Gần 1.000 chú bồ câu bé nhỏ, hiền lành tung bay trên bầu trời hơn một tháng qua đã làm ngơ ngẩn bao người dạo chơi, tắm biển ở bãi biển Phạm Văn Đồng. Đàn bồ câu do nghệ nhân nuôi chim Phạm Tài Thu, một người xứ Quảng đang lập nghiệp ở Đà Lạt, gầy dựng.
Làm đẹp không gian biển
Cảnh tượng hòa bình. |
Gần một năm kể từ ngày ông Thu đưa 100 chú chim câu đầu tiên về nuôi thử nghiệm trên Công viên biển Phạm Văn Đồng, đến nay đàn chim do ông mang lại vào khoảng 800 con. Sau nhiều tháng được ông huấn luyện, đàn bồ câu đã trở nên khá dạn dĩ, có thể vui đùa, nhảy nhót với người lạ. Theo tiếng còi và những nắm thóc rải đều của ông, đàn chim lúc tung cao, khi lượn vòng, hoặc sà xuống xếp chữ. Tùy theo cách rải thóc, đàn chim có thể sắp xếp theo nhiều dạng chữ, kể cả tên của một ai đó.
Ông Thu vừa chuyển giao toàn bộ đàn chim cho Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng chăm sóc. Ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng ban cho hay: “Trong tháng này, chúng tôi sẽ triển khai dịch vụ bán những bịch thóc nhỏ để khách du lịch cho chim ăn và cho chụp hình đám cưới, làm công viên trở nên sinh động và thu hút du khách nhiều hơn. Cùng với vẻ đẹp của đàn chim, công viên sẽ là điểm nhấn ấn tượng cho toàn thể cảnh quan du lịch biển”. Tuy các dịch vụ chưa được chính thức khai thác, nhưng rất nhiều cặp uyên ương đã “nhanh chân” tìm những góc ảnh đẹp nhất giữa đàn chim hòa bình cho bộ ảnh cưới của mình.
Giữ đàn chim hòa bình
Đàn chim được ông Thu trực tiếp tuyển lựa kỹ lưỡng từ khắp các miền của đất nước với rất nhiều chủng loại: đẹp nhất là bồ câu Vua, rồi đến bồ câu Sư tử, bồ câu Kỳ lân giống Pháp, Thái, Nhật Bản.... Trong số đó, theo ông, bồ câu giống Việt Nam là bay “xịn” nhất vì dáng người thon gọn, nhỏ nhắn hơn cả. Đàn chim đang trú ẩn trong 4 chuồng xinh đẹp nằm 2 cánh Bắc, Nam của công viên. Và theo ông Thu, nếu các điều kiện vệ sinh, ăn uống được đáp ứng đầy đủ, các chú chim bồ câu sẽ sản sinh nhiều chim non và kêu gọi bồ câu từ nơi khác về sinh sống.
Vì bồ câu là giống mỏng mảnh, cần được chăm sóc kỹ nên trước khi chuyển giao, ông đã chỉ vẽ cách nuôi cho những người sẽ trực tiếp quản lý đàn chim này. Ông cho rằng, không có bí quyết nuôi bồ câu nào tốt bằng lòng tha thiết yêu thương, theo dõi từng cử chỉ của chim, để ý cách mớm mồi, cách âu yếm, cách ngủ, cách bay rồi tự nghĩ cách chăm sóc chúng. Xót xa trước cảnh đàn chim bị đe dọa bởi những bàn tay kẻ trộm, ông Thu phải kiên nhẫn gọi những thanh-thiếu niên trước đây thường lần mò trong đêm bắt trộm bồ câu về làm thịt, rồi tỉ tê trò chuyện. Nhờ vậy, sự yên bình của bầy chim được bảo đảm.
Tôi gặp lại ông khi ông vừa trở về từ Hà Nội để chuẩn bị dự án nuôi 1.000 chú bồ câu ở thủ đô. Ông hào hứng chia sẻ: “1.000 con chim trong năm chiếc lồng hình địa cầu sẽ tung bay rợp trời Đại lễ 1.000 năm Thăng Long vào tháng 10”.
Những ngày hè, dưới bầu trời xanh, thấy ngàn cánh chim bay quấn quít lấy đôi uyên ương trong màu áo trắng đang chụp hình cưới, trẻ con nô đùa giữa đàn bồ câu hiền lành, ai cũng thấy lòng mình thư thái, nhẹ nhõm.
Bài và ảnh: HẰNG VANG