Nhiều làng cổ đang mất dần
Không chỉ Hà Nội nổi tiếng với những di tích làng cổ, những bờ tường đá ong hay lối nhà 3 gian đặc trưng, với tỷ lệ dân nông thôn 65% (thống kê năm 2019), trên khắp Việt Nam hầu hết đều có những giá trị cổ xưa của di tích làng xã. Tuy nhiên, diện tích các làng cổ hiện nay đang bị thu hẹp dần.
Dù nhiều vùng làng cổ có phát triển 1 phần nhỏ cho du lịch cộng đồng nhưng sự pha trộn các yếu tố hiện đại phần nào làm mất đi nét bình dị vốn có của làng cổ, nhà cổ. Giá trị “cổ” – yếu tố cốt lõi đang bị “bức tử” trong sự phát triển hiện đại.
Chẳng hạn, tại làng cổ Cự Đà, lối kiến trúc đậm chất nông thôn Bắc Bộ với những nếp nhà gỗ, gạch lát nghiêng... Nhưng tại vùng này hiện nay, hình ảnh “cây đa, mái đình, bến nước” lại khuất lấp sau những dãy nhà cao tầng.
Mặt khác, phần du lịch ở các vùng làng cổ này chưa nổi bật, chưa được xây dựng thành điểm đến lý tưởng cho du lịch cộng đồng, dù tiềm năng của làng còn nguyên sơ nhưng chưa kịp khai thác thì làng lại đối mặt với những vấn đề mai một. Nhiều định hướng phát triển du lịch cộng đồng nông thôn được đưa ra nhưng chủ yếu hướng về các làng nghề, chưa chú ý nhiều đến kiến trúc cổ của các làng.
Ngay tại Đường Lâm (Hà Nội), dù nổi tiếng là ngôi làng cổ đẹp nhất tại thủ đô, nhưng phát triển du lịch tại đây vẫn cho thấy sự thiếu hiệu quả, kém bền vững. Khách du lịch ngày càng ít, nhiều người không chọn đây là điểm để quay trở lại bởi ở đây mới có “tham quan” mà chưa có “vui chơi”.
Cùng với đó, trong hệ thống di tích làng cổ còn có quần thể đình, chùa cổ. Hiện nay, chỉ có một số địa điểm được quy hoạch để phát triển du lịch. Hầu hết những đền thờ Thành hoàng làng, đình xưa... chỉ được người dân trong làng biết và gìn giữ, hoạt động du lịch hiếm có. Tại Hưng Yên, làng Nôm có thể xem là một trong những địa điểm có quần thể kiến trúc làng cổ, đình cổ với dấu tích Phố Hiến xưa, chùa Nôm… khá đặc sắc, lưu giữ những nét bình yên, giản dị của vùng nông thôn Bắc Bộ. Tuy nhiên, các di tích này hiện nay cũng đều “im lìm” giữa vùng thôn quê.
Sự thu hẹp dần của các làng cổ một phần bởi yếu tố con người đang dần rời xa những nếp sống làng, xã nông thôn. Nhiều người trẻ “bỏ làng ra phố”, vì vậy tương lai, các làng có lẽ sẽ chỉ còn người già sinh sống. Đây cũng là nguyên nhân khiến các làng cổ thiếu đi sự năng động hay sự phát triển của các hoạt động dịch vụ bổ trợ du lịch…Các làng cổ mất dần cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên cho phát triển du lịch cộng đồng cũng thu hẹp lại.
Bài học bảo tồn làng cổ
Làng cổ cùng những nếp nhà nông thôn xưa là một phần cốt lõi trong những giá trị di tích cần bảo tồn và phát triển cho hoạt động du lịch.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giao Bộ VH-TT&DL chủ trì thực hiện. Quy hoạch nhằm phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Vì vậy, đưa yếu tố bảo tồn các làng cổ tại Việt Nam quy hoạch thành vùng du lịch mang đậm đà bản sắc sẽ làm nhiệm vụ mà cần quan tâm trong thời gian tới, không để lãng phí nguồn tài nguyên này.
Nói về bài học bảo tồn làng cổ cho phát triển du lịch, nhìn từ nền văn hoá Trung Hoa ngay cạnh, có thể thấy quốc gia lớn này làm rất tốt trong việc bảo tồn các giá trị làng cổ cho du lịch. Nổi bật trong các di sản làng cổ tại đây có thể kể đến: làng cổ Hoành Thôn ở huyện Y, tỉnh An Huy có diện mạo truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn, các nhà cổ trường phái kiến trúc An Huy tinh xảo và nội hàm văn hóa lịch sử phong phú đa dạng. Thị trấn Daxu, phố cổ Phượng Hoàng hay Nam Kinh,…đều là những điểm du lịch làng cổ rất nổi tiếng tại quốc gia này.
Tại Anh, hình ảnh các làng cổ cũng rất phổ biến trên điện ảnh, đưa cuộc sống vùng nông thôn gần gũi hơn với công chúng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của du lịch. Nhiều du khách rất hào hứng với trải nghiệm trong những ngôi làng bước ra từ truyện cổ tích, những hoạt động đồng quê đặc trưng của vùng Tây Âu.
Dù việc khôi phục nếp sinh hoạt cũng như những kiến trúc cổ xưa còn nhiều khó khăn, một phần liên quan đến chi phí tốn kém (cứ 60 năm sẽ phải đại tu một lần đối với công trình nhà gỗ) hoặc vận động người dân không đập phá, xây mới, bù lại, tiềm năng để phát triển du lịch cũng rất lớn. Những hiệu quả như tạo việc làm cho người dân bản địa, bảo tồn bền vững giá trị văn hoá… là điều mà những mô hình làng cổ du lịch trên thế giới đã làm được.