Cơ chế điều hành quá nhiều mục tiêu: Ổn định giá, ổn định thị trường, bảo đảm nguồn thu nên các chính sách ban hành thiếu tính khả thi.
Bộ Tài chính vừa có công văn cho phép doanh nghiệp được tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu theo tinh thần Nghị định 84, sau nhiều tháng can thiệp vào giá bán xăng dầu bằng mệnh lệnh hành chính.
Quyết định này một lần nữa cho thấy cơ chế điều hành giá xăng dầu đang có những bất ổn.
Người dân mệt mỏi với sự bất ổn của giá xăng dầu. Ảnh: TẤN THẠNH
Thị trường ngược
Chỉ sau gần 3 tháng Nghị định 84 có hiệu lực (ngày 15-12-2009), liên bộ Tài chính - Công Thương đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp không được tăng giá xăng để kiềm chế lạm phát.
Để bù đắp một phần cho khoản lỗ có thể phát sinh do không được tăng giá, Bộ Tài chính cho xả quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng và dầu.
Sự can thiệp này khiến dư luận đặt câu hỏi về sự nhất quán trong Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường.
Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định theo Nghị định 84, doanh nghiệp có một phần quyền quyết định giá xăng dầu. Nói Nhà nước trao quyền quyết định giá xăng dầu cho doanh nghiệp là hoàn toàn chưa chính xác. Khi giá thị trường có thể tác động tới các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, Chính phủ có quyền điều tiết việc tăng, giảm giá của doanh nghiệp.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, cho rằng giá xăng dầu đang thực hiện theo quy chế thị trường ngược.
Lẽ ra, phải tự do hóa về thị trường cung cấp, cho phép được nhập khẩu và buôn bán tự do mới tiến đến cho doanh nghiệp tự định giá bán lẻ. Nhưng đến nay, thị trường cung cấp xăng dầu vẫn chỉ là các doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty cổ phần lớn do Nhà nước chỉ định nhập khẩu nên vẫn là độc quyền Nhà nước về phân phối xăng dầu, nhất là bán buôn.
Chưa có thị trường đúng nghĩa về xăng dầu, nếu cho doanh nghiệp tự định giá hoàn toàn thì vô hình trung sẽ gây hại cho nền kinh tế và chỉ lợi cho doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối.
Nhà nước can thiệp quá sâu
Chính cách thực hiện thị trường ngược khiến Nhà nước đôi khi can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Vương Đình Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết cơ chế thị trường theo Nghị định 84 chỉ được vận hành trong khoảng hơn một tháng (tháng 1 và tháng 2), còn lại từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu gần như do Nhà nước điều hành hoàn toàn.
Có nhiều cơ quan chỉ đạo giá xăng nhưng hậu quả cuối cùng do doanh nghiệp hứng chịu. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng đã là doanh nghiệp phải kinh doanh có lợi nhuận.
Ông Dũng nhận xét đã có sự lạm dụng biện pháp hành chính trong cơ chế điều hành giá xăng dầu và điều hành theo áp lực dư luận.
Lẽ ra trước sự tăng, giảm giá của doanh nghiệp, nếu đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành thấy có vi phạm thì phạt bằng chế tài chứ không phải liên tiếp can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Cùng quan điểm này, ông Vương Đình Dung, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, cho rằng sai lầm lớn nhất trong cơ chế điều hành giá xăng dầu là đặt ra quá nhiều mục tiêu một lúc: Ổn định giá, ổn định thị trường và bảo đảm nguồn thu. Do đó, các chính sách ban hành ra đều không có tính khả thi.
Không thực hiện đầy đủ các văn bản
Có 3 văn bản mang tính quyết định đối với việc hình thành cơ chế điều hành giá xăng dầu theo thị trường. Đó là Quyết định 187/2003/QĐ-TTg cho phép doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu được quyền tự quyết định giá trong phạm vi ± 10% giá định hướng do Bộ Tài chính quyết định đối với giá xăng và ± 5% đối với giá dầu. Nghị định 55/2007/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được tự quyết định giá bán và Nhà nước chấm dứt bù lỗ.
Cuối năm 2009, Chính phủ tiếp tục ra Nghị định 84 với chủ trương thị trường hóa xăng dầu ở mức cao nhất, có sự định hướng của Nhà nước. Doanh nghiệp được quyền tự quyết tăng giá ở mức dưới 7%. Tuy nhiên, cả 3 văn bản nói trên đều không được thực hiện đầy đủ.
|
Nguồn: NgườiLaoĐộng