Hiệu quả từ “Một cửa điện tử”
Trước đây, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo quy trình Một cửa trong ngành BHXH chủ yếu được thực hiện thủ công, vẫn tồn tại hồ sơ bị trả chậm, muộn, thậm chí bị thất lạc. Để khắc phục triệt để, BHXH TP đã triển khai quy trình nghiệp vụ và phần mềm “Một cửa điện tử”, giúp giảm tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm, muộn từ gần 20% đến nay chỉ còn dưới 4%, có đơn vị dưới 1%. Với 300.000 - 600.000 hồ sơ hành chính về BHXH, BHYT được tiếp nhận giải quyết hàng tháng, phần mềm “Một cửa điện tử” đã cho phép theo dõi hiệu quả quy trình “tiếp nhận - luân chuyển - giải quyết - trả kết quả” mọi hồ sơ; theo dõi việc luân chuyển hồ sơ giữa các bộ phận và giữa BHXH TP với BHXH quận, huyện theo quy trình khép kín...
Từ đầu năm đến nay, 100% đơn vị sử dụng lao động và 100% TTHC trong ngành đã được tiếp nhận và trả kết quả qua hệ thống “Một cửa điện tử”, với 13 TTHC đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. Phần mềm này không chỉ cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành, mà còn góp phần minh bạch hóa quy trình giải quyết chế độ bảo hiểm, nâng cao chất lượng phục vụ, giúp công dân chỉ phải nộp hồ sơ và nhận kết quả tại một đầu mối…
Tại các BHXH quận, huyện, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong giải quyết TTHC cũng đều được chú trọng. Giám đốc BHXH Cầu Giấy Chu Phương Mai chia sẻ: Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn tại đơn vị năm nay đã đạt hơn 99%. Mọi cán bộ, công chức, viên chức được trang bị đầy đủ máy tính phục vụ chuyên môn, được đào tạo sử dụng tin học thành thạo, thường xuyên dùng thư điện tử để trao đổi văn bản... Tại BHXH quận Long Biên, toàn bộ văn bản chỉ đạo và giấy tờ liên quan được chuyển cho viên chức qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành, góp phần đưa hơn 99% hồ sơ được giải quyết đúng hạn.
Hạn chế giao dịch hồ sơ giấy tại trụ sở
Theo Giám đốc BHXH TP Nguyễn Thị Phương Mai: Cùng với nâng cao nhận thức, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo BHXH TP đề ra định hướng nâng cấp phần mềm “Một cửa điện tử” cho phù hợp các quy định mới trong quy trình “tiếp nhận - luân chuyển - giải quyết - trả kết quả” (với cả hồ sơ giấy và điện tử).
“Giao dịch hồ sơ điện tử và giao nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính là một giải pháp rất căn bản giúp đơn vị sử dụng lao động giảm thời gian cho công tác BHXH, BHYT. Song qua một năm triển khai, vẫn còn nhiều đơn vị chưa tham gia. Dù BHXH TP đã quyết liệt chỉ đạo trong ngành, nhưng chỉ có thể vận động chứ chưa có chế tài bắt buộc các đơn vị sử dụng lao động thực hiện” - bà Mai nhấn mạnh.
Đồng thời đề nghị: Các cơ quan chức năng cần quan tâm tháo gỡ và chỉ đạo bắt buộc mọi đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử với những TTHC đủ điều kiện, hạn chế giao dịch hồ sơ giấy thông thường tại trụ sở cơ quan BHXH, chuyển sang dùng dịch vụ bưu chính.
Giám đốc BHXH Long Biên Nguyễn Thị Mai Hương cũng kiến nghị TP quan tâm hỗ trợ nhiều nguồn lực hơn để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, sớm có lộ trình và hướng dẫn triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...