Báo động tình trạng người tâm thần sát hại người thân

Đối tượng Phượng tại cơ quan điều tra.
Đối tượng Phượng tại cơ quan điều tra.
(PLO) - Trong vòng 1 năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều vụ án giết người do người tâm thần gây ra, hung thủ và nạn nhân đều cùng chung huyết thống. Việc phòng ngừa nỗi đau này dường như chưa được quan tâm đúng mức…

Những vụ án đau lòng

Không ai không đau lòng trước một vụ án mạng xảy ra và mong muốn kẻ gây án phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật. Đối với những trường hợp người gây án mắc bệnh tâm thần, nạn nhân là người thân thì nỗi đau đó càng chồng chất.

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp xảy ra án mạng người tâm thần sát hại người thân của mình. Mới đây nhất, vào khoảng 1h ngày 22/7, Lương Thị Kim Phượng (SN 1998 tuổi, ngụ thôn Tân Mỹ, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ) về nhà sau khi đi hát karaoke với nhóm bạn trai từ lúc 21h ngày hôm trước. Khi Phượng về đến nhà liền bị ông Lương Ngọc Thanh (SN 1972, cha ruột của Phượng) nhắc nhở, la mắng vì đi chơi về khuya. 

Lúc này, Phượng đứng lại cãi nhau với cha, rồi xảy ra xô xát. Trong lúc tức giận, Phượng bất ngờ dùng gậy, gạch ném vào người ông Thanh khiến ông này ngã xuống. Thấy vậy, Phượng tiếp tục cầm gạch lao tới tấn công khiến ông Thanh tử vong tại chỗ.

Ông Võ Tấn Điệp - Chủ tịch UBND xã Phổ Minh xác nhận, Phượng có tiền sử bị bệnh tâm thần, từng nhiều lần lên cơn động kinh. “Rất có thể, đêm xảy ra sự việc, Phượng bị kích động mới lên cơn động kinh nên có hành động đánh cha đến chết như thế”, ông Điệp cho biết.

Trước đó, khoảng 9h30 ngày 17/7, Đinh Văn Theo (SN 1978, ở thôn Yên Ngựa, xã Long Sơn, huyện Minh Long) đi làm rẫy về thì bắt gặp con trai là cháu Đinh Văn Tùng (SN 2010) đang chơi đùa với 2 đứa cháu của ông Đinh Trũi (ngụ thôn Gò Tranh, xã Long Sơn). Trong lúc lên cơn tâm thần, Theo đã dùng rựa đuổi theo cháu Tùng rồi dùng dao chém 2 nhát vào đầu khiến đứa con trai tử vong tại chỗ. 

Đối tượng Theo tại cơ quan điều tra.
Đối tượng Theo tại cơ quan điều tra.

Điều đáng nói, cách đây 2 năm, chính Theo cũng đã sát hại 1 đứa con ruột khác của mình trong lúc lên cơn là cháu Đinh Văn T. (SN 2008). Theo chị Đinh Thị Rác (SN 1978), Theo là người nghiện rượu, thường xuyên đánh đập vợ con. Đến năm 2012, thấy Theo có những biểu hiện bất thường, chị Rác đã dẫn chồng đi khám thì bác sĩ kết luận Theo bị bệnh tâm thần. 

Sau khi sát hại cháu T., Theo bị bắt buộc chữa trị bệnh năm 2016. Tuy nhiên, vài tháng sau thì cơ quan chức năng y tế xác nhận Theo hết bệnh và trả về cộng đồng. Nhưng khi về nhà bệnh thỉnh thoảng tái phát mà không được chữa trị kịp thời.

Theo thống kê của chúng tôi, trong vòng 1 năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 6 vụ án người tâm thần giết người. Trong đó có 5 vụ truy sát người thân, giết mẹ ruột, con ruột. 

Ngày 16/7, vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã đưa Trần Ngọc Dũng (SN 1972, ở thôn Đồng Vinh, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) đến Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên - Huế để giám định bệnh. 

Trước đó, cuối năm 2017, Dũng đã dùng dao sát hại mẹ ruột đã 87 tuổi của mình. Thảm kịch khi Dũng bị bệnh tâm thần điều trị tại nhà, trong lúc người mẹ già đem đồ uống cho mình thì Dũng ra tay sát hại. 

Còn trường hợp Phạm Văn Vũ (SN 1983, ở xã Tịnh Thiện, TP.Quảng Ngãi) trong lúc lên cơn đã cầm rựa đuổi chém cha ruột là ông Phạm Văn Thành cũng gây chấn động dư luận vào đầu năm 2018. 

Nếu phạm tội sẽ lặp lại hành vi tội ác

Hiện nay người mắc bệnh tâm thần được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình chiếm tỷ lệ lớn. Việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng, cho xã hội. Đáng lo ngại nữa là ở các làng quê, người bệnh tâm thần thường uống rượu, dẫn đến phát bệnh nặng không nhận thức được hành vi. 

Trong khi đó, bệnh viện tâm thần chỉ điều trị cho người bệnh trong một thời gian ngắn rồi trả về địa phươn. Cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần trốn bệnh viện về lại nhà. Và chính những trường hợp “thương mà làm hại” từ phía gia đình, sự chủ quan từ phía chính quyền địa phương và người dân đã khiến cho những vụ án do người tâm thần gây ra ngày càng gia tăng và để lại những hậu quả, hệ lụy đau lòng.

Ông Đinh Văn Bút - Trưởng thôn Yên Ngựa, lo lắng: “Sau khi điều trị, bệnh viện tâm thần trả Theo về vì giám định hết bệnh, nhưng thực ra không biết khi nào tái phát bệnh. Vì thế, tôi đề nghị ngành chức năng y tế phải giữ Theo khi nào thật sự hết bệnh thì mới trả về cộng đồng. Nếu mà vài tháng lại trả về thì địa phương chúng tôi không dám nhận đâu”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi, yếu tố bệnh lý dẫn đến các hành vi phạm tội ở những bệnh nhân này là hoang tưởng bị truy hại, ảo thanh ra lệnh, ảo thanh bình phẩm xấu, chán nản bi quan, kích động vận động… Ngoài ra, một số yếu tố bên ngoài có thể thúc đẩy hành vi phạm tội của bệnh nhân như căng thẳng tâm lý, lạm dụng rượu và ma túy khiến cho hành vi phạm tội của bệnh nhân diễn ra mãnh liệt, tức thời. 

“Điều đáng lưu ý ở đây là với một bệnh nhân tâm thần đã phạm tội thì họ sẽ phạm tội lần thứ hai, lần thứ ba nếu bệnh vẫn còn. Đáng buồn thay, các bệnh tâm thần nêu trên chỉ có thể điều trị ổn định chứ không thể khỏi hẳn. Do đó, bệnh sẽ tái phát khi ngừng điều trị, kéo theo là lặp lại hành vi phạm tội”, bác sĩ Vũ cho biết.

Thực tế hiện nay có nhiều bệnh nhân tâm thần sống chung với gia đình đồng nghĩa với việc người thân của họ đành chấp nhận sống chung với hiểm họa tiềm ẩn. Khi mà Nhà nước chưa đủ nguồn lực để tiếp nhận hết các đối tượng thì vai trò của gia đình là quan trọng hàng đầu. 

Theo các chuyên gia, trước hết, những người thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với người bệnh phải được tập huấn kỹ năng quản lý, chăm sóc, phòng ngừa những tình huống nguy hiểm. Phải hiểu rõ được tâm lý của họ thay đổi ra sao, thời điểm nào cần ăn, cần ngủ; khi lên cơn, nổi khùng thì xử lý thế nào. 

Một lưu ý nữa là không cho người tâm thần tiếp xúc với những công cụ có khả năng gây sát thương, tránh hành vi, lời nói làm bệnh nhân kích động, bốc hỏa dễ dẫn đến gây án. 

Chính quyền cơ sở cũng phải tích cực vào cuộc trong việc rà soát, theo dõi, nắm chắc các đối tượng cũng như gia cảnh của họ để có giải pháp hỗ trợ, đề nghị trợ cấp, tạo điều kiện để có nguồn thu mua thuốc điều trị đều đặn. 

Thực tế cho thấy, dù gây ra những án mạng nghiêm trọng nhưng những người tâm thần nặng sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Bởi vậy, khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tâm thần.

Nếu kết luận, bệnh của đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự thì viện kiểm sát sẽ ra quyết định không truy tố, đồng thời kèm theo quyết định đi chữa bệnh bắt buộc. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ đưa họ đi chữa trị cho đến khi ổn định, rồi bàn giao cho gia đình và địa phương. Điều này cũng khiến cho nguy cơ gây án tiếp tục tăng cao.

Đọc thêm

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.