Hai vấn đề được cho là quan trọng hàng đầu trong công tác phòng chát chữa cháy (PCCC) là con người và phương tiện. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Luật PCCC, theo đánh giá của Bộ Công an, "Cảnh sát PCCC hiện có quá mỏng, thiếu nghiêm trọng", còn kinh phí đầu tư từ ngân sách cho trang thiết bị thì "nhỏ giọt", chưa đáp ứng yêu cầu.
0,001% ngân sách địa phương
Theo Bộ Công an, trong 10 năm qua, Ngân sách nhà nước đầu tư mua sắm trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) khoảng 2.330 tỷ đồng và khoảng 37,5 tỷ đồng thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Một vụ hỏa hoạn |
Nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho công tác PCCC chiếm 28,9% tổng đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác PCCC. Ngoài kinh phí tập trung của Nhà nước, bước đầu đã có nhiều tổ chức phi Chính phủ, DN và các nhà hảo tâm ở nước ngoài đã đầu tư trang bị phương tiện PCCC cho các địa phương.
Mặc dù trong 10 năm qua, Nhà nước đã có nhiều cố gắng đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC và CNCH nhưng cũng theo Bộ Công an "vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC trong vòng 10 năm mới chỉ chiếm khoảng gần 0,119% GDP của cả nước trong 1 năm (năm 2010). Trong khi đó nhu cầu đầu tư cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từ nay đến năm 2015 là 9.660 tỷ đồng”.
UBND các cấp mặc dù đã có đầu tư mua sắm phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, nhưng vẫn quá ít so với nhu cầu thực tế. Tính trung bình mỗi năm, mỗi địa phương đầu tư khoảng 5,66 tỷ đồng (tương đương giá trị 01 xe chữa cháy).
Hiện nay, chỉ có 12 UBND cấp tỉnh đầu tư kinh phí chiếm khoảng 0,03% tổng thu ngân sách địa phương cho hoạt động PCCC tại địa phương, còn có tới 37 UBND địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí chưa đầu tư hoặc có đầu tư nhưng rất hạn chế, chiếm dưới 0,001% tổng thu ngân sách địa phương cho hoạt động PCCC. UBND cấp huyện, xã thì hầu như chưa có đầu tư đáng kể cho hoạt động PCCC.
Thực trạng tình hình trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn nhiều bất cập, lạc hậu. Trong tổng số 792 xe chữa cháy hiện có thì xe chất lượng khá chỉ có 199 chiếc, chiếm 25,13%, và có đến gần 30% xe có chất lượng kém, đang chờ thanh lý.
Kinh phí + con người phải đảm bảo
Bên cạnh vấn đầu tư về kinh phí, trang thiết bị, việc xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng còn nhiều bất cập. Dù Bộ Công an đã và đang tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từ Trung ương đến địa phương, tăng cường biên chế, năng lực chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại những địa bàn trọng điểm.
Tuy nhiên, Bộ Công an cũng cho biết, mạng lưới các đội Cảnh sát PCCC hiện có quá mỏng, không đáp ứng yêu cầu. Biên chế của lực lượng Cảnh sát PCCC cũng thiếu nghiêm trọng. Mười năm qua, số cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC liên tục tăng nhưng biên chế lực lượng Cảnh sát PCCC tăng không đáng kể, dẫn đến quá tải trong công việc và ảnh hưởng đến chất lượng công tác. Công tác xây dựng lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên ngành chưa đáp ứng theo yêu cầu quy định của Luật PCCC.
Hai giải pháp được đưa ra cho những vấn đề nêu trên được Bộ Công an chỉ rõ, đó là UBND các địa phương cần đảm bảo kinh phí hoạt động PCCC của địa phương mình, tăng cường đầu tư cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở địa phương. Đối với các doanh nghiệp phải tự đảm bảo kinh phí cho việc tổ chức thực hiện công tác PCCC của doanh nghiệp mình.
Đồng thời, bổ sung biên chế đội ngũ Cảnh sát PCCC làm công tác phòng ngừa ở cấp tỉnh và quản lý công tác PCCC ở cấp huyện, đầu tư thành lập mới các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH ở những nơi đang có nhu cầu cấp bách phải thành lập. Đây là hai giải pháp quan trọng nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công tác PCCC hiện nay.
Đông Bình