Bằng tình yêu thương của cha mẹ cùng sự nỗ lực phi thường của mình, từ một chàng thiếu niên tật nguyền, Tạ Duy Anh đã vượt khó trở thành tấm gương sáng của nhiều bạn trẻ.
Duy Anh (ngồi trên xe lăn), chụp cùng với các bạn sinh viên |
Dư âm của cuộc chiến
Chúng tôi đến thăm gia đình ông cựu chiến binh Tạ Đình Dũng, số 15 ngách 255/7 đường Nguyễn Khang, Hà Nội trong một chiều đầu hạ. Ông Dũng từng tham gia ở chiến trường miền Nam. Hòa bình lập lại, cũng như bao nhiêu người, ông lấy vợ và chờ đợi một đứa bé khỏe mạnh và xinh đẹp.
Nhưng trớ trêu thật, đứa con mà vợ chồng ông mỏi mòn đợi chờ và hy vọng - Tạ Duy Anh - lại bị di chứng của chiến tranh, dẫn đến bại liệt. Ông Dũng bùi ngùi kể lại: “Thấy cháu sinh ra lành lặn, vợ chồng tôi vui mừng lắm, nhưng rồi lại buồn và lo lắng khi 3 tuổi rồi mà cháu vẫn chưa nói được, tay chân thì co quắp, cử động khó khăn…”.
Thương con, vợ chồng ông Dũng ra sức tìm mọi cách chạy chữa cho Duy Anh. Thậm chí, ông còn bán căn hộ nơi gia đỉnh đang ở để lo cho con, nhưng y học cũng bó tay. Càng lớn, con ông càng có những biểu hiện rõ rệt của di chứng chất độc da cam, nói ngọng khó nghe, tay chân run rẩy, đi lại khó nhọc…
Vượt lên số phận…
Lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, Duy Anh rất thưong bố mẹ. Nghĩ rằng mình đã làm khổ gia đình rất nhiều, cậu bé cố gắng tự làm mọi chuyện để đỡ phiền cho mọi người. Không tự đi lại được, cậu quyết tâm đến trường trên xe lăn; tay phải không viết được thì cậu luyện viết bằng tay trái. Mặc sự trêu chọc, nghịch ngợm của bạn bè cùng trang lứa, Duy Anh vẫn miệt mài học tập.
Bằng sự cố gắng nỗ lực của mình, Duy Anh đã vượt lên số phận và trở thành giảng viên kĩ năng sống, truyền động lực cho các bạn trẻ tại Trung tâm Tâm Việt ( Đội Cấn, Hà Nội), nơi cậu bé theo học.
Thật vậy, mỗi khi Duy Anh bước lên bục, hàng ngàn ánh mắt dõi theo đôi chân tật nguyền và hình hài không trọn vẹn của cậu. Và khi giọng nói nồng ấm và thân thương ấy cất lên, cả khán phòng im phăng phắc và lặng đi vì xúc động.
Duy Anh đến các trường truyền giảng kĩ năng sống cho các bạn trẻ và tập đi từng bước trên đôi chân tật nguyền của mình với suy nghĩ sắt đá rằng: “Cho dù bạn có bị cả thế giới này bỏ rơi, thì bạn cũng đừng bao giờ từ bỏ khát vọng của bản thân mình”.
Duy Anh chia sẻ khát vọng cháy bỏng của mình là được truyền ngọn lửa động lực sống tới tất cả các bạn trẻ Việt Nam bởi đối với Duy Anh “hoàn cảnh để xây dựng nên tính cách chứ không phải làm cho chúng ta suy sụp tinh thần”.
Vô cùng cảm kích trước sự cố gắng và nỗ lực của cậu, TS. Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt group bày tỏ quan điểm: “Duy Anh là một nỗ lực phi thường. Em đã chứng mình cho tất cả mọi người thấy người khuyết tật có thể làm được những gì. Em tập đi, tập suy nghĩ và truyền động lực cho các bạn trẻ biết vượt lên số phận và hoàn cảnh…”
Tấm gương vươn lên vượt khó của Duy Anh đã khiến cho không chỉ các bạn cùng trường, mà tất thảy những người biết anh, nghe nói về anh vô cùng thán phục. Từ bài học thực tế của Tạ Duy Anh, rất nhiều bạn trẻ đã từng học Duy Anh, tìm ra giá đích thực cuộc sống dành cho mình.
Bạn Phương Hiền (Trường ĐH Mở Hà Nội) nói với sự khâm phục: “Anh Tạ Duy Anh là một tấm gương đầy nghị lực, em học được ở anh nhiều thứ, từ cách đứng lên đối mặt với cuộc sống cho đến cách vượt qua nghịch cảnh và có niềm tin vào cuộc sống”.
Tuấn Khương (sinh viên Trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội) cũng chia sẻ: “Sau khi nghe anh Duy Anh giảng dạy kĩ năng sống, em đã đúc rút kinh nghiệm cho mình và từ đó có những mục tiêu phấn đấu, cũng giống như anh Duy Anh đã tạo động lực để vượt qua hoàn cảnh. Em rất cảm động trước số phận và sự vươn lến chính mình của anh”...
Chu Việt Nga