Nghe tin đất ở thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội đang lên giá vùn vụt, gần trưa ngày 18/5, tôi liền phi xe máy đến để “mục sở thị." Qua cầu Chương Dương, cầu Đuống rẽ trái 3km tôi bắt đầu men theo con đường nhựa (là mặt đê sông Đuống) chạy qua các xã Đông Hội, Xuân Canh đến Vĩnh Ngọc. “Giá đất đã tăng quá nóng và đã đến lúc phải chốt,” không ít nhà đầu cơ bất động sản ở Hà Nội đã bật mí như vậy. Theo lời ông anh họ, trước đây làm nghề nông, nay do “đất phất” nên chuyển qua làm nghề môi giới bất động sản, đất ở đây đang được rất nhiều người về lùng mua. Rồi anh giới thiệu vanh vách từng khu, mức giá đất trong xã. Đất mặt đường đầu cầu đang giao dịch từ 55-58 triệu đồng/m², đất thổ cư ven khu tái định cư (dành cho dân diện giải phóng mặt bằng xây cầu) là 40 triệu đồng/m². Còn đất trong thôn này, đường rộng 3m đang bán từ 25-28 triệu đồng/m². So với đầu năm, giá tăng hơn 30%. “Tuy giá đã tăng nhiều, nhưng khi cầu Nhật Tân gần xong, nó sẽ còn tăng nữa đấy chú ạ,” anh khẳng định chắc nịch.
“Giá đất đã tăng quá nóng và đã đến lúc phải chốt,” không ít nhà đầu cơ bất động sản ở Hà Nội đã bật mí như vậy |
Xâu chuỗi toàn bộ diễn biến giá đất ở khu vực Long Biên và cầu Vĩnh Tuy, đến hiện tượng giá đất Đông Anh đang tăng chóng mặt và những cây cầu đang xây như cầu Đông Trù nối quận Long Biên với xã Đông Hội, cầu Tứ Liên, Nhật Tân nối quận Tây Hồ với xã Vĩnh Ngọc, xã Xuân Canh... có thể thấy, cứ nơi nào có đường giao thông sắp mở, đang mở là đất nơi đó nóng, dòng tiền sẽ đổ ồ ạt về đó. Nếu như đất khu vực phía Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Đông Anh, Gia Lâm) chỉ mới bước vào sốt vòng 1 thì ở phía Tây đất đã sốt vòng 2. Đặc biệt khu Ba Vì, vùng mà trong đồ án Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội tầm nhìn 2050 dự kiến sẽ đặt trung tâm hành chính, chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, giá đất đã tăng gấp ba. Còn so với thời điểm này năm trước thì quả thật người có nhu cầu thật phải... phát hoảng. Theo một nhà đầu cơ (giấu tên) đã “thoát hàng” xong ở khu vực Thung lũng Yên Bài, bằng thời điểm này năm ngoái, tại một dự án sinh thái, đất được bán với giá 500.000 đồng/m dài 30m, thì nay đã lên tới vài chục triệu đồng/m. Xuôi về vùng vành đai 4 Hà Nội, có không ít khu vực đất cũng đang nóng là Khu đô thị Nam An Khánh, Bắc An Khánh và Geleximco (Hà Đông). Ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế Xây dựng, trụ sở tại Tòa nhà Thành Công, đường Nguyễn Chí Thanh, đơn vị đang có khá nhiều đất tại các dự án này cho biết: “Giao dịch đất ở các khu vực phía Tây, đặc biệt là các khu đô thị sôi động như chợ. Giá đất tăng chóng mặt," ông Tùng miêu tả. “Em đang cố bằng giá nào cũng phải chốt hết đất ở Geleximco trong tuần này. Em nghĩ diễn biến giao dịch của các khu này có vẻ như đang diễn biến giống chứng khoán. Các đại gia đang đẩy giá thật lực rồi chốt và chạy,” anh Nguyễn Trọng Nhân, một nhà lướt sóng bất động sản có hạng ở Hà Nội nói. Anh Nhân cho biết, ngay từ khi thị trường chứng khoán tăng điểm hồi cuối tháng 2/2010, anh đã đi gom đất, giá đất nền tại Geleximco lúc đó chỉ 20-22 triệu đồng/m². Rồi tháng 3, chứng khoán tăng mạnh hơn, giá đất tại đây cũng tăng lên 28-29 triệu đồng/m², và anh Nhân chốt lời. Từ đó, giá đất tại khu vực này chững và giảm nhẹ. Cuối tháng 4, các nhà đầu cơ rủ nhau lại gom đất phía Tây làm vòng 2 và mua tại Geleximco với giá 30-31 triệu đồng/m². Hiện giá đất nền tại khu vực này đã lên 38-39 triệu đồng/m². “Như vậy tính từ tháng 2 đến nay, giá đất tại Geleximco đã tăng gần 100% anh ạ. Em nghĩ chỉ nay mai là các nhà đầu cơ đất sẽ thoát sạch thôi. Lại khổ người nào vào sau,” anh Nhân nói. Ba năm lại đây, người ta thấy rõ hiện tượng liên thông giữa thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Nghĩa là cứ lúc nào thị trường chứng khoán bắt đầu vào xu hướng tăng, là dân đầu cơ bất động sản bắt đầu đi gom đất. Rồi khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh, các nhà đầu cơ rút vốn, quay sang đẩy giá bất động sản tăng vọt. Trong giai đoạn bất động sản tăng mạnh thì thị trường chứng khoán lại rớt thảm vì bị rút cạn kiệt tiền. Rồi khi giá chứng khoán đã rớt thảm, trong khi giá đất đã tăng nóng, các nhà đầu cơ lại chốt lời từ bất động sản và quay lại thị trường chứng khoán... Cứ như vậy, sự gắn kết của hai thị trường này đã trở thành quy luật. Và giờ đây, không ít nhà đầu tư đang lao vào thị trường bất động sản, tham gia vào một kịch bản đã được dựng sẵn của các nhà đầu cơ. Theo các chuyên gia bất động sản, việc những người có tiền đang đổ xô vào mua bất động sản, bất chấp giá đã tăng nóng từ đầu năm và đặc biệt là tăng mạnh trong hơn một tháng nay cho thấy mức độ rủi ro đang tiềm ẩn. “Giá đất đã tăng quá nóng và đã đến lúc phải chốt,” không ít nhà đầu cơ bất động sản ở Hà Nội đã bật mí như vậy.
Theo Vietnam+