Tuy hiện nay không còn là địa phương thuộc diện được thụ hưởng từ Đề án 30a của Chính phủ, song Bảo Lâm vẫn là huyện nghèo khi phần lớn cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống bằng nông - lâm nghiệp. Vì vậy, đầu tư để xóa đói giảm nghèo cho nông dân, nhất là đồng bào DTTS, đang được Đảng bộ và chính quyền huyện Bảo Lâm đặc biệt quan tâm.
Qua khảo sát của chính quyền địa phương, nguyên nhân chính dẫn tới đói nghèo của nông dân Bảo Lâm là thiếu đất canh tác và trình độ thâm canh cây trồng vật nuôi còn quá thấp so với các địa bàn khác của tỉnh. Năm 2005, thời điểm toàn tỉnh triển khai Chương trình khai hoang cấp đất cho các hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất, Bảo Lâm có tới 1.564 hộ DTTS sinh sống tại 11/14 xã - thị trấn có nhu cầu được cấp thêm 483 ha đất canh tác. Tận dụng những vùng đồi còn hoang hóa để tiến hành khai hoang và chuyển đổi mục đích sử dụng, đến nay huyện đã cấp được 396 ha đất cho 719 hộ sinh sống tại các xã B’Lá, Lộc Ngãi, Lộc Bắc, Lộc Bảo và thị trấn Lộc Thắng. Các hộ thiếu đất nhưng không còn quỹ đất để cấp cũng được UBND huyện phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm và Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc ưu tiên giao khoán quản lý bảo vệ gần 1.000 ha rừng sản xuất, rừng phòng hộ (Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc giao 424 ha rừng sản xuất cho 20 hộ, Công ty Lâm nghiệp Bảo lâm giao 599,4 ha rừng phòng hộ cho 28 hộ thiếu đất quản lý bảo vệ. Theo Chi cục Lâm nghiệp, từ năm 2006 đến nay cùng với các hộ thiếu đất sản xuất, các hộ nghèo ở các xã diện 135 thuộc huyện Bảo Lâm đã được các chủ rừng giao khoán quản lý bảo vệ 43.383 ha rừng và đất rừng; trong đó giao khoán BVR bằng ngân sách tỉnh 30.297 ha, bằng vốn DA 661 8.6001 ha, bằng vốn CT 304 505 ha… với tổng giá trị giao khoán gần 15,183 tỷ đồng và 1.906 ha đất lâm nghiệp); 150 hộ ở xã Lộc Nam được đầu tư chăn nuôi 150 con bò giống laisind; gần 290 hộ khác ở Lộc Thắng được huyện tổ chức dạy các nghề địa phương có nhu cầu như cắt may, gò hàn, sữa chữa động cơ bằng nguồn ngân sách địa phương và nhiều lao động sau đó đã có việc làm. Cùng với cấp đất sản xuất, chuyển đổi nghề, việc chuyển giao tiến bộ KHKT nông nghiệp cho nông dân nghèo cũng đã được Hội Nông dân và ngành NN-PTNT huyện quan tâm. Thống kê của Hội Nông dân huyện, từ năm 2005 tới nay đã có 250 lớp tập huấn, 72 buổi hội thảo về thâm canh cây trồng- vật nuôi được hội và Trung tâm Nông nghiệp huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh( Sở NN-PTNT)… tổ chức tại địa bàn vùng sâu vùng xa với trên 11 ngàn lượt hội viên - nông dân tham gia. Phát huy nội lực của gia đình và kiến thức tiếp thu ở các lớp chuyển giao tiến bộ KHKT và được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, cây con giống, vật tư nông nghiệp cho vay vốn ưu đãi (riêng năm 2009 Ngân hành Chính sách xã hội đã cho trên 4 nghìn hộ nghèo vay 37,122 tỷ đồng vốn phát triển sản xuất, Công ty cổ phần Bình Điền Lâm Đồng bán trả chậm cho nông dân nghèo 1.200 tấn phân bón thông qua tín chấp của Hội Nông dân huyện…), đến nay nhiều hộ nông dân nghèo, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS đã thoát nghèo, không ít hộ đã trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi. Hội Nông dân huyện Bảo Lâm cho hay, toàn huyện hiện đã có 3.600 hộ nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 400 hộ cấp tỉnh, 1.000 hộ cấp huyện và 2.500 hộ cấp cơ sở; đặc biệt, có tới 40% số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên trước đây thuộc diện được đầu tư xóa đói giảm nghèo.
Việc ngày càng có nhiều hộ nông dân nghèo đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cho thấy Bảo Lâm đã thành công trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, và các nguồn đầu tư của Nhà nước tại huyện đã phát huy hiệu quả cao.
Việc ngày càng có nhiều hộ nông dân nghèo đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cho thấy Bảo Lâm đã thành công trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, và các nguồn đầu tư của Nhà nước tại huyện đã phát huy hiệu quả cao.
Đức Hưng