Quan niệm sai lầm khiến hương độc “len” vào nhà
Với người Việt, từ lâu nén nhang đã trở thành vật thiêng liêng trong tín ngưỡng. Không chỉ có ngày lễ, tết mà mỗi ngày khi gặp niềm vui, nỗi buồn, người ta đều thắp lên bàn thờ nén nhang để hướng về tổ tiên, cầu xin điều may mắn, bình an trong tâm hồn. Chẳng thể thống kê nổi một năm người Việt tiêu dùng bao nhiêu hương, nhang bởi đó quả thực là một con số khổng lồ.
Theo tìm hiểu từ các nghệ nhân làm nhang, nguyên liệu làm hương ngoài tăm tre, bao giấy thì bột hương được tạo ra từ đại hoàng, xuyên khung, mộc lan, cam thảo, đinh hương, nhựa cây trám, tế tân, độc hoạt… Nhưng hiện nay, loại nhang làm từ thảo mộc thiên nhiên còn rất ít.
Trong vai khách mua hương để tìm hiểu tại các chợ, được biết hương, nhang giá rẻ được bán với giá từ 3.000 – 5.000 đồng/bó. Bên cạnh đó có một số loại hương cao cấp mới xuất hiện, được nhiều người tiêu dùng ưa thích là nhang có mùi thơm của hoa hồng, hoa quế, hoa nhài... và đặc biệt thơm rất lâu. Hương cháy hết lâu rồi mà mùi thơm vẫn phảng phất trong nhà. Hay hương đốt xong có tàn trắng xóa như tuyết (bông), phủ khắp bàn thờ.
Nhiều năm nay có tình trạng một số cơ sở sản xuất hương tẩm hóa chất axit photphoric (H3PO4) vào tăm hương để giữ tàn, tẩm butyl cellosolve để tránh mốc, hay chất cháy kali nitrat để hương bắt lửa nhanh. Thậm chí còn tẩm nhiều loại hóa chất khác để tàn hương có nhiều màu sắc như đỏ, trắng; sử dụng hương liệu hóa chất tổng hợp để thay thế hương liệu thảo mộc...
Điều quan ngại là đa số hương, nhang trên thị trường hiện nay đều không ghi rõ thành phần, nhãn mác cẩu thả, không hề có địa chỉ nơi sản xuất. Ngoài ra, người mua hương cũng không quan tâm đến điều này. Họ cho rằng “hương nào cũng giống nhau, miễn là thơm” và chỉ biết đến 2 loại “hương đậu tàn và hương trắng tàn”.
Theo lời người bán, người dân thường ưa chuộng hương nhang đậu tàn vì khi hương cháy xong tàn vẫn còn đậu trên bát hương rất đẹp, điều này thể hiện sự may mắn, linh thiêng, tổ tiên đã chứng giám. Nhưng sự thực, loại hương càng thơm, càng để lại nhiều tàn hương, càng có vòng quăn đẹp lại cực kỳ độc hại.
Làm thế nào để mua đúng hương sạch?
Anh Nguyễn Trường Quang, đại diện Công ty nhang sạch Thiên Hương chia sẻ: “Về nguyên tắc, nguyên liệu làm hương, nhang thường làm từ bột của các loại cây, hay người ta thường nói hương, nhang làm từ mùn cưa. Cây hương màu vàng nghĩa là bột gỗ của một cây nào đó có màu vàng. Thực tế, trong quá trình làm nhang, hương, tôi chưa từng thấy có một loại cây nào mà có màu vàng óng như những cây nhang, hương đang bày bán trong các tiệm tạp hoá”.
Điều này cho thấy, màu vàng của cây hương, nhang là do nhuộm phẩm màu vàng vào bột nguyên liệu. Phẩm màu càng nhiều thì màu vàng cây nhang càng đẹp. Chính vì vậy, khi chúng ta cầm cây nhang, hương trên tay, màu vàng còn dính chặt vào tay chúng ta, và thường có một lớp bột màu vàng đọng lại trong bao nhang, hương.
Đặc biệt, dễ nhận thấy hơn nữa là trên trần nhà hoặc các vách tường, rèm che trong nhà (nhất là phòng kín), thắp nhang, hương vàng sau một thời gian thì hầu như bị ố vàng. “Qua đó có thể thấy rõ màu vàng óng trong hương, nhang là phẩm”, theo anh Quang.
Cũng theo anh Quang, điều khác nhau cơ bản của hai loại hương có và không ngâm tẩm hóa chất là hương hàng chuẩn bao bì ghi rõ xuất xứ nguồn gốc công ty và thương hiệu rõ ràng. Trong khi nhang, hương tẩm hóa chất thường làm từ bột giấy, bột trấu, xác mía, lá gòn… rồi tẩm phẩm màu cùng hương hiệu tạo mùi nên hương, nhang có mùi thơm nồng nặc và được gói trong các bao giấy kiến đơn sơ với giá cả rất rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Còn theo anh Nguyễn Văn, đại diện nhà sản xuất hương Phụng Nghi, Hà Nội cho biết, để tránh mua phải hương “bẩn”, khách hàng nên chọn hương có màu vàng sậm tự nhiên (là màu bột thảo mộc). Tách một mẩu bột ở đầu hương, nếu tăm hương truyền thống có màu nâu đen, sần sùi thô mộc, hoặc màu vàng sáng trắng tự nhiên của cây tre là hương ít hóa chất. Nếu tăm hương lộ ra có màu vàng sậm đục, hay màu vàng, đỏ, có độ láng mịn là hương bị tẩm H3PO4.
Khói hương làm bằng hóa chất có thể gây mờ mắt, ung thư phổi
Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Ngữ, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu thực phẩm, Viện Công nghệ, khi ngâm tăm nhang vào H3PO4 các hợp chất hữu cơ sẽ bị loại bỏ, H3PO4 sẽ kết hợp với xenlulo (thành phần chính của que tre, nứa) tạo thành estephotphat. Khi đốt nhang, nhiệt độ sẽ làm cho estephotphat thăng hoa dưới dạng andihrit photphoric (P2O5) làm que nhang cháy nhanh hơn, đồng thời kéo tàn nhang có hình cong tròn. Tuy nhiên, các chất khí được sinh ra trong quá trình đốt nhang sẽ có chất P2O5. Chất này tồn tại trong không khí, khi tác động lên da sẽ làm da bị mòn, tác động lên hệ hô hấp gây khó thở, tác động lên giác mạc gây ngứa mắt, chảy nước mắt, ho sặc sụa... “Nếu chúng ta không kiểm soát công nghệ sản xuất hương hóa chất thì khói có P2O5 sẽ gây ảnh hưởng đến niêm mạc của mắt khiến mắt mờ dần, ảnh hưởng đến hô hấp, tụ lại trong phổi sẽ gây ra bệnh hiểm nghèo, ung thư phổi” - Tiến sĩ Ngữ cho biết thêm.