Tái hiện nét đẹp văn hóa nông nghiệp cổ xưa
“Bảo tàng” nằm trong khuôn viên chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) do Hòa thượng Chau Sơn Hy - Trụ trì chùa tìm kiếm và sưu tầm. Theo Hòa thượng, trước đây ông có thói quen tìm và lưu giữ những nông cụ xưa của đồng bào Khmer để làm kỷ niệm. Sau đó, thấy người dân không biết bảo quản, nhiều nông cụ bị hư hỏng nên ông quyết định đứng ra vận động để tập hợp về chùa: “Ai có nông cụ hồi xưa thì cho sư xin để đem về chùa trưng bày, bảo quản tốt hơn cho con cháu sau này biết”.
Nhiều nông cụ được nhà sư trưng bày và bảo quản tại “bảo tàng”. |
Theo đó, từ năm 2006, nhiều bà con trong vùng và các nghệ nhân đã tích cực ủng hộ. Người góp công, người góp của để bộ sưu tập hiện vật ngày càng đa dạng, phong phú. Khi số lượng hiện vật lên đến trên 100 món thì Hòa thượng Chau Sơn Hy quyết định xây dựng “bảo tàng” để lưu giữ và trưng bày. “Tôi muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa nông nghiệp và tư liệu sản xuất xưa để lớp trẻ nhận biết quá trình ông cha làm ra hạt gạo cực khổ như thế nào. Từ khâu cày, bừa, cấy, rồi tới thu hoạch, cắt, đập bằng tay, đem vô sấy bằng sức, giã gạo cũng bằng sức... Qua đó, giúp lớp trẻ sống có trách nhiệm với chính mình, với người thân và xã hội”, Hòa thượng Chau Sơn Hy nói.
Theo Hòa thượng, các nông cụ nơi đây được sưu tầm và phân chia thành 3 nhóm dụng cụ: Các dụng cụ sử dụng làm ra hạt gạo, dụng cụ để tìm thức ăn và dụng cụ để vận chuyển. Bộ nông cụ làm việc trên đồng, chủ yếu dành cho nam giới như cày, bừa, dụng cụ dùng để cắt lúa, cây “đập” lúa. Bộ sưu tập dụng cụ chủ yếu dành cho nữ giới cũng rất đa dạng từ cối xay lúa bằng cần đẩy tay, cối giã lúa trực tiếp bằng chày tay cho đến cối giã cốm dẹp - món ăn đặc sản của đồng bào Khmer…
Hòa thượng Chau Sơn Hy giới thiệu các nông cụ cho những người tham quan. |
Có đến đây mới thấy hết được giá trị lao động của đồng bào Khmer xưa. Các dụng cụ đều được làm từ gỗ, tre và các loại cây rừng. Mọi thứ thoạt trông rất đơn giản nhưng khi vận dụng vào hoạt động sản xuất thì làm được rất nhiều việc. Nhìn nhiều món nông cụ đôi lúc chúng tôi phải ngớ người vì hình dáng kỳ lạ của nó và chẳng biết dùng để làm gì. “Đây là giỏ đựng cá khi đi tát đìa, tiếng Khmer gọi là Chêl-đak-rây. Cái này cũng là giỏ đựng cá nhưng là loại có nắp đậy, tiếng Khmer gọi là Trun. Còn đây là Sniên (cào cá bằng tay), Kay Đom Bal (khung dệt vải, lụa)…”- Hòa thượng Chau Sơn Hy giải thích.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Theo Hòa thượng Chau Sơn Hy, ấn tượng nhất trong các đồ nông cụ ở đây là “xe bò đua” trong phum sóc ngày xưa. “Hình thức na ná xe bò ngày nay, nhưng xe bò cổ có phần thùng nhỏ, gọn được thiết kế theo dáng nửa hình tròn đủ 3 người ngồi. Đây cũng được xem là “tổ” của môn đua bò nổi tiếng của đồng bào Khmer Bảy Núi ngày nay”- Hòa thượng Chau Sơn Hy nói.
“Xe bò đua” được chế tác từ năm 1894. |
Theo nhà sư, chiếc xe được chế tác vào năm 1894. “Tôi nghe chủ nhân chiếc xe kể lại, xe này đã trải qua 3 đời. Hồi đó ông nội sử dụng, xong rồi ông nội mất thì chia cho cha, cha mất đi chia cho ổng. Bây giờ ổng tám mươi mấy tuổi rồi”.
Đồng thời, ông cũng cho biết thêm: “Loại hình đua bò kéo xe chỉ thực hiện trên đường bộ nên mức độ nguy hiểm cao, vì vậy sau đó phải nhường chỗ cho loại hình đua bò kéo bừa trên mặt ruộng có nước ngập xăm xắp, tính nghệ thuật và an toàn. Vì thế ngày nay, nhiều thanh niên Khmer chỉ biết được xe bò đua xưa qua lời kể của ông bà hay thông tin ngắn gọn trên các phương tiện truyền thông”.
Mong muốn giới thiệu và giáo dục cho thế hệ trẻ biết về những giá trị truyền thống xa xưa của Hòa thượng Chau Sơn Hy phần nào được thực hiện khi học sinh các trường dân tộc nội trú trên địa bàn được tạo điều kiện đến tham quan, học tập. Đa phần các em đến đây đều hào hứng và ngạc nhiên vì cho những nông cụ từ trước đến nay chưa từng thấy. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của Hòa thượng mà sau buổi tham quan, các em đã có thêm nhiều kiến thức và hiểu biết về đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Khmer xưa.
Hòa thượng đang giới thiệu và hướng dẫn các sử dụng các nông cụ ngày xưa. |
“Mình thuyết giảng cho các em biết đời sống ông cha ta ngày xưa khó khăn như thế nào để nuôi nấng cha mẹ mình cho tới đời mình. Cũng như hột cơm mình ăn phải cày, bừa, cắt, đặp, sấy, giã bằng công sức mới ra hột cơm nên cực khổ lắm. Ngoài ra, còn cho các em hiểu rõ trí tuệ của ông cha ta, biết cách làm vật dụng sinh hoạt không cần máy móc. Ông bà, cha mẹ mình cực khổ lắm nên mình phải biết ơn và hiếu thảo”, Hòa thượng Chau Sơn Hy tâm sự.
Đến đây bên cạnh việc chiêm ngưỡng các hiện vật mang đậm giá trí lịch sử, văn hóa, người ta còn thích thú và bị cuốn hút bởi kiến thức chuyên sâu và tấm lòng, sự say mê sưu tầm nhằm lan tỏa và gìn giữ những hiện vật này tồn tại mãi với thời gian.