Bất tử và thiêng liêng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc

Bất tử và thiêng liêng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc
(PLO) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa chỉ đỏ, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. 
Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, vì hoà bình. Và mảnh đất ấy càng linh thiêng hơn bởi sự ra đi của 10 cô gái thanh niên, 10 bông hoa trắng trong, các chị đã  trở thành những liệt nữ anh hùng...
Chiều 24/7/1968 định mệnh 
Năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, phía chúng ta phải trả giá bằng nhiều tổn thất. Yêu cầu tăng viện cho chiến trường vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn trở nên vô cùng cấp thiết. 
Thêm vào đó, từ ném bom không hạn chế, Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh thuộc khu 4 (cũ) nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường chi viện cho tiền tuyến của ta. Ðường Trường Sơn qua sông Lam, sông La đến địa phận Hà Tĩnh phải phơi mình trống trải khoảng 50km giữa đồng bằng. 
Ðến ngã ba Bãi Vọt, đường chia làm hai nhánh. Một nhánh là đường số 1 men theo bờ biển qua Ðèo Ngang, nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của máy bay địch, hầu hết các cầu lớn đều bị phá. Nhánh kia là đường 15 qua Ngã ba Ðồng Lộc lên miền Tây Quảng Bình, vì vậy Ngã ba Ðồng Lộc trở thành yết hầu của mạch giao thông nối liền “hậu phương lớn miền Bắc” với “tiền tuyến lớn miền Nam”.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. 
Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường, cản trở giao thông. 
Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. 
Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân, dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) phá bom, mở đường.
Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, do Võ Thị Tần, 24 tuổi, làm Tiểu đội trưởng được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua. 
Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc với niềm vui được gửi gắm trên từng chiếc xe đi qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. 
Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái.  Một, hai phút, rồi năm phút trôi qua. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Các cô đã hy sinh. 
Đó là 10 cô gái Đồng Lộc kiên cường, dũng cảm: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi), họ đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. 
Những di vật của các chị tại Bảo tàng
Những di vật của các chị tại Bảo tàng 
“Về với bọn anh, tắm nước sông Ngàn Phố” 
Bà Trần Thị Bích Thao (SN 1942) là TNXP từ tháng 4/1965 - 4/1969 thuộc tổng đội 55, đơn vị 522, P18 Hà Tĩnh, là người đồng đội may mắn còn sống trong trận bom ác nghiệt đó, là người đã rửa mặt cho 10 đồng đội của mình lần cuối, còn nhớ như in buổi chiều nắng tới chết lặng đó. 
Trong số 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, bà Thao gần gũi và thân thiết nhất là với cô Xuân: “Tôi, o Tần, o Xuân là TNXP cũ. Còn các o: Hường, Rạng, Cúc, Xuân, Xanh... là TNXP mới được bổ sung về đội. Mỗi nữ TNXP đều có một cái khăn trùm lên đầu hoặc buộc ở đuôi sam, cái khăn ấy có thêu tên tuổi, nếu chết thì vẫn còn tìm được nhau. 
Hôm ấy, tôi tham gia văn nghệ xong đi về nhà, về cái chỗ mình ở để thay bỏ bộ áo quần trắng tinh ra, mặc áo quần khác. Đi được nửa đường, ra gần chỗ làm thì bom nó đánh. Trời nắng chang chang, trên đường chỉ tôi chạy, tôi thấy xung quanh mình mọi thứ sụp xuống, cảm giác cô đơn rùng rợn. Lúc đó là khoảng hơn 4h chiều. 4h chiều, miền Trung vẫn nắng…”.
Trước đó, tháng 7/1968, trong một lần vào chỉ đạo chiến trường Bình Trị Thiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Hà Tĩnh, đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Khi biết danh tướng rất đỗi hiền hậu đi qua, các anh chị em đang hăng say làm việc tại ngã ba đầy mưa bom của kẻ địch đã ôm chầm lấy Đại tướng khóc nức nở. 
Những cô gái tuổi còn đôi mươi chỉ kịp ôm chầm lấy bác trong chốc lát rồi bảo Đại tướng đi nhanh lên kẻo máy bay địch ném bom. Đại tướng không ngờ ít ngày sau đó, chính những cô gái xinh tươi, hồn nhiên nhưng đầy dũng cảm ấy đã hy sinh trong trận đánh ngày 24/7/1968.
Khi nghe tin 10 cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc hy sinh anh dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghẹn ngào. 
Cũng vì ký ức đau buồn ấy mà Đại tướng đã dành cho Ngã ba Đồng Lộc một tình cảm đặc biệt, để rồi Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại đã trở thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Đại tướng nói rằng, tấm gương nghĩa hiệp của 10 nữ TNXP làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ đời đời được Tổ quốc ghi công.
Đại tướng cũng dặn Ban Quản lý Khu di tích: “Ngã ba Đồng Lộc là nơi để giáo dục không chỉ đối với thanh niên, tuổi trẻ mà còn đối với đồng bào cả nước về truyền thống cách mạng. Vì thế các cháu phải cố gắng gìn giữ và phát huy”. 
Hiện nay trong Viện Bảo tàng tại Ngã ba Đồng Lộc có một căn phòng dành riêng cho 10 cô gái và đây cũng là phần quan trọng nhất của bảo tàng. 10 cô gái đó tuổi đời  đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20, ngoài Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần thì chưa ai có người yêu. Người trẻ nhất Tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc đôi mắt khép lại mới tròn 17 tuổi. Hầu hết mọi người khi bước chân vào nơi này, nhìn những di vật của các chị để lại, những chiếc áo đại cán nhỏ bé, những cái lược, những lá thư… đều không thể cầm lòng.
Và mọi người đã òa khóc khi nghe hướng dẫn viên kể chuyện về cái chết của Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, đồng đội đã đào đất tìm được xác chín người, đặt lên 9 cái cáng xếp hàng ngang, chỉ riêng Hồ Thị Cúc là vẫn chưa tìm được. 
Cả mặt trận quyết tâm phải tìm bằng được Cúc bởi mười cô gái đã cùng chiến đấu bên nhau, gắn bó thân thiết với nhau như chị em một nhà, nên mọi người quyết định phải tìm bằng được Cúc rồi mới tổ chức an táng cho các cô. Nhưng 2 tiếng, 3 tiếng... và đến hết ngày hôm đó, đồng đội vẫn chưa tìm được Cúc. Ðồng đội bật khóc, nhà thơ Yến Thanh đã viết thành bài thơ nghẹn ngào: Cúc ơi
“Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?/Chín bạn đã quây quần đủ hết/Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng -Xuân - Xanh/A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/Chỉ thiếu mình em/(Chín bỏ làm mười răng được!) /Bọn anh đã bới tìm vết cuốc/Ðất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/Cúc ơi! Em ở đâu?/Ðất nâu lạnh lắm/Da em xanh/Áo em thì mỏng!/Cúc ơi! Em ở đâu?/Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố/Ăn quýt đỏ Sơn Bằng/Chăn trâu cắt cỏ/Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ/Gối còn thêu dở/Cơm chiều chưa ăn/Ở đâu hỡi Cúc/Đồng đội tìm em/Đũa găm, cơm úp/Gọi em/Gào em/Khan cổ cả rồi/Cúc ơi!”. 
Phải chăng hương hồn chị Cúc linh thiêng đã nghe được lời đồng đội. Ba ngày sau, đồng đội tìm thấy thi thể chị nằm sâu trong lòng đất đá, đầu vẫn đội nón, vai vác cái cuốc, các đầu ngón tay đều thâm tím. Mọi người bảo rằng chị đã cố gắng bới đất nhưng hầm sâu quá... Cuối cùng thì các chị cũng lại được quây quần cùng nhau dưới lòng đất mẹ. Khu mộ của các chị  đặt dưới một ngọn đồi thoai thoải, cách tượng đài chiến thắng 200 mét. 
47 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít, giờ những con đường bạt ngàn nắng gió, những đồng ruộng thơm mùi lúa thẳng cánh cò bay. Gió đại ngàn vẫn thổi, tiếng chuông ngân vang một góc trời… Tất cả những điều ấy thấm đẫm máu và tuổi trẻ của các chị, những liệt nữ từ đời thường đã trở thành bất tử. Các chị đã góp phần làm nên một đất nước anh hùng - “đất nước của những con người chưa bao giờ khuất. Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về”… 

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.