Về mặt nguyên tắc, quyền dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ là bình đẳng với tất cả thí sinh. Vậy điều gì khiến các cơ quan quản lý giáo dục còn “lăn tăn” trước khi quyết định chính thức về quyền dự thi của học sinh trung cấp nghề?.
Ảnh minh họa |
Học sinh trường trung cấp (TC) nghề có đầu vào là THCS có đủ điều kiện dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ hay không vẫn là câu hỏi đặt ra suốt một năm nay chưa có câu trả lời cuối cùng.
Bộ GD - ĐT cho biết, băn khoăn duy nhất là đối với trường hợp thí sinh trường TC nghề có đầu vào “chỉ tốt nghiệp THCS”. Ở hệ thống trường TCCN do Bộ GD - ĐT quản lý, đối tượng tốt nghiệp THCS phải học đủ các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT và khi tốt nghiệp, phải thi thêm ba môn văn hóa (do hiệu trưởng nhà trường quy định).
Khi đó, học sinh mới đủ điều kiện dự thi ĐH, CĐ. Bộ GD - ĐT hoàn toàn không “nắm” được các trường TC nghề do Bộ LĐ - TB - XH quản lý đào tạo những nội dung gì, thời lượng có đảm bảo đúng theo chương trình của Bộ GD-ĐT ban hành hay không, có được tổ chức thi và cấp bằng theo đúng quy định hay không…(!).
Bộ LĐ-TB - XH cho rằng: TC nghề và TCCN đều là hai loại hình trường nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân, phải được đối xử bình đẳng. Thế nhưng, trên thực tế đối với học nghề, thời gian học lý thuyết chỉ chiếm 20 - 30%, còn lại là thời gian thực hành. Do tập trung vào luyện nghề nên hầu như các trường TC nghề đều không đủ giáo viên dạy văn hóa, phải đi thuê giáo viên trường khác.
Mặt khác, có một thực tế là khi học sinh vào học trường nghề thì kiến thức văn hóa thường bị hổng nhiều nên khó theo được chương trình văn hóa do Bộ GD - ĐT quy định.
Vì thế, việc cắt xén chương trình văn hóa xảy ra là điều có thật. Sau một năm “nhùng nhằng”, cuối tháng 1 này, Bộ GD - ĐT và Tổng cục Dạy nghề mới quyết định việc khảo sát, kiểm tra trực tiếp chương trình giảng dạy văn hóa tại 15 trường nghề có đối tượng đầu vào là THCS.
Trong khi đó, những ý kiến “trung gian” cho rằng, không cần phải kiểm tra rà soát, cứ để những học sinh trường TC nghề dự thi, nếu không đủ trình độ văn hóa, ắt sẽ trượt trong kỳ thi tuyển sinh. Nhưng đứng ở góc độ quản lý nhà nước, nếu không minh bạch được vấn đề này, việc khuyến khích những đối tượng không đủ trình độ văn hóa dự thi tuyển sinh sẽ gây tốn kém, lãng phí cho xã hội.
Chỉ riêng tỷ lệ hồ sơ “ảo” đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm chiếm khoảng 30% số thí sinh dự thi, khiến các trường lãng phí hàng trăm triệu đồng chi phí tổ chức thi. Ngược lại, nếu con đường dự thi ĐH, CĐ của những học sinh này bị “chặn” lại một cách oan uổng, thì chủ trương phân luồng, khuyến khích học sinh vào các trường nghề chắc chắn sẽ thất bại.
Nhiều nhà khoa học giáo dục vẫn cho rằng hệ thống giáo dục quốc dân tồn tại TC nghề - TCCN; CĐ nghề và CĐ là bất hợp lý. Theo đó, cần phải cải tổ hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện sáp nhập khối TCCN và đào tạo nghề thành hệ giáo dục nghề nghiệp để tạo thuận lợi cho việc hoạch định chính sách quốc gia thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, làm cản trở cho việc thực hiện các chủ trương đổi mới về giáo dục của Nhà nước.
Theo Đất Việt