Thực phẩm dùng trong dịp Tết có thể để qua nhiều ngày, hình thức đẹp, mùi vị hấp dẫn là những tiêu chí được các bà nội trợ đặt lên hàng đầu. Vì thế, chiếc tủ lạnh và các chất phụ gia (CPG) chẳng khác nào “chiếc đũa thần” để họ thực hiện được điều này. Tuy nhiên, rất nhiều người đã mắc sai lầm trong cách bảo quản thực phẩm và sử dụng CPG.
CPG - lợi bất cập hại
Chất phụ gia giúp thực phẩm trông bắt mắt hơn, nhưng thường không có lợi cho sức khỏe. (Ảnh minh họa) |
Nếu trước đây các bà, các mẹ phải mổ bò, lựa chọn những bắp thịt tươi ngon còn nóng hổi để quết thành miếng chả vừa thơm, vừa giòn và có độ dai, thì nay, với công nghệ sử dụng CPG, sự khắc khe trong lựa chọn nguyên vật liệu ban đầu và quá trình chế biến đã thay đổi đáng kể. Theo kỹ sư Trương Quốc Khanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, không phải tất cả CPG đều bị cấm sử dụng. Bộ Y tế đã ban hành danh mục gồm 22 nhóm với 274 CPG và 63 hương liệu được phép sử dụng. Tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm sẽ có một hàm lượng CPG tương ứng.
Tuy nhiên, việc sử dụng CPG còn diễn ra khá tùy tiện. Bà nội trợ, hoặc người kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn có thể dễ dàng ra chợ mua chất tạo màu, tạo ngọt, men, chất tạo sánh… theo ý thích thay vì theo hàm lượng cho phép. Kỹ sư Trương Quốc Khanh cho rằng, đôi khi không phải do lỗi người tiêu dùng, mà do người kinh doanh CPG không tuân thủ quy định ghi nhãn mác. Trong khi đó, việc kiểm tra CPG trong thành phần thực phẩm tại Đà Nẵng hiện nay còn gặp nhiều trở ngại. “Điều kiện trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu xét nghiệm. Nếu có cũng chỉ thực hiện được một số chỉ tiêu xét nghiệm nhưng lại quá tốn kém”, kỹ sư Trương Quốc Khanh nói.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng không phân biệt được đâu là nguyên liệu, đâu là CPG trên nhãn mác, trong khi CPG khá phong phú, lại có tên khoa học khó nhớ. Kỹ sư Trương Quốc Khanh gợi ý, hàng hóa trên sản phẩm Việt Nam thì được ghi bằng tiếng Việt. Nếu trên nhãn có tiếng La-tinh, tiếng Anh xen vào, người tiêu dùng có thể nghĩ đến đó là tên của CPG ghi theo công thức hóa học. Để đơn giản và dễ nhớ, có khi nhà sản xuất sẽ ghi CPG theo hệ thống chỉ số quốc tế. Chẳng hạn, mì chính sẽ có chỉ số 621, chất chống mốc tương ứng với số 211.
Lạm dụng CPG hẳn nhiên sẽ gây hại, trong đó có thể kể đến 4 cái hại chính là ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính, nguy cơ đột biến gen và CPG có thể tương tác với một chất nào đó trong thực phẩm tạo nên độc tố.
Tủ lạnh không lưu trữ được dài ngày
Cho thực phẩm vào tủ lạnh để sử dụng trong những ngày Tết được coi là phương pháp tối ưu. Thông thường, các bà nội trợ hễ mua thức ăn tươi sống về là nhét vào tầng đá… cho chắc. Nhưng ít ai biết được, thói quen này đã làm giảm đáng kể chất dinh dưỡng có trong thực phẩm và có thể sinh ra một số hoạt chất gây ung thư. “Đông lạnh nhanh (tức được đông lạnh trong nhà máy có thiết bị làm lạnh tức thì dưới khoảng 18 độ C) và rã đông chậm mới là cách làm đúng.
Nhưng người dân vẫn quen cho thực phẩm tươi sống đông lạnh chậm (bằng ngăn đá của tủ lạnh) và rã đông nhanh”, kỹ sư Trương Quốc Khanh nói. Tốt nhất, nếu không phải là thực phẩm đông lạnh công nghiệp thì nên cho thực phẩm tươi sống vào ngăn kề dưới ngăn đá, có nhiệt độ từ 0 đến 5 độ C. Muốn cho thực phẩm vào tủ lạnh phải làm vệ sinh, bao gói kín, ráo nước. Thực phẩm dễ bị ô nhiễm (như thịt gà) để ở dưới, thực phẩm ít bị ô nhiễm (thịt bò) để phía trên. Điều quan trọng, tủ lạnh không phải là chỗ lưu trữ thức ăn vài tuần hay cả tháng.
Bài và ảnh: THU HOA