôm đó, tôi nói với chị rằng mọi việc đã qua, gây khó dễ, căng thẳng cho nhau rốt cục chỉ con mình chịu khổ. Và xét cho cùng, pháp luật bảo vệ quyền làm cha, quyền được nhận cha đối với đứa trẻ, chị ngăn cấm thì cũng đâu có được? Người đàn bà nhìn tôi, cay đắng: “Sao tôi lại không hiểu điều ấy hả cô? Nếu nói không căm hận con người ấy nghĩa là tôi đã lừa dối hoặc tôi vô cảm. Biết bao nhiêu vất vả đắng cay, tôi mới nuôi được con tôi khôn lớn, giờ để người ta cướp trắng sao?”.
Bẵng đi 2 năm, hôm nay tôi lại gặp vợ chồng chị Lan trong phiên tòa “Xin thay đổi người nuôi con” cũng lại do anh Tấn đứng nguyên đơn. Mới hơn 700 ngày có lẻ mà nom các vị phụ huynh đã tiều tụy hơn nhiều so với trước, chỉ riêng cô bé Thiên Hương thì phổng phao hoạt bát, ra dáng một thiếu nữ lắm rồi.
Chị Lan buồn rầu kể, 2 năm qua, gia đình chị gặp biết bao sự cố rủi ro. Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến anh Đức thành tàn phế, kinh tế gia đình chị suy sụp nặng nề. Đúng thời điểm này, anh Tấn đến đặt vấn đề xin được đón bé Thiên Hương về nuôi vì xót con gái phải chịu cơ cực đói nghèo. Vợ chồng chị không đồng tình với thái độ của anh ta nhưng cũng không phản đối mà để con gái tự quyết định.
Bé Thiên Hương thẳng thừng từ chối, nói rằng dù có chết đói con cũng ở với mẹ, bố Đức và các em. Không đạt được mục đích, Tấn hậm hực cho rằng vợ chồng chị đã khống chế, chia rẽ tình cảm cha con họ nên khởi kiện ra tòa án xin thay đổi người nuôi con.
Tòa hỏi: “Anh có bằng chứng gì về việc vợ chồng anh Đức cản trở không cho cháu Thiên Hương về ở với anh hay không?”, anh Tấn lặng thinh. Thế nghĩa là việc Thiên Hương từ chối ở với cha là xuất phát từ tình cảm thực của cháu. Tòa hỏi tiếp: “Từ khi nhận con, anh có thường xuyên thăm nuôi, quan tâm chăm sóc đến con gái hay không?”.
Người đàn ông cúi đầu, lí nhí phân trần: “Vì điều kiện công tác nên tôi ít có thời gian quan tâm chăm sóc con. Có một vài lần tôi gửi quà, gửi tiền cho con gái nhưng đã bị gửi trả...”. Vị Thẩm phán ân cần: “Tình cảm không phải một sớm một chiều có được mà cần thời gian vun đắp xây dựng, không thể ép buộc. Nếu Tòa tuyên giao cháu bé cho anh nuôi mà cháu thực sự chưa muốn thì sớm muộn cháu cũng tự tìm với mẹ và bố dượng”.
Chị Lan trình bày trước Tòa, sau tất cả những gì anh Tấn đã gây cho mẹ con chị, giờ đây chị đã tha thứ và cũng muốn cha con họ gần gũi với nhau, nhất là để bù đắp cho con gái chị đỡ thiệt thòi. Chị đã động viên con vì điều đó, nhưng con gái khước từ tất cả và chị tôn trọng quyết định của con.
Giờ nghị án, lần đầu tiên hai người đàn ông “tình địch” đã trò chuyện cởi mở với nhau. Anh Tấn tâm sự, thiếu vắng bàn tay cha ruột từ bé đã là một thiệt thòi quá lớn đối với bé Thiên Hương nhưng thật may mắn khi có được một người cha dượng chu đáo, ân tình như anh Đức. Vậy nên con gái yêu thương, quyến luyến với cha dượng là lẽ đương nhiên.
Muốn chuộc lỗi với con nhưng lại bị con gái khước từ khiến anh Tấn thực sự thấy “sốc” vô cùng. Anh Đức khuyên: Phải thật kiên trì đợi thêm một thời gian nữa để con gái nhận ra rằng anh mới chính là người cha yêu thương con hơn tất cả. Chỉ những gì xuất phát từ trái tim mới đến được với trái tim!
Nghe theo lời khuyên chân thành đó, cuối cùng anh Tấn xin rút đơn khởi kiện, với lý do chờ thêm một thời gian nữa để cha con yêu và hiểu nhau hơn. Anh hy vọng, khi đó con anh sẽ hiểu được tấm lòng cha và tự nguyện đến sống với cha chứ không cần thiết phải có phiên tòa như thế này. Giá như anh Tấn nhận ra điều này sớm hơn, rằng chỉ có yêu thương mới được đền đáp bởi yêu thương thì có lẽ câu chuyện đã khác.
Nguyễn Lê