Báo chí – diễn đàn tin cậy của nhân dân
Đánh giá về tình hình thông tin trên báo chí năm 2016, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, trong năm qua, về cơ bản, báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.
Báo chí đã tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả, góp phần vào thành công tốt đẹp của Đại hội XII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Báo chí cũng đã chủ động khai thác, tuyên truyền, phản ánh đậm nét các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, các sự kiện quan trọng, các hoạt động kỷ niệm lớn của đất nước.
Báo chí năm qua đã tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu trong công cuôc đổi mới; kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực; đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân. Các vấn đề về nhân sinh, an toàn thực phẩm; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội đều được báo chí quan tâm, phản ánh kịp thời, trong đó có việc thông tin khách quan và kịp thời về sự cố môi trường ở các tỉnh ven biển miền Trung…
Tuy nhiên, hoạt động thông tin trên báo chí năm qua cũng vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế như: thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ; thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin; thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam…
Chính phủ chia sẻ thách thức của báo chí
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định báo chí là một phần không thể thiếu với Chính phủ. Bởi, ngoài việc thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách thì báo chí còn giúp phản biện, góp ý cho việc xây dựng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành.
Chia sẻ với những thách thức của báo chí hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng báo chí không chạy theo thương mại nhưng các cơ quan báo chí hiện cũng phải dành tâm lực để lo kinh tế, đảm bảo tờ báo tiếp tục phát triển, đời sống của phóng viên, cán bộ được nâng lên. Thêm vào đó, công nghệ phát triển, sự tham gia của mạng xã hội, báo nước ngoài buộc báo chí phải bước vào cuộc cạnh tranh thông tin rộng hơn, nhanh nhạy hơn.
Nhìn nhận Chính phủ hiện mới chỉ kịp thời ở việc cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách đã ban hành nhưng việc thông tin trong quá trình chuẩn bị ban hành chính sách còn chưa kịp thời, thông tin vận động chính sách chưa tốt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ tăng cường các hình thức trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan nhà nước với báo giới.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn báo chí của nước nhà sẽ luôn giữ được lòng tin của cộng đồng, xã hội, nhân dân. “Điều này vô cùng quan trọng vì một khi báo chí chính thức lên tiếng, có lòng tin thì các luồng thông tin sai lệch sẽ tự nhiên giảm và dần dần biến mất” – Phó Thủ tướng nói.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị báo chí trong năm 2017 tiếp tục tuyên truyền để cổ vũ cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết khác; phát hiện, cổ vũ động viên các điển hình tiên tiến; phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phê phán tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, chống những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; tạo diễn đàn để nhân dân hiến kế, đóng góp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Về công tác chỉ đạo và quản lý trong năm nay, ông Thưởng đề nghị các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý phát huy kết quả quản lý báo chí 2016; tiếp tục phương châm chủ động, kịp thời, thống nhất trong chỉ đạo và định hướng thông tin; thực hiện tốt cơ chế phản hồi thông tin của báo chí; sớm thực hiện việc quy hoạch báo chí và quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, trình độ của người làm báo.
Ông Thưởng cũng đề nghị cơ quan quản lý đảm bảo trách nhiệm của người phát ngôn, đảm bảo người được giao phát ngôn phát ngôn có trách nhiệm, tránh làm cho xã hội phân tâm, dư luận xôn xao.