Sau ngày Bộ Khoa học và Công nghệ quy định (1-7) tất cả mũ bảo hiểm lưu hành trên thị trường (gồm cả trong nước và nhập khẩu) đều phải dán tem CR thay cho tem CS và tem “đã kiểm tra” đối với hàng nhập khẩu, thị trường mũ bảo hiểm lại sôi động hẳn lên với đủ các loại mũ và cũng... đủ các loại tem, thật giả lẫn lộn.
Tem CR cũng giả?
Người tiêu dùng lúng túng khi chọn mũ bảo hiểm chất lượng. |
Dạo quanh một vòng thành phố Đà Nẵng, trong vai người đi mua mũ bảo hiểm, chúng tôi được chào đón khá niềm nở. Tại cửa hàng lớn nằm ở ngã tư đoạn giao giữa đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Tri Phương, vì nằm ở địa thế thuận lợi nên có khá đông khách đến mua hàng. Chị chủ cửa hàng đon đả: “Em muốn mua loại gì? Hàng trong nước cũng có, nhập khẩu cũng có.
Ở đây chị bán giá “mềm” thôi. Cao nhất cũng chỉ khoảng trên 100 ngàn đồng”. Thấy tôi đứng chần chừ, chị tiếp: “Em cứ mua đi, chị sẽ bớt cho. Không có nhiều tiền thì mua cái khoảng 30 nghìn đồng xài đỡ, như cái anh đứng bên kia kìa”. Vừa chọn một chiếc mũ bảo hiểm giá rẻ, anh Lê Văn Hùng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) vừa phân trần: “Dạo này kẹt tiền quá, biết là mũ giá rẻ thì chất lượng “dỏm”, nhưng phải mua. Chủ yếu để khỏi bị phạt thôi mà”.
Ghé vào một quầy mũ bảo hiểm trên đường Nguyễn Tri Phương, thấy chúng tôi chọn mũ khá kỹ, chị M.L, chủ quầy nói: “Tiền nào của nấy thôi em ơi, chị cũng có vài chiếc loại tốt khoảng 90 ngàn, còn lại dao động từ 30 đến 50 ngàn, kiểu dáng đẹp lắm, em chọn một cái đi”. Khi tôi đòi mũ phải có tem CR mới mua, chị bĩu môi: Tem CR đây này, mũ nào của chị mà chẳng có, tem CR cũng có nhiều loại lắm. Nói rồi chị chỉ cho tôi xem 2 tem CR được dán trên 2 mũ có giá tiền cách xa nhau. Tôi giả ngây ngô: Ủa, mũ có dán tem CR thường có giá cao lắm mà, sao mũ của chị rẻ vậy?
Chị L. liền chỉ rõ cho tôi xem tem CR “giả” hơi mờ so với tem thật và không có nguồn gốc xuất xứ. Chị L. cũng cho biết, thường thì người mua rất ít chú ý đến tem, mác, nguồn gốc sản xuất mà chỉ quan tâm đến màu sắc, kiểu dáng và đặc biệt là giá thành, mũ càng rẻ càng bán chạy. Qua quan sát chúng tôi thấy, những chiếc mũ được bán ở đây đều không ghi tên công ty sản xuất (chỉ ghi sản xuất tại Việt Nam), không có thương hiệu (chủ yếu ghi Helmet) và không có tem CR, hoặc có nhưng bị bong, tróc.
Chị L. cho biết, mỗi chiếc mũ bảo hiểm “dỏm” như thế, chị lời khoảng 10 ngàn đồng. Như vậy, một chiếc mũ được bán với giá 30 ngàn đồng, trừ tiền lời thì giá thực chỉ còn 20 ngàn đồng. Tại các tuyến đường lớn của thành phố như Lê Duẩn, Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương đều có bày bán mũ bảo hiểm ở lề đường. Một thực tế là mũ bảo hiểm kém chất lượng, không nhãn mác (phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc) đang được bày bán với số lượng lớn hơn nhiều so với mũ bảo hiểm tốt.
Cảnh sát giao thông: Bó tay!
Chứng kiến nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện bị Cảnh sát giao thông xử phạt do không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai… Do chưa có chế tài xử phạt nên các trường hợp như đội mũ bảo hiểm cách điệu, không tem, không nhãn mác..., Cảnh sát giao thông chủ yếu chỉ… nhắc nhở là chính rồi cho qua. Một thực tế là, khi mô-tô đang chạy trên đường thì Cảnh sát giao thông cũng rất khó để dừng xe lại kiểm tra xem mũ bảo hiểm có đạt chất lượng hay không.
Bên cạnh đó, nhiều người chưa chú ý đến chất lượng mũ, hoặc nếu có thì cũng rất khó để phân biệt mũ thật và mũ “dỏm”. Một lý do nữa là điều kiện kinh tế khó khăn, nên người dân chọn mũ “dỏm” để hợp với túi tiền và lỡ nếu không may bị mất thì cũng… đỡ tiếc. Vì vậy, không ít các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thành phố, người điều khiển phương tiện bị thiệt mạng vì chấn thương sọ não do đội mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Trước tình trạng mũ bảo hiểm rẻ, kém chất lượng được bày bán công khai như hiện nay, người ta lại đặt ra câu hỏi về vai trò của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, quản lý? Trong lúc “chờ” các ngành chức năng có biện pháp, cách tốt nhất là người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn mũ bảo hiểm để bảo đảm cho tính mạng của mình. Người tiêu dùng có thể phân biệt mũ giả, mũ thật là dựa vào giấy chứng nhận hợp quy của mỗi loại mũ bảo hiểm.
Thường thì nhà sản xuất mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ dán giấy chứng nhận (có vẽ kiểu dáng mũ) ở các đại lý bán mũ. Người tiêu dùng nên yêu cầu được xem giấy này. Mặt khác, mũ dỏm thường khác với mũ thật chính là ở lớp xốp bảo vệ bên trong mũ. Mũ thật có lớp xốp được cấu tạo chắc chắn, chống va đập và không bị vỡ. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến các yếu tố như: Bề mặt phía ngoài mũ phải nhẵn, không có vết nứt hoặc cạnh sắc, mũ có lỗ thông gió...
Bài và ảnh: Mai Phương