Không thể coi “chấp thuận” bản vẽ là “phê duyệt quy hoạch”?
Nhiều năm nay, những công trình cao hơn 3 tầng tại khu giãn dân Gốc Sữa đều bị coi là không phù hợp bởi từ năm 2009, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã “chấp thuận” một “minh họa tổng mặt bằng” do Cty TNHH Thiết kế và Xây dựng nhà đề xuất.
Tuy nhiên, theo người dân ở đây thì nếu chính quyền căn cứ vào cái gọi là “minh họa tổng mặt bằng” nêu trên để cấp phép xây dựng là không đúng quy định, khiến cho người dân vừa thiệt thòi, vừa oan ức.
Tại văn bản trả lời một hộ dân về thông tin quy hoạch tại khu Gốc Sữa, Phòng Quản lý Đô thị (QLĐT) quận Bắc Từ Liêm cho biết, bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng dự án nhà ở giãn dân khu Gốc Sữa đã được UBND huyện Từ Liêm “phê duyệt” ngày 3/4/2009, với các chỉ tiêu chính như: mật độ xây dựng 76% với tầng cao công trình là 3…
Đối chiếu với các quy định liên quan, ông Nguyễn Văn Diễn (SN 1946, chủ một lô đất tại Khu Gốc Sữa) cho rằng: bản vẽ minh họa tổng mặt bằng (khổ A0) có chữ ký và con dấu của Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ngày 3/4/2009 (bản vẽ 2009) không phải là một Quy hoạch có giá trị pháp lý trong cấp phép xây dựng vì không hề được phê duyệt bằng quyết định hành chính, không phải do cơ quan Nhà nước có chuyên môn về quy hoạch trình duyệt, không có văn bản quan trọng là “Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất”…
Hơn nữa, việc xuất hiện chữ ký và con dấu của Chủ tịch UBND huyện từ Liêm tại bản vẽ này cũng chỉ là “chấp thuận” chứ không phải “phê duyệt”. Mục đích “chấp thuận” này cũng chỉ là “để lập dự án” chứ không phải dùng để hướng dẫn, cấp phép xây dựng cho các hộ dân. Ngoài ra, việc dùng khái niệm “minh họa” tại bản vẽ này là không chính xác và không phù hợp với một đồ án quy hoạch.
Đến tháng 2/2019, trong Văn bản số 551/UBND-QLĐT gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc để xin ý kiến về chỉ tiêu quy hoạch khu Gốc Sữa, UBND quận Bắc Từ Liêm còn thông tin thêm rằng, ngày 30/9/2003, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định (QĐ) số 116/2003/QĐ-UB (QĐ 116) phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất xây dựng nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Xuân Đỉnh (tức khu Gốc Sữa- PV). Theo đó, khu đất này có ký hiệu là “TT1”, với “tầng cao bình quân: 3 tầng; mật độ xây dựng 56,8%; hệ số sử dụng đất 1,4 lần… Thực hiện QĐ 116 này, ngày 3/4/2009, UBND huyện Từ Liêm đã “phê duyệt Bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng dự án nhà ở giãn dân nông thôn khu Gốc Sữa để thực hiện giao đất giãn dân cho các hộ… ”.
Như vậy, tại văn bản trên, UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn thừa nhận bản vẽ 2009 được dùng “để thực hiện giao đất giãn dân cho các hộ” (chứ không phải dùng để cấp phép xây dựng). Dù UBND quận Bắc Từ Liêm có nêu căn cứ để cho ra đời bản vẽ 2009 là QĐ 116 nhưng tại chính bản vẽ, trong hàng chục văn bản được viện dẫn không hề thấy nêu QĐ 116.
Hơn nữa, trong nội dung của QĐ 116 thì UBND Hà Nội không hề giao nhiệm vụ cho UBND huyện Từ Liêm (cũ) được phê duyệt một bản vẽ nào khác nhằm cụ thể hóa quy hoạch. Theo QĐ 116 thì Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm chỉ “chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch được duyệt và xử lý việc xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật” mà thôi.
Thoát khỏi quy hoạch “thấp tầng” nhưng người dân vẫn “gặp khó”
Tuy QĐ 116 chỉ nêu: “Tầng cao bình quân 3 tầng” (tức có thể cao hơn 3 tầng hoặc thấp hơn 3 tầng) nhưng bản vẽ 2009 của UBND huyện từ Liêm lại đề ra chỉ tiêu “cứng” là: “tầng cao công trình: 3 tầng”. Và trên thực tế, việc cấp phép xây dựng “3 tầng” đã được địa phương duy trì trong nhiều năm nay dù vào ngày 2/12/2015, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 6632/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân khu H2-1 (tỷ lệ 1/2000). Quyết định này đã đổi ký hiệu ô đất khu Gốc Sữa thành C1-NO1 và quy định công trình cao từ 3 đến 45 tầng (chứ không khống chế độ cao trung bình 3 tầng như trước).
Như vậy, khu Gốc Sữa đã thoát khỏi quy hoạch “TT” (tức “thấp tầng”), được nới chiều cao công trình đến 45 tầng từ năm 2015 nhưng suốt 4 năm qua, người dân ở đây vẫn chỉ được phép xây nhà 3 tầng mà không được cấp phép cao hơn? Việc duy trì sự bất hợp lý này khiến người dân đặt câu hỏi, có hay không “lợi ích nhóm” ở phía sau?
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên thì ở khu vực Gốc Sữa hiện nay, hầu hết các công trình đều cao trên 3 tầng. Như vậy, có thể thấy việc duy trì cấp phép chiều cao “cứng” 3 tầng ở khu vực này đã không còn phù hợp với thực tế, không phù hợp với tình hình đô thị hóa ở Xuân Đỉnh trong những năm qua.
Dưới góc nhìn của một người dân tại khu Gốc Sữa, ông Diễn cho rằng, nhiều hộ dân ở đây đã từng “khốn khổ” và chịu nhiều thiệt hại, chi phí do những bất cập trong việc chậm điều chỉnh quy hoạch như trên, đặc biệt là từ năm 2015- thời điểm UBND TP Hà Nội có Quyết định 6632/QĐ-UBND. Và nếu xét cho cùng thì việc những người dân nơi đây có xây nhà cao 5-6 tầng thì vẫn phù hợp với quy hoạch mới này. Nhưng vì sao họ vẫn bị buộc phải tuân thủ cái gọi là “bản vẽ minh họa” từ năm 2009, trong khi bản vẽ này sai cả về căn cứ, quy trình ban hành lẫn nội dung và thể thức? Với những gì mà người dân khu Gốc Sữa bị “hành” trong nhiều năm qua, đã đến lúc cần chấm dứt cái gọi là “quy hoạch 3 tầng” tại đây và làm rõ trách nhiệm của những cá nhân trong việc duy trì quy hoạch thiếu căn cứ này?