Bất ngờ kêu oan sau 35 năm bị kết án giết người, hiếp dâm

 Những nhân chứng của vụ án
Những nhân chứng của vụ án
(PLO) - Quá nửa đời người mang tiếng giết người, hiếp dâm, ông Hậu và ông Đô dường như chỉ muốn sống trốn tránh phần đời còn lại. Mặc cho vụ án chấn động năm xưa đã chìm vào quên lãng, họ vẫn quyết định lật lại để bắt đầu hành trình minh oan cho bản thân mình. Sự thật như thế nào?

Tố bạn thân trở mặt

Theo đơn cầu cứu báo chí của ông Vũ Phước Hậu (SN 1962) và ông Trần Văn Đô (SN 1965) cùng ngụ ấp Lung Trường, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Khoảng 3h chiều ngày 19/2/1981 (nhằm ngày rằm, tháng giêng) ông Hậu và ông Đô khi đó vẫn còn ở tuổi thanh niên đi từ nhà ra sân bóng đá ở làng. 

Đến nơi, bóng bị xì hơi nên cả hai nghỉ đá và tới nhà của ông Trần Hồng Khanh (SN 1964, hiện ở ấp Xóm Dừa, cùng xã Quách Phẩm) ngồi tán dóc. Đến hơn 6h tối, ông Hậu, Đô mới ra về. 

Trên đường về, hai người lại có ghé chòi canh đìa của ông Nguyễn Hiền Út (SN 1950, hiện ngụ tại địa phương). Tại chòi, ba ông cùng một người khác ngồi đánh bài đến tận hơn 10 giờ đêm, trăng rằm đã lên cao mới ai về nhà nấy.

Sáng hôm sau, hai thanh  niên này tới đìa của ông Út để phụ ông giỡ chà, tát nước thì nghe thông tin cô Phạm Thị Lệ Thủy, lúc đó mới 16 tuổi bị té đập đầu vào gốc dừa, rồi rớt xuống mương chết. 

“Cô Thủy này là anh em cô cậu với ông Khanh, là người mà chiều hôm trước tôi và anh Đô có ghé chơi. Tụi tôi nghe tin rất bàng hoàng nhưng rồi cũng trở lại với công việc như bình thường” , ông Hậu nói. 

Cái chết cô Lệ Thủy được người nhà, người dân xem như một tai nạn, không ai nghĩ rằng đó là một vụ án hiếp dâm dẫn đến chết người. 

Hơn mười ngày sau, tức ngày 2/3/1981, công an địa phương tìm bắt Đỗ Thành Lợi (hiện ngụ ấp Xóm Dừa, xã Quách Phẩm) vì có liên quan đến cái chết của cô gái mới lớn. Lợi là thanh niên đồng lứa với ông Hậu, Đô, Khanh và là những người bạn khá thân thiết. Nhà của Lợi lại nằm cặp ranh đất với nhà của nạn nhân. 

Lợi bị bắt lúc chiều thì khuy hôm đó, ông Hậu và ông Đô đang ngủ trong mùng thì 3, 4 người công an đến bắt đi. “Họ cho rằng chúng tôi có liên quan đến cái chết của cô Lệ Thủy. Chúng tôi lúc đó vẫn là  những thanh niên mới lớn, có biết gì đâu”, ông Đô nhìn xa xăm kể.

Ông Khanh nhớ lại: “Hồi đó, tôi với 3 đứa đó (chỉ Hậu, Đô, Lợi- PV) là anh em chơi với nhau thân lắm. Lúc mới tập uống rượu, mỗi thằng được mấy ly lại say không biết gì, ói trên người nhau tùm lum. Vậy mà em họ tôi chết lại có liên quan đến chúng nó, tôi buồn và giận nhiều lắm.

Lúc Lợi bị bắt tôi rượt theo chửi nó rất nhiều. Nó ngoảnh mặt đi nói, lúc ra tù sẽ bỏ đi biệt xứ. Còn ông Hậu, ông Đô bị bắt sau đó, tôi không biết. Nhưng tôi cũng nghĩ hai người này có tội thì công an mới bắt đi. Tình bạn của chúng tôi từ đó cũng tan tành”.

Từ năm 1981, vụ án xảy ra và 3 thanh niên Lợi, Hậu và Đô bị công an bắt. Thế nhưng, sau đó lại là một câu chuyện dài mà đến hơn 30 năm sau, khi tất cả đã qua đi họ mới bình tâm để suy xét lại.

Không ai có thể ngờ rằng, ông Hậu và ông Đô sau nhiều năm tù tội rồi được thả, mỗi người có một cuộc sống riêng nay lại cùng nhau tố người bạn cũ Đỗ Thành Lợi đã khai man khiến mình hàm oan.

Những bản án câm lặng

Ông Hậu, Đô, Lợi bị bắt nhưng phải 4 năm sau, tức năm 1984, vụ án mới được TAND tỉnh Minh Hải (Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay) đưa ra xét xử. Bản án kết luận rằng ông Hậu có hành vi cầm đầu vụ hiếp dâm gây hậu quả nghiêm trọng. Lợi có tham tích cực, còn ông Đô thì hành vi chưa được hoàn thành nên nhẹ nhất. 

Kết thúc, ông Hậu nhận án chung thân, ông Lợi 15 năm tù, ông Đô 8 năm tù. Sau đó, ông Hậu và ông Đô có đơn kháng án, phiên phúc thẩm y án đối với ông Hậu, Lợi. Riêng ông Đô giảm từ 8 năm còn 4 năm. Do thời gian tạm giữ đã quá 4 năm nên ông Đô được tự do ngay sau đó.

Theo bản án của Tòa án nhân dân tối cao xử ngày 20/4/1985 tại TP.HCM cho rằng: khoảng 15h ngày 19/2/1981, Hậu và Đô qua nhà Lợi rủ đi đá bóng. Trên đường tới sân bóng, Hậu nảy sinh ý định hiếp dâm một cô gái trong xóm và hứa cho Lợi tham gia. 

Sau khi nghỉ đá bóng, Hậu, Lợi, Đô hẹn 8h tối sẽ gặp nhau tại đống rơm cách nhà Lợi khoảng 25 mét để bàn kế hoạch hiếp dâm. Hậu phân công Lợi đón đường, gọi Thủy (nạn nhân) vào, Hậu sẽ hiếp trước rồi tới Lợi và Đô.

Khoảng 30 phút sau, Thủy đi chơi nhà người bà con về, đi ngang đống rơm thì được Lợi gọi vào. Vừa bước tới thì Hậu bước ra ôm Thủy vật ngã xuống đống rơm. Lợi xông vào dùng 2 tay bịt miệng, hai chân kèm 2 tay Thủy, Đô dùng hai tay đè 2 chân Thủy. 

Hậu được quyền “làm” trước sau đó đến Lợi, được khoảng 15 phút thì Hậu phát hiện Thủy đã chết. Cả bọn đưa xác nạn nhân bỏ xuống kinh, gác hai chân trên bờ để khi có người phát hiện sẽ cho là nạn nhân té xuống nước nên tử nạn.

Kết thúc những phiên tòa, ông Hậu cam chịu cảnh tù tội. Qua nhiều lần được ân xá, đến năm 1996 ông được tự do với 16 năm tù tội. Trước đó, ông Lợi cũng được ân xá và trở về địa phương sinh sống chứ không bỏ xứ mà đi như từng tuyên bố. Cuộc sống mỗi đều có những ngả riêng. Có người gặp nhau, có người không, riêng ông Hậu từ lúc ra tù cho đến gần 20 năm sau, ông mới trở về quê cũ.

Nguyên nhân ông Hậu trở về cũng hết sức tình cờ. Do khi ra tù ông được người thân thương tình cho chân giúp việc nhà ở TP.HCM nên ông yên trí ở lại. Hơn chục năm sau, ông có vợ rồi sinh con. Đến khi con đến tuổi đi học, ông Hậu mới nhìn lại mình, mười mấy năm qua không có tờ giấy tùy thân lận lưng. 

Năm 2013, ông trở về Cà Mau, tìm lại những người xưa cũ để xin nhập khẩu, làm giấy chứng minh. Ông Hậu kể: “Tôi vốn sinh ra ở TP.HCM, sau đó được người bà con ở Cà Mau nhận làm con nuôi. Tôi về xứ Cà Mau sống được vài năm thì xảy ra vụ án, tôi đi tù rồi không trở về nữa”.

Về quê, được người em nuôi cho nhập khẩu. Trong những lúc trà dư tửu hậu, mấy anh em ngồi trò chuyện. Vòng đi, vòng lại câu chuyện tìm đến vụ án mạng khi xưa.

“Anh em hỏi, tôi cũng trả lời thiệt là ngày xưa tôi không hiếp, giết gì ai cả. Ai cũng xì xào kêu tôi không có sao người ta bắt tôi bỏ tù. Tôi chỉ biết cúi đầu”, ông Hậu buồn bã nói.

Lại nói về ông Đô, người may mắn chỉ ở tù có 4 năm rồi được tự do. Sau khi ra tù, ông trở về quê hương sinh sống với cái danh của người đi tù vì tội hiếp dâm, giết người. Âu cũng là số phận. Ông Đô bị bắt lúc còn chưa thành niên, ra tù thì lơ ngơ không biết gì. May mắn ông còn gia đình bao bọc. 

ông Hậu kể lại lúc mình bị còng chân
ông Hậu kể lại lúc mình bị còng chân

“Tôi ra được tù rồi chẳng thiết gì nữa, thấy mình được tự do, tôi chẳng dám mong gì hơn, cũng chẳng dám nghĩ gì khác”, ông Đô nói. 

Vài năm sau, ông Đô lấy vợ rồi dần sống cuộc đời bình thường như bao người khác. Vợ ông, bà Lê Thị Diệp (SN 1971) một người phụ nữ ngoan hiền, cảm thông cho chồng thời trẻ non dại nên cũng chẳng mấy khi hỏi han, khơi gợi chuyện đau lòng. 

Thế nhưng, những lúc vợ chồng thủ thỉ với nhau, người vợ lại không tránh được tò mò mà hỏi rằng: “Ngày xưa tại sao anh làm vậy?”. Ông Đô cũng thật lòng mà đáp rằng:

“Tôi nói thiệt mình nghe, tôi bị oan. Ngày xưa tôi không hề biết gì đến chuyện đó”. Người vợ cũng cười trừ rồi thôi, nghĩ đến thể diện của chồng, bà không nói nữa. Nhưng trong lòng ông Đô lại có con sóng ngày càng cao.

Vỡ òa lời thú nhận

Sau 30 năm, ông Đô và ông Hậu mới gặp lại nhau. Những người bạn xưa cũ mới tay bắt mặt mừng nhưng nỗi e ngại vẫn không thể dấu được. Mấy chục năm không gặp nhau nhưng khi giáp mặt điều họ nhìn thấy trong nhau chỉ là nỗi ê chề, nhục nhã của những tháng ngày ở trong tù. 

“Chúng tôi bàn với nhau đi tìm gặp Đỗ Thành Lợi, người bạn năm xưa của chúng tôi để hỏi cho ra lẽ. Vì sao ngày xưa lại khai chúng tôi giết người, hiếp dâm”, ông Hậu nói. 

Thấy sự quyết tâm của hai người đàn ông, người thân không khỏi ái ngại. Anh em của ông Hậu thì ủng hộ đi tìm gặp ông Lợi để làm rõ. Nhưng bà Diệp vợ ông Đô thì vô cùng hoang mang.

“Trước giờ tôi vẫn tin chồng mình có tội, nhưng rồi chúng tôi vẫn sống hạnh phúc vì anh ấy là người hiền lành có trách nhiệm. Chuyện cũ coi như cho qua đi.

Giờ đi tìm ông Lợi, nếu ông ta nói chồng tôi vô tội thì mừng rồi. Nhưng nếu ông Lợi vẫn cho rằng chồng tôi có tội thì tôi phải làm sao? Con cái tôi phải làm sao? Bà con láng giềng sẽ xôn xao lại vụ án năm nào”.

Nhưng trước sự quyết tâm của ông Hậu và ông Đô, nhiều người nữa cùng nhau tìm đến nhà ông Đỗ Thành Lợi. Trong đó có ông Trần Hồng Khanh, người bạn đồng trang lứa, anh em cô cậu với nạn nhân ngày trước. 

“Tới nhà Lợi, tôi cũng nôn nóng biết sự thật, vì người chết là em họ tôi, những người liên quan, thủ phạm lại là bạn, tôi buồn lắm. Lợi thấy tụi tôi thì mặt mày tái xanh, cầm ly nước uống không nổi.

Khi anh Hậu hỏi vì sao ngày xưa lại khai man cho ông ấy và ông Đô, Lợi lắp bắp nói không thành tiếng. Cuối cùng, ông ấy cũng chịu nói rằng ngày xưa cũng không biết gì hết. Cán bộ biểu khai sao thì khai vậy, nếu không khai ra đồng bọn thì sẽ bị tử hình”, ông Khanh kể. 

Nghe những lời của Lợi, những người có mặt lúc đó như vỡ òa vì phẫn uất. Bà Diệp như trút gánh nặng ngàn cân, không tiếc lời mắng nhiếc. 

“Sau đó chúng tôi đề nghị Lợi viết một bản tường trình thuật lại sự việc ngày xưa tại sao khai man cho bạn bè. Tôi cũng nói rằng, nếu Lợi vô tội thì cứ viết luôn rồi mọi người cùng đi kêu oan. Lợi đồng ý, nhưng chỉ một lát sau thì trở mặt không chịu viết nữa.

Ông ấy nói có việc gì báo công an, có công an thì ông ấy chịu nói. Người nhà ông Lợi lúc đó cũng dữ lắm, tôi sợ nên bỏ đi luôn”, ông Hậu kể lại. Nhưng những lời ông Lợi thú nhận, thực chất đã được người nhà ông Hậu ghi âm lại toàn bộ để đề phòng bất trắc.

Cuộc sống của ông Đô và ông Hậu từ sau ngày ông Lợi thú nhận dường như đã khác. Họ dần lấy lại sự tự tin và quyết tâm đòi lại công lý cho mình. Con cái của ông Đô bàn với mẹ bán bớt đất đai để làm lộ phí đi kêu oan cho cha.

Ông Hậu thì chạy đôn chạy đáo nhờ cậy anh em đưa đường dẫn lối cho mình đi kêu oan. Bản thân ông Hậu và ông Đô đều biết rằng, con đường họ chuẩn bị đi là rất khó khăn và nhiều chông gai.

Họ đã nhận tội như thế nào?

Theo trình bày của ông Hậu, sau khi bị bắt vì tình nghi liên quan đến cái chết của cô thôn nữ. Gặp cán bộ điều tra tỉnh, ông Hậu đều lắc đầu cương quyết không nhận tội. Nhiều lần ông xin được gặp Lợi để đối chứng.

Trước mặt ông Hậu và cán bộ, Lợi nhiều lần khai ông Hậu cầm đầu vụ hiếp dâm gây chết người. Thời gian bị giam giữ, vì là đối tượng cầm đầu, ông Hậu phải chịu thiệt thòi hơn Lợi và Đô.

“Tôi bị còng chân, giam riêng không cho đi lại tự do như những người khác. Thỉnh thoảng lại có cán bộ gọi tôi làm việc. Cán bộ nói tôi không có tội sao được, Lợi đã khai rõ ràng. Tôi không nhận thì bị cầm chùm chìa khóa táng vô mặt. Cán bộ nói không nhận thì tôi bị còng chân, giam suốt đời”, ông Hậu hoang mang nhớ lại.

Bị giam khoảng 1 năm thì tay chân ông Hậu đều bị liệt, nhiều lần thuốc thang không có kết quả. Ông được chuyển đến bệnh viện để điều trị nhưng không khỏi. Sau đó, ông được chuyển đến một trại giam khác. 

“Thời gian này tôi tuyệt vọng lắm, tôi tính tự tử chết quách cho rồi. Nhưng rồi tôi lại tin tưởng và quyết tâm vận động để tay chân cử động được”, ông Hậu kể. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, tứ chi ông dần hoạt động trở lại. Lúc này, cán bộ trại giam mới phân công cho ông những công việc nhẹ để ông khuây khỏa.

Thử thách ý chí của ông Hậu gần 4 năm trời, đến khi người thanh niên trẻ không chịu được nữa đành nhận tội. “Tôi ở tù hoài, càng ngày càng u uất không biết tương lai mình ra sao.

Cán bộ kêu tôi nhận tội đi, tôi hết nghĩ được rồi, ừ thì tôi nhận tội. Cán bộ muốn tôi nhận thì tôi nhận”, ông Hậu chua chát nói. Sau đó, ông Hậu cho biết, cán bộ cầm tờ giấy lời khai của Lợi để đọc cho ông viết theo. Từ ngày ông nhận tội cho đến lúc ra tòa, vỏn vẹn chỉ hơn mười ngày.

Về phần ông Đô, lúc bị bắt ông còn nhỏ tuổi hơn ông Hậu. Chàng trai trẻ ngày  nào được cha mẹ chăm lo nay thân tù tội mà không biết ngày ra. “Tôi bị giam chừng 5, 6 tháng gì đó thì nhận tội. Cán bộ nói tôi nhận thì sớm được trở về.

Hồi đó, thanh niên chưa lớn như tụi tôi có biết gì đâu, nghe ở tù là sợ. Vậy nên tôi nhận tội, nhưng sau đó tôi nghĩ lại, mình không làm thì không nhận. Nếu nhận thì cả đời mang tiếng giết người, hiếp dâm. Tôi quyết định phản cung”, ông Đô kể.

Ông Đô trình bày với PV
Ông Đô trình bày với PV

Ông Đô yêu cầu được gặp Lợi để đối chất, Lợi khai ông Đô có liên quan đến vụ án. Ông Đô cãi lại thì bị cán bộ tát mấy bạt tai, nhiều lần như vậy ông cũng không biết phải tính như thế nào. Cho đến lần cuối cùng làm việc với viện kiểm sát và Lợi, ông Đô nhận tội. Thời gian ông Đô nhận tội cho đến lúc ra tòa sơ thẩm khoảng hai mươi ngày.

Ông Nguyễn Hiền Út, người từng ngồi đánh bài đến tận khuya với Hậu và Đô bức xúc nói: “Tôi viết hàng chục tờ giấy tường trình, cứ mỗi làng có người đi thăm Đô với Hậu là tôi viết. Tôi viết cam đoan rằng, tối hôm xảy ra vụ án, Hậu và Đô đánh bài ở chỗ tôi đến hơn 10 giờ mới về.

Còn một người nữa đánh bài cùng chúng tôi nhưng hiện đã ra nước ngoài rồi. Sự thực là vậy mà công an không mời tôi làm nhân chứng. Họ chỉ căn cứ vào lời khai của Lợi mà buộc tội người khác, thi thể của nạn nhân thậm chí còn được chôn hơn tuần mới quật lên khám nghiệm, như vậy thì làm gì còn dấu vết”.

Ông Trần Hồng Khanh cũng cho rằng, chiều hôm đó, sau khi Hậu và Đô rời khỏi nhà mình thì một lúc sau, nạn nhân mới sang nhà ông chơi. “Khoảng 8 giờ thì em họ tôi về, thì tầm chín giờ có người phát hiện ra thi thể nó. Khi đưa con bé lên, áo quần nó vẫn mặc đàng hoàng, người còn ấm.

Khi chúng tôi cởi áo để cấp cứu thì có thấy quai áo trong bị đứt, ngực có vết trầy. Nhưng có ai nghĩ gì đâu, chỉ nghĩ là em tôi đi đêm sợ nên chạy nhanh rồi té thôi. Ai cũng cho rằng đó là tai nạn. Mấy ngày sau, có người kể rằng đêm hôm đó nó thấy Lợi kêu Thủy vào thì nhà tôi mới nghi ngờ rồi báo công an”. 

Như vậy, nếu tình tiết của ông Út, ông Khanh cung cấp là đúng, thì ông Hậu, Đô đã có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng. Tuy nhiên, với những nhân chứng này họ chưa một lần được công an mời để lấy lời khai. Hiện ông Hậu và ông Đô đã hoàn tất đơn thư, hồ sơ để tiến hành kêu oan, lật lại vụ án năm xưa.

Câu chuyện pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc

Đọc thêm

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản
(PLVN) - Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thương (sinh năm 2004, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng về hành vi cướp tài sản.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp tại TP HCM

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM. (Ảnh: Việt Dũng)
(PLVN) - Ngày 10/12, tại phần thảo luận trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP thông tin về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.