Nguy cơ chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành bệnh viện
Theo Nghị quyết 33, khi tự chủ, bốn bệnh viện (BV) thí điểm (Bạch Mai, K, Chợ Rẫy, Việt Đức) được tự quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế. Đó là quy mô BV, lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn… Các BV cũng thực hiện “mô hình như doanh nghiệp”, có Hội đồng Quản lý (HĐQL) gồm 7-11 người và “HĐQL có quyền thành lập, giải thể các BV thành viên; điều động, miễn nhiệm Tổng Giám đốc (TGĐ), Giám đốc (GĐ), Phó TGĐ…, thuê TGĐ”.
Trên thực tế, vị trí Chủ tịch HĐQL, Ban GĐ hiện đều do Bộ Y tế bổ nhiệm. Pháp luật chưa có những quy định cụ thể về những thẩm quyền trên của BV khi tự chủ.
Vấn đề đặt ra nữa là Chủ tịch HQĐL và GĐ BV, ai là người đứng đầu?. Trong một văn bản Bộ Nội vụ trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo về xác định ai là người đứng đầu trường ĐH công lập khi có Hội đồng trường, Bộ Nội vụ cho rằng Hiệu trưởng là người đứng đầu? Vậy với BV, có phải GĐ là người đứng đầu?.
Theo Nghị quyết về tự chủ toàn diện, khi bắt đầu triển khai thì GĐ BV đương nhiệm sẽ kiêm Chủ tịch HĐQL. Sau đó Bộ Y tế bổ nhiệm Chủ tịch HĐQL theo đề xuất của HĐQL. Nhiều ý kiến lo ngại tình huống thông thường người đang là Bí thư kiêm GĐ BV đang điều hành BV, sẽ được “đẩy” lên chức Chủ tịch HĐQL, chủ yếu điều hành họp Hội đồng, ban hành Nghị quyết. Thêm vào đó Chủ tịch HĐQL không có quyền bổ nhiệm GĐ BV thì liệu có đủ “uy” để chỉ đạo GĐ?
Một số ý kiến băn khoăn, ở mô hình BV tự chủ toàn diện, Chủ tịch HĐQL thường chỉ ban hành Nghị quyết, họp HĐQL, trong khi GĐ mới là người thực hiện các công việc điều hành. Điều này có thể dẫn đến chồng chéo, không thống nhất trong chỉ đạo, điều hành BV hay không?
Tại nhiều BV, phải trải qua một thời gian dài mới thống nhất chức danh GĐ kiêm Bí thư Đảng ủy. Điều này tạo thuận lợi cho công tác điều hành nhanh, thống nhất, phát huy hiệu quả. Bởi vậy nếu quy định về HĐQL BV thiếu chặt chẽ, chưa rõ ràng, có thể dẫn đến “giẫm chân” trong điều hành. Trong khi đó thực tế hiện chưa có quy định pháp luật cụ thể về HĐQL.
Đâu là giải pháp?
Một số lãnh đạo các BV chia sẻ với PLVN, trong bối cảnh chưa hoàn thiện hết quy định về tự chủ toàn diện, nhằm tránh chồng chéo, đồng thời phân cấp rõ ràng vai trò của HĐQL và Đảng ủy BV thì phương án tốt nhất là cho phép các BV được thực hiện về nhân sự thống nhất như trong Nghị quyết 33: “Khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập HĐQL và cử GĐ đương nhiệm làm Chủ tịch HĐQL kiêm TGĐ/GĐ BV theo đề án của mỗi BV được Thủ tướng phê duyệt với thời gian tối đa 2 năm”. Như vậy, Chủ tịch HĐQL được kiêm GĐ BV trong 2 năm thí điểm.
Trường hợp nếu không được kiêm nhiệm thì Bộ trưởng quyết định phê chuẩn Chủ tịch HĐQL và thành viên HĐQL, đồng thời phân cấp cho Chủ tịch HĐQL thực hiện Nghị quyết của HĐQL, thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc thuê GĐ BV và PGĐ BV; báo cáo Bộ Y tế. Cơ chế này xác định rõ vai trò HĐQL BV và trách nhiệm quyền hạn người đứng đầu BV là Chủ tịch HĐQL.
Còn nếu vẫn tiếp tục tự chủ toàn diện như mô hình ở BV Bạch Mai và BV K đã làm thì cần thận trọng, khắc phục những bất cập sau khi tổng kết kinh nghiệm tại 2 đơn vị này.
Một số ý kiến khác cho rằng đặc biệt trong tình hình cả nước tập trung toàn lực chống dịch, tình hình thu của các BV lớn giảm rõ, chi cho chống dịch tăng, thu nhập của nhân viên giảm… Trường hợp phải thực hiện ngay thí điểm tự chủ toàn diện tại thời điểm này, cần hoàn thiện một số quy định. Thứ nhất, về giá dịch vụ: Chính phủ và Bộ Y tế có nên cho phép trong thời gian Bộ Y tế chưa ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, BV sẽ ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám chữa bệnh, có tích luỹ (có điều chỉnh theo đơn giá chi phí đầu vào hình thành đơn giá dịch vụ)? Thứ hai, quy định cụ thể vị trí người đứng đầu; Thứ ba, xem xét cho phép HĐQL bổ nhiệm hoặc thuê GĐ, PGĐ; Thứ tư, làm rõ hơn vai trò của Đảng ủy, mối quan hệ giữa HĐQL và Đảng uỷ.
Nguy cơ giảm vai trò của tổ chức Đảng ủy
Liên quan đến HĐQL BV, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ cơ chế giám sát. Một ý kiến phân tích: Nếu theo Nghị quyết 33, HĐQL có vai trò rất lớn, gần như quyết hết mọi vấn đề. Vậy nếu quan điểm, chỉ đạo của HĐQL khác với ý kiến của Đảng ủy thì có cơ chế gì để kiểm soát, giải quyết, người lao động phải nghe theo bên nào? Lúc này nguy cơ Nghị quyết của Đảng ủy sẽ giảm đi vai trò. Thậm chí, Đảng ủy nguy cơ bị “vô hiệu hoá” vì HĐQL điều hành theo nguyên tắc bỏ phiếu biểu quyết.
Đó là chưa kể tới quy chế hoạt động của HĐQL chủ yếu do BV tự soạn và trình Bộ Y tế. Nhưng điều quan trọng nhất là dựa vào quy định pháp luật nào để đánh giá quy chế đó đúng hay sai, phù hợp hay không? Trường hợp nếu xuất phát từ quy chế đó mà dẫn tới vi phạm pháp luật thì sao?
Câu hỏi đặt ra nữa là sau hai năm thí điểm, nếu thất bại, giải tán HĐQL thì Chủ tịch HĐQL sẽ được bố trí công việc thế nào?