[links()]Rừng là “vàng” nhưng kiểm lâm - những người tham gia bảo vệ “vàng” - thì vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, dù lực lượng này luôn đối mặt với hiểm nguy, thậm chí hy sinh cả tính mạng…
Trao đổi với PLVN, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) công bố những con số cho thấy, tình trạng chống người thi hành công vụ đang ngày một gia tăng về số vụ và tính chất mức độ nghiêm trọng của sự việc, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của những người thi hành công vụ và cả thân nhân của họ, ảnh hưởng xấu đến việc chấp hành kỷ cương pháp luật, gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội.
Cũng theo vị Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm thì thời gian gần đây, Nhà nước đã có một số chính sách đặc thù đối với lực lượng kiểm lâm, nhưng sự hỗ trợ này mới chỉ giảm bớt phần nào khó khăn, chưa tương xứng với sự vất vả và tính chất nguy hiểm, rủi ro của nghề này.
“Chính vì vậy có người đã nói với tôi rằng, bảo vệ rừng là bảo vệ tài sản, bảo vệ “vàng” của đất nước, nhưng kiểm lâm thì vẫn chưa được coi là “vàng”. Ví von thế, nhưng tôi thấy cũng có phần đúng”, ông Lực chia sẻ.
Từ năm 2005 đến 2010, có 54 cán bộ Kiểm lâm bị tấn công. Trong đó, có 29 người được công nhận là thương binh, 25 người còn lại không có một chế độ gì; 7 người hy sinh nhưng mới chỉ có 5 người được công nhận liệt sỹ, 2 trường hợp còn lại (nguyên là cán bộ Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, Hà Nam) vẫn đang chờ để giải quyết dù họ hy sinh đã lâu… |
- Theo số liệu đã công bố, thì có năm, toàn ngành Kiểm lâm có tới 69 cán bộ công chức bị thương khi thi hành công vụ. Chế độ chính sách đối với những cán bộ này như thế nào?
- Tôi không biết đối với các lực lượng khác thì ra sao chứ quá trình làm thủ tục xét, công nhận chế độ đối với anh em trong lực lượng Kiểm lâm khi bị thương hay hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ rừng là rất gian nan và tốn nhiều thời gian.
Thậm chí có vụ việc, công luận phải lên tiếng, Bộ NN&PTNT có ý kiến thì cơ quan làm công tác chính sách mới chấp nhận. Cụ thể, thì từ năm 2005 đến 2010, có 54 cán bộ Kiểm lâm bị tấn công.
Trong đó, có 29 người được công nhận là thương binh, 25 người còn lại không có một chế độ gì; 7 người hy sinh nhưng mới chỉ có 5 người được công nhận liệt sỹ, 2 trường hợp còn lại (nguyên là cán bộ Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, Hà Nam) vẫn đang chờ để giải quyết dù họ hy sinh đã lâu.
Xe của Kiểm lâm Hà Tĩnh bị bẹp nát sau vụ truy đuổi một xe vận chuyển gỗ lậu ngày 8/6/2012. |
- Vì sao việc làm thủ tục, công nhận chế độ đối với người bị thương và hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng lại khó khăn như vậy?
- Điều 11, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có quy định điều kiện để được công nhận liệt sỹ là “anh” hy sinh phải “dũng cảm”. Vậy, thế nào là “dũng cảm”?.
Theo tôi, “dũng cảm” không chỉ có ở ngoài mặt trận đánh nhau với giặc mà trong thời bình, “anh” nhận nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị và cương quyết đấu tranh đến cùng với hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ tính mạng, tài sản (ở đây là rừng) của đất nước… nếu không hy sinh thì cũng có thể coi họ là dũng cảm rồi.
Ai cũng biết, đối mặt với lâm tặc là đầy rủi ro bởi sự hung hãn và manh động. Nhiều khi chưa giáp mặt, chưa bắt được đối tượng mà vẫn đang trong quá trình truy đuổi chẳng may vấp phải tang vật vi phạm (gỗ) mà chúng thả xuống đường bi hy sinh thì cũng cần ghi nhận.
Tôi lấy ví dụ, một vụ vừa xảy ra hôm 8/6/2012 tại Hà Tĩnh khi xe của lực lượng Kiểm lâm cơ động Hà Tĩnh truy đuổi xe khách vận chuyển gỗ lậu theo hướng từ Vườn Quốc gia Vũ Quang qua tỉnh lộ 5 về xuôi. Đến đoạn dốc cầu Trảy (huyện Vũ Quang), do đường xuống dốc, cua gấp nên chiếc xe của Kiểm lâm mất lái rồi lật nhào, một Kiểm lâm viên chết tại chỗ, xe gỗ lậu bỏ chạy…
Tại thời điểm đó tuy chưa bắt được đối tượng, tang vật vi phạm nhưng không thể nói hành động truy đuổi đó là không dũng cảm, không quyết liệt.
Theo quy định, thì mình mổ xẻ về mặt câu chữ, nhưng không ai nghĩ mình nhận và làm nhiệm vụ là để được phong cái này cái nọ. Nhưng nếu đã không may mất đi thì cũng cần phải được ghi nhận, bởi đó là cái nghĩa cuối cùng mà mình có thể làm đối với một con người.
- Cảm ơn ông!
Tuấn Anh (thực hiện)