Xin ông cho biết một số điểm mới chủ đạo của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015?
- BLDS năm 2015 được ban hành trong bối cảnh Việt Nam đã trải qua 30 năm đổi mới toàn diện về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, có nhiều yêu cầu, tư tưởng mới được đặt ra về bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm quyền dân sự của người dân, của doanh nghiệp, bảo đảm thể chế pháp lý ổn định, minh bạch, khả thi phù hợp với các quan hệ thị trường và có tính hội nhập. Do đó, trên cơ sở kế thừa các quy định tiến bộ của pháp luật dân sự Việt Nam, nội dung của Bộ luật cũng đã có nhiều tiếp cận mới, mang tính cải cách về tư duy pháp lý và cơ chế pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự thể hiện trên ba vấn đề cơ bản.
Cụ thể, một là, bảo đảm vị trí, vai trò của BLDS là luật chung, tạo nền tảng pháp lý ổn định, nhất quán cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự. Hai là, xây dựng cơ chế pháp lý thuận lợi, nhân văn và khả thi hơn trong bảo đảm cho cá nhân, pháp nhân tham gia các quan hệ dân sự, người yếu thế được bình đẳng với chủ thể khác về địa vị pháp lý, được tiếp cận quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trong quan hệ dân sự. Ba là, bảo đảm BLDS là luật của các quan hệ thị trường, góp phần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý về tài sản, sở hữu và giao dịch, góp phần xây dựng thể chế kinh tế của Việt Nam thông thoáng, ổn định, thị trường phát triển lành mạnh, có tính hội nhập, công bằng, hợp lý, an toàn và ít rủi ro pháp lý.
Một điểm nối thống nhất trong ghi nhận lập pháp từ quy định của BLDS đến Bộ luật Tố tụng dân sự là quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Bình luận của ông về quy định này?
- Có thể khẳng định đây là một trong các quy định đáng ghi nhận nhất, mặc dù quy định này không hoàn toàn mới trong lịch sử pháp luật dân sự ở nước ta, nhưng thực sự là quy định có tính đột phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trên phương diện bảo đảm vai trò của Tòa án trong bảo vệ công lý, mà còn là cơ chế pháp lý linh hoạt, kịp thời khắc phục những “khoảng trống pháp lý” trong điều chỉnh các quan hệ dân sự, đáp ứng được yêu cầu không ngừng của cuộc sống. Quyền con người, quyền công dân, quyền của các chủ thể kinh doanh vì thế được kịp thời công nhận, thực hiện và bảo vệ, góp phần làm ổn định các quan hệ dân sự và các quan hệ xã hội khác có liên quan.
Với đơn vị được giao chủ trì nhiều hoạt động triển khai thi hành BLDS, ông có thể cho biết tình hình triển khai thi hành Bộ luật này tại các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương?
- Triển khai thi hành BLDS năm 2015, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Bộ luật (kèm theo Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ).
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Trực tuyến toàn quốc về triển khai thi hành Bộ luật. TANDTC, VKSNDTC và nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế... đã và đang tổ chức tập huấn BLDS trong ngành, địa phương hoặc lĩnh vực ngành nghề của mình. Việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa quy định của BLDS về chuyển đổi giới tính, đăng ký tài sản, hợp đồng, hợp tác, hụi, họ biêu, phường bước đầu được thực hiện. Ngoài ra, một số luật khác có liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại cũng đang được cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu chính sách về sửa đổi, bổ sung, trong đó có liên quan đến việc triển khai thi hành BLDS...
Bộ Tư pháp cũng đang chủ trì, phối hợp với 21 bộ, ngành có liên quan tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BLDS năm 2015. Tính đến ngày 06/9/2016, 21/21 bộ, ngành đã có báo cáo kết quả rà soát gửi về Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến BLDS năm 2015 và đang lấy ý kiến của bộ, ngành và các chuyên gia để hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn chung, ý kiến của các bộ, ngành cho thấy, về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát đã có sự tương thích, đồng bộ, thống nhất với quy định của BLDS năm 2015. Bên cạnh đó, qua ý kiến của một số bộ, ngành và kết quả nghiên cứu, rà soát của Bộ Tư pháp thì vẫn còn có những nội dung pháp lý trong BLDS năm 2015 cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới để kịp thời triển khai BLDS vào cuộc sống, bảo đảm sự thống nhất về nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự.
Xin cảm ơn ông!