Trả lời truyền thông, ông Phùng Văn On - Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh Long An cho biết, tại thời điểm gây tai nạn, chiếc xe này đang kéo rơ mooc và trên rơ mooc là hai container hàng hóa là gạo bên trong. “Tại thời điểm gây tai nạn, xe chở 56 tấn gạo. Số lượng gạo là 56 tấn cộng với xác xe là 28 tấn, theo giấy phép lưu hành xe đã vượt quá tải trọng”, ông On nói.
Từ góc độ an toàn, chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, xe chở quá tải ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thao tác kỹ thuật của lái xe như căn đường và xử lý tình huống không chuẩn xác. Chở quá tải còn là nguyên nhân gây ra các hư hỏng đột ngột như nổ lốp, giảm hoặc mất hiệu lực của hệ thống phanh, lật xe khi vào cua… dẫn đến những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.
Còn nhớ, năm 2016, tại khu vực cầu Trường Đai, đường Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp (TP HCM) đã xảy ra vụ tai nạn khiến 2 người chết, 5 người bị thương khi chiếc xe ben chở cát loại 5 tấn đổ dốc cầu Trường Đai và mất thắng. Nguyên nhân vụ TNGT là vào thời điểm gây tai nạn chiếc xe ben chở quá trọng tải quy định.
Xe chở quá tải không chỉ dễ gây TNGT mà còn là nguyên nhân khiến nhiều con đường trở nên mất an toàn do xuống cấp. Chứng minh khoa học cho thấy, một xe chở vượt tải trọng gấp 2 lần cho phép, sức phá hoại đường của nó tương đương 16 xe chở đúng tải trọng; còn nếu chở gấp 3 lần, sức phá hoại tương đương 81 xe. Theo tính toán, đáng lẽ đường mới làm phải sử dụng tốt trong 10 năm đầu, nhưng do xe chở quá tải nên chưa đến 1 năm đưa vào sử dụng đã phải đại tu.
Như vậy thực tế có thể thấy là TNGT là kết quả của phép tính cộng giữa xe chở quá tải (tác động trực tiếp đến người điều khiển phương tiện, gây căng thẳng và mệt mỏi trong suốt hành trình đối với lái xe, đồng thời làm ảnh hưởng đến hệ thống an toàn kỹ thuật của xe) và hệ thống kết cấu hạ tầng đường xá bị hư hỏng. Bên cạnh đó, xe chở hàng quá trọng tải đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng trong kinh doanh vận tải đường bộ và các phương thức vận tải khác, nhất là về cước vận tải, làm ảnh hưởng đến bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.
Vấn đề quá tải của chiếc xe gây tai nạn tại huyện Bến Lức cũng được nhắc đến tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông vừa diễn ra ngày 4/1/2019. Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định, xe container gây tai nạn này đã chở gạo quá tải. Ông Huyện đã đề nghị tỉnh Long An kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này và các địa phương khác cũng cần rà soát, vì tình trạng xe chở quá tải đang diễn ra rất nhiều.
Nhận định xe chở quá tải đang diễn ra rất nhiều của ông Huyện hoàn toàn chính xác. Cách đây hơn 5 năm, cuối năm 2013, tại buổi họp trực tuyến về công tác kiểm soát xe tải trọng lớn giữa Bộ Công an, Bộ GTVT, các tỉnh thành phố và các ban ngành liên quan đã cho thấy tình trạng xe chở quá tải tham gia giao thông đường bộ đang diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tập trung trên các tuyến đường huyết mạch, đầu nguồn hàng như cảng, kho hàng, khu công nghiệp, khu khai thác vật liệu. Qua kiểm tra cho thấy, trong tổng số xe được kiểm tra thì có đến 50% số lượng xe chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, có xe vượt quá tải trọng đến 200%.
Bên cạnh vấn đề xe chở quá tải thì tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông ngày 4/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đưa ra quan điểm sẽ phải siết lại hoạt động thanh, kiểm tra lái xe sử dụng rượu bia, ma túy và quản chặt về thời gian lái xe tối đa (không quá 4 tiếng liên tục). Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ phải siết chặt việc học, thi cử và cấp bằng lái, kể cả xe con và xe tải, đặc biệt với loại xe container. Đại diện Bộ Công an đề nghị nghiên cứu, tách Luật Giao thông đường bộ làm hai Luật: Luật Giao thông vận tải đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông và tới đây cũng phải xây dựng Quy chế giữa hai Bộ Công an và Giao thông để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất ở cả đường bộ và đường sắt.