Buổi sáng một ngày đầu tháng 9/2016, trời âm u. Bị cáo Nguyễn Quang Minh Nhật (26 tuổi, ngụ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được tại ngoại) cùng người thân đến tòa từ rất sớm. Ai nấy mặt mày buồn thiu, tâm trạng nặng như đeo chì.
Tại TAND tỉnh Thừa Thiên Huế buổi sáng hôm ấy có hai phiên tòa, nên Nhật cùng người nhà ngồi ở hàng ghế cuối cùng của khán phòng, phấp phỏng đợi đến phiên xử của mình.
Hơn 2 tháng trước, Nhật bị TAND thành phố Huế xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 2 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Cho rằng mức án quá nặng, lại là lao động chính trong gia đình gồm 7 người, Nhật kháng cáo, xin được hưởng án treo. Chàng thanh niên cao ráo, mặt mày sáng sủa, ngồi ỉu xìu một góc, vẻ mặt rầu rĩ.
Cố tình lao xe máy vào người trên đường
Mọi chuyện bắt đầu vào 3h sáng ngày 11/9/2015, nhà của Nhật bị “đạo chích” đột nhập, lấy cắp tài sản. Nhật hốt hoảng lấy xe máy, rồi mang theo một cây gỗ chạy loanh quanh trên phố tìm kẻ gian.
Khi Nhật điều khiển xe ngang qua một ngã tư gần nhà, liền thấy một nhóm thanh niên gồm Hùng, Lâm, Phúc đang ngồi túm tụm ở đây. Nghi ngờ nhóm này vừa mới trộm tài sản ở nhà mình, Nhật liền chạy xe đến tri hô “trộm…trộm… trộm”.
Nhóm thanh niên nghe thấy thế thì hoảng sợ bỏ chạy. Nhật chạy xe đuổi theo. Lúc này Hùng chạy phía sau cùng, nên Nhật điều khiển xe đến gần rồi dùng tay bắt giữ Hùng nhưng bị trượt.
Nhật liền giảm tốc độ, chạy xe phía sau Hùng. Được một đoạn, Nhật bất ngờ tăng tốc, tông vào Hùng, khiến cả hai đều ngã xuống đường. Cú va chạm khiến Hùng gãy chân, tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 30%.
Tòa hỏi bị cáo Nhật: “Bị cáo thấy hành vi đi bắt trộm của mình như vậy có đúng không?”.
Nhật đứng nơi vành móng ngựa, lí nhí trả lời “Dạ không”.
“Bị cáo có muốn bắt trộm, cũng phải tuân theo pháp luật, hành xử đúng pháp luật. Bị cáo không thể gây tổn thương đến sức khỏe, tính mạng của người khác”.
Nhật lại lí nhí đáp “dạ”, đầu mỗi lúc một thêm cúi thấp.
“Trong phiên tòa hôm nay, bị cáo đưa ra tình tiết nào để xin giảm án treo?”.
Bị cáo khai, gia đình mình rất nghèo. Bị cáo là lao động chính trong nhà. Ông bà nội già yếu, và 4 đứa em nhỏ đang đi học, đều trông chờ vào đồng lương làm thuê của bị cáo. Bị cáo mong được hưởng án treo, để có thể tiếp tục đi làm, gồng gánh nuôi gia đình mình.
“Bố mẹ bị cáo đâu?”.
“Dạ bố mẹ bị cáo ly hôn. Mỗi người sống một nơi. 5 anh em bị cáo ở với ông bà nội”.
Tại phiên tòa, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa cho rằng bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực nhận thức, biết rằng hành vi dùng xe máy gây thương tích cho người khác là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm đến sức khỏe của người khác mà còn ảnh hưởng đến trật tự trị an ở địa phương. Tại phiên tòa, bị cáo cũng không đưa ra được tình tiết mới làm căn cứ để xem xét. Do đó, viện kiểm sát đề nghị tòa không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị tòa xem xét để cho Nhật được hưởng án treo, với lí do Nhật là lao động chính trong gia đình, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu. Do hoàn cảnh khó khăn, nên khi phát hiện mất tài sản, bị cáo hoảng hốt nên nhất thời hành động thiếu suy nghĩ…
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy mức án như phiên sơ thẩm đã tuyên là quá nghiêm khắc đối với bị cáo. Tòa quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của Nhật, tuyên phạt bị cáo 1 năm 6 tháng tù giam.
Mặc dù được giảm 6 tháng tù so với bản án sơ thẩm, nhưng chàng thanh niên cao lớn đứng nơi vành móng ngựa vẫn hốt hoảng như ngã quỵ xuống. Ánh mắt hoang mang tìm kiếm người thân phía sau. Bố bị cáo cũng ngồi bất động trên ghế. Ánh mắt ông cũng u ám không kém gì con trai.
Trộm không bắt được, bản thân Nhật phải lĩnh bản án 18 tháng tù |
Hậu họa khôn lường
Trời xế trưa, cái nắng nhàn nhạt của ngày đầu thu phủ xuống căn nhà nhỏ của Nhật trong một con hẻm cụt ở nội thành, càng khiến không gian nơi đây thêm mênh mang buồn. Trong nhà thấp thoáng bóng người, nhưng tịnh không có tiếng chuyện trò, chỉ nghe văng vẳng tiếng ri rỉ khóc than.
Ông bà nội của Nhật ngồi nơi phòng khách, hai mắt đỏ hoe, nước mắt vẫn còn loang lổ trên gò má nhăn nheo. Đã quá giờ cơm, nhưng ai nấy trong nhà chẳng còn bụng dạ nào ăn. Cái bếp lạnh ngắt. Không khí trong gia đình u ám còn hơn có đám tang.
Bố của Nhật cho hay, sáng ấy ông bà nội của Nhật cũng muốn đến tham dự phiên tòa, nhưng cả nhà không ai đồng ý. Hai ông bà tuổi ngoài 80, đành ngồi thấp thỏm ở nhà đợi tin tức. “Từ lúc biết tin cháu không được hưởng án treo, ông bà nội của cháu khóc mãi, cứ đòi sống đòi chết. Gia đình tui cứ lo, sợ bà khóc nhiều sinh mệt, ảnh hưởng đến sức khỏe”, cha của Nhật giọng rầu rầu.
Bà nội của Nhật run run, bảo cháu của mình hiền lắm, giờ không được hưởng án treo, phải vô tù ngồi thì biết làm sao, nói đoạn bà lại đưa tay áo lên quẹt nước mắt nước mũi đã chảy tèm lem trên mặt.
Từ phiên tòa trở về, Nhật liền đi thẳng một mạch vào phòng, rồi nằm lì trên giường khóc mãi. Chàng thanh niên lo sợ, những ngày tháng phía trước, không biết cách gì để vượt qua. Xót con, nhưng người thân cũng đành bất lực đứng nhìn, một câu động viên an ủi, cũng đắng đót không thể thốt nên lời, nên cứ nghẹn ứ nơi cổ họng.
Bố Nhật cho hay, vợ chồng ông ly hôn cách đây hơn chục năm. Vợ ông vào Nam rồi tái hôn trong đó. Ông thì ngược ra Bắc làm thuê làm mướn, sống quạnh quẽ một mình. Cả 5 đứa con của ông đều ở cùng ông bà nội.
Nhật là con cả trong nhà. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng, Nhật đầu quân cho một công ty, bắt đầu những tháng ngày cặm cụi kiếm tiền lo cho cả nhà. Một mình Nhật là lao động chính trong gia đình gồm 7 người; trên Nhật là ông bà nội già yếu; dưới Nhật là 4 đứa em đều đang ăn học, đứa nhỏ nhất học lớp 9, đứa lớn đang là sinh viên. Cả nhà trên dưới đều sống dựa vào đồng lương còm cõi của Nhật, đắp đổi lắm cũng qua ngày đoạn tháng.
Người cha thì tha phương mưu sinh, làm nghề hái thuốc bắc trên các vùng núi cao của tỉnh Hòa Bình. Dành dụm lắm, thi thoảng ông mới có được chút tiền gửi về cho các con. Nhiều năm khốn khó không có tiền về quê ăn tết cùng gia đình, ông đành phải nằm lại nơi lán trại vùng cao, đón tết một mình cùng với núi rừng hiu quạnh.
Từ ngày con trai gặp chuyện, ông cứ như con thoi, cứ đi đi về về. Lần này con ra tòa, ông cũng vào trước một tuần. Ổng bảo, chắc phải đợi mọi việc trong nhà êm xuôi cả, ông mới có thể quay về ngoài kia làm việc.
Người đàn ông nói giọng ai oán, bảo con trai đã mất tài sản, rồi phải tốn tiền để bồi thường cho người ta, bản thân lại phải đi tù, chua xót nào hơn. Hồi Nhật gây thương tích cho bị hại, dù nhà nghèo, nhưng gia đình cũng gom góp được 22 triệu đồng, để mang sang nhà bị hại bồi thường, khắc phục hậu quả.
“Hắn xưa nay là đứa hiền lành, ngoan ngoãn, suốt ngày chỉ biết làm lụng, lo lắng cho gia đình. Không ngờ một phút nông nổi, mà phải đi tù, trong khi kẻ cắp thì chẳng biết ở đâu?”. Những nỗi niềm của người đàn ông cứ lững thững như làn khói thuốc của ông vừa mới thổi ra, loanh quanh luẩn quẩn không lối thoát, không có câu trả lời cụ thể.
Từ phiên tòa trở về, Nhật liền đi thẳng một mạch vào phòng, rồi nằm lì trên giường khóc mãi. Chàng thanh niên lo sợ, những ngày tháng phía trước, không biết cách gì để vượt qua.
Xót con nhưng người thân cũng đành bất lực đứng nhìn, một câu động viên an ủi, cũng đắng đót không thể thốt nên lời, nên cứ nghẹn ứ nơi cổ họng.
Bà nội của Nhật run run, bảo cháu của mình hiền lắm, giờ không được hưởng án treo, phải vô tù ngồi thì biết làm sao, nói đoạn bà lại đưa tay áo lên quẹt nước mắt nước mũi đã chảy tèm lem trên mặt.