Mong muốn tôn vinh hàng thuần Việt
Theo công bố của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Vina Nutri Food (VNF) sẽ là đơn vị vận hành gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn TMĐT Trung Quốc JD.com. Tất cả các công ty muốn bán hàng trên gian hàng này sẽ phải đăng ký với VNF.
Điều lạ với thị trường trong nước là VNF còn khá mới mẻ. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNF cho biết, Nutri mart sẽ là siêu thị đầu tiên chỉ bán hàng thuần Việt - với người sản xuất, người đầu tư đều là những người nông dân trong các hợp tác xã, là các doanh nghiệp muốn xây dựng những sản phẩm chất lượng nhưng chưa có đủ điều kiện (về tài chính) để có mặt trên kệ các siêu thị lớn đang nắm thị phần lớn ở thị trường Việt Nam.
“Khoảng 10 năm gắn bó với người nông dân, chúng tôi hiểu họ khổ như thế nào để làm ra sản phẩm nhưng không đủ tiềm lực để đấu lại các “ông lớn” khác nên bị biến mất khỏi các kệ siêu thị. Có lẽ khát khao tôn vinh sản phẩm thuần Việt, đưa hàng Việt Nam ra thế giới quá lớn chính là nguyên nhân khiến chúng tôi được lựa chọn để vận hành gian hàng quốc gia Việt Nam”, bà Hằng chia sẻ.
Ngoài ra, trước khi chính thức ra mắt hệ thống siêu thị Nutri mart, VNF cũng đã OEM (sản xuất các sản phẩm cho các công ty khác) rất nhiều các thương hiệu lớn của Việt Nam và đã OEM cho nhiều thương hiệu Việt Nam xuất khẩu.
Đáng chú ý, từ 2012, VNF cũng là một trong những đơn vị xuất khẩu hàng nông sản tươi đi các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản... Đến năm 2015, VNF mở hàng loạt nhà máy để phục vụ thị trường xuất khẩu nên gần như tất cả các sản phẩm của Công ty đều đạt các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới như FDA, JNP... Và hiện đơn vị này đã có nhiều mặt hàng bán khá thành công trên sàn Amazon.com
“Vina Nutrifood dù là những thành viên mới của thị trường bán lẻ, cũng không phải là đứng trong Top 100 của Việt Nam, nhưng chúng tôi có những khát khao mà chúng tôi tin rằng trong 2-3 năm nữa thôi thì chúng tôi có thể đứng trong Top 100 Việt Nam”, bà Hằng quả quyết.
Từ 6-12 tháng phải có hiệu quả
Theo chia sẻ của bà Hằng, vào khoảng năm 2019, khi bắt đầu khởi động gian hàng quốc gia Việt Nam, có khoảng 140 doanh nghiệp đăng ký tham gia bán hàng. Nhưng sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vào thời điểm Bộ Công Thương chính thức công bố về gian hàng này chỉ còn khoảng hơn 10 đơn vị tiếp tục kế hoạch chinh phục thị trường tỷ dân này.
“Chúng tôi đã đo lường được là chúng tôi sẽ mất bao nhiêu tiền vào công việc vận hành này và chúng tôi cũng đã xác định sẽ phải lấy tài chính từ chỗ khác để lấp vào đây, để lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu Việt Nam. Không thể vì lý do không có nguồn tài chính mà chúng tôi dừng lại. Bởi đã là sàn thương mại quốc gia Việt Nam thì đó chính là màu cờ sắc áo của Việt Nam” - Chủ tịch hệ thống siêu thị khẳng định.
VNF đã xác định “chiến đấu” ở thị trường này bởi vận hành một gian hàng TMĐT tốn rất nhiều chi phí. Đơn giản nhất là để làm sao người dân Trung Quốc lựa chọn vào gian hàng Việt Nam trong vô số các gian hàng quốc gia khác. Chưa kể phải cạnh tranh với chính các gian hàng của Trung Quốc trên sàn của họ. Trong khi người châu Á nói chung, Trung Quốc nói riêng đều có tinh thần dân tộc rất lớn.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng, công ty bán hàng trên gian hàng này cũng phải xác định bán những sản phẩm của Việt Nam theo giá trị của sản phẩm Việt, của văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế chứ không theo giá thành sản phẩm. Bởi chúng ta không thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm, nhãn hàng bản địa.
Cũng theo bà Hằng, tất cả các nhãn hàng thực sự muốn ra quốc tế thì phải là nhãn hàng sẵn sàng xuất khẩu, tức là đã có CO, đã có thủ tục hải quan. Điều quan trọng, khi ra nước ngoài thì phải đặt được một cái hiệu quả nào đó, có thể là trong vòng 6-12 tháng không đạt được hiệu quả về bán lẻ thì phải đạt được hiệu quả về xuất khẩu bởi vì sản phẩm đã phủ sóng, hàng tỷ người dân Trung Quốc, chưa kể còn từ nhiều quốc gia khác sẽ nhìn thấy sản phẩm của doanh nghiệp Việt trên sàn JD.com.